Sức sống trường tồn của ''''quốc thi'''' Việt Nam Sức sống trường tồn của ''''quốc thi'''' Việt Nam , Người xứ Nghệ Kiev
(HNMCT) - Từ bao đời nay, người Việt Nam hầu như ai cũng thuộc "nằm lòng" vài câu lục bát. Là thể thơ truyền thống, lục bát đã tạo nên nhiều thành tựu trong lịch sử văn học Việt Nam. Khi đi ra “đấu trường” thơ ca thế giới, lục bát mang hồn thiêng dân tộc, trở thành “đại sứ” lan tỏa giá trị văn hóa Việt, giá trị văn chương Việt ra khắp năm châu.
“Điệu hồn” dân tộc
Đã có nhiều bài viết, nghiên cứu về nguồn gốc của thể thơ lục bát nhưng cho đến nay những nỗ lực ấy vẫn mang tính phỏng đoán, giả thiết. Người thì khẳng định lục bát đến từ tục ngữ, người lại cho rằng lục bát phát triển từ ca dao, cũng có người chứng minh lục bát có nguồn gốc từ văn học viết. Nhưng dù thế nào, có một điều chắc chắn là lục bát có lịch sử lâu đời, luôn hiện diện trong đời sống văn chương và được các thế hệ nhà thơ Việt Nam yêu mến.
Theo nhà phê bình Chu Văn Sơn, lục bát “là đứa con cưng của tiếng Việt, tiếng Việt đã nuôi lớn lục bát, đồng thời, chính lục bát cũng góp phần làm cho tiếng Việt hay hơn, đẹp hơn”. Mỗi câu thơ lục bát đã in dấu phong cảnh quê hương đất nước và văn hóa, đời sống con người Việt Nam.
Lục bát mang hồn thiêng dân tộc đã “làm một cuộc chạy tiếp sức truyền thống suốt từ ca dao, đến Nguyễn Du và mãi đến tận hôm nay không gì phai mờ được trong sự hứng thú của một công chúng phức tạp và rộng lớn”. Cho đến nay, nhiều tác phẩm thể thơ lục bát truyền thống đã để lại dấu ấn trong lịch sử văn học Việt Nam.
Với 3.254 câu thơ lục bát, “Truyện Kiều” của Nguyễn Du là đỉnh cao chói lọi của văn học Việt Nam nói chung và thể thơ này nói riêng. Sự tài hoa thể hiện trong ngôn ngữ Nguyễn Du đã đưa “Truyện Kiều” trở thành tấm căn cước văn hóa của người Việt ra thế giới, đồng thời là minh chứng cho “khả năng chuyển tải nội dung tự sự và trữ tình to lớn trong truyện thơ của thể loại lục bát”.
Ngoài “Truyện Kiều”, thơ lục bát còn có nhiều tác phẩm nổi tiếng như “Lục Vân Tiên”, “Phạm Công - Cúc Hoa”… Thạc sĩ Trần Xuân Toàn (Khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn, Trường Đại học Quy Nhơn) nhận định: “Trong lịch sử văn học Việt Nam, thể thơ lục bát có vai trò đặc biệt và có sức sống mạnh mẽ. Có thể nói, thơ lục bát là “điệu hồn” của dân tộc Việt Nam”.
Từng có người ví: "Làm thơ lục bát giống như thổi cơm, luộc rau. Vẫn rau đấy, gạo đấy nhưng thêm nước ra sao, độ lửa thế nào để hạt cơm được mềm mà không nát, tơi mà không khô, để có được cọng rau giòn ngon là cả một nghệ thuật". Thơ lục bát được cho là dễ làm, ở mọi nơi, mọi thời điểm luôn có người lập tức ứng khẩu vài câu thơ lục bát. Song, thơ lục bát tuy dễ làm nhưng rất khó hay.
Theo những người tuyển chọn “Tuyển tập thơ lục bát Việt Nam”, lục bát “đi cheo leo trên một sợi dây vô hình giữa một bên là thi phẩm làm rung động lòng người và một bên là bài vè thô thiển. Cái hay của lục bát là hồn thơ lay động ở ngay vần điệu, ở âm hưởng, ở cái duyên kỳ ngộ, ở sự xuất thần, ở cả phía sau câu thơ và dưới từng chữ, từng lời, thật khó tả”.
Thi sĩ Tản Đà, người được đánh giá là “gạch nối giữa hai thời kỳ văn học cổ điển và hiện đại” đã để lại cho hậu thế tuyệt phẩm lục bát “Thề non nước”, để sau đó ở thời kỳ Thơ mới, lục bát vẫn được trân trọng với nhiều tác phẩm như: “Buồn đêm mưa”, “Ngậm ngùi”, “Thu rừng” của Huy Cận; “Chiều” của Xuân Diệu; “Cổng làng” của Bàng Bá Lân; “Thơ sầu rụng”, “Giang hồ” của Lưu Trọng Lư, và đặc biệt là Nguyễn Bính với những bài thơ lục bát đã “đánh thức người nhà quê vẫn ẩn náu trong ta”.
Thời kỳ kháng chiến, thơ tự do phát triển mạnh mẽ nhưng lục bát vẫn cho thấy sức ảnh hưởng sâu rộng trong thi ca cách mạng, thi ca thời hậu chiến với các tác phẩm của Hoàng Trung Thông, Nguyễn Đình Thi, Tế Hanh, Trần Đăng Khoa, Đồng Đức Bốn… Nhưng dày đặc nhất là thơ Tố Hữu với 75 thi phẩm lục bát, nhiều khổ thơ lục bát của ông đã được đưa vào chương trình học tiếng Việt, ngữ văn ở nhiều cấp học.
Ngày càng đa dạng, hấp dẫn
Trong tiến trình phát triển của thơ hiện đại, dòng chảy lục bát được tiếp nối bởi nhiều tác giả - tác phẩm mới, lạ. Những năm gần đây, sức sống của lục bát càng thêm mạnh mẽ. Nhiều cuộc thi thơ lục bát đã được tổ chức, thu hút nhiều người tham gia. Một số trang web được lập nên chỉ dành riêng cho lục bát.
Trên mạng xã hội Facebook, nhóm Lục bát Việt Nam có gần 1,2 vạn thành viên tham gia. Các câu lạc bộ thơ lục bát “mọc” ở khắp các địa phương. Thậm chí, có cả một "Ngày thơ lục bát" được tổ chức vào ngày 6-8 âm lịch hằng năm để tôn vinh thể loại thơ độc đáo của dân tộc, đồng thời góp phần phát triển phong trào sáng tác thơ lục bát Việt Nam. Điều đó cho thấy sức sống bền bỉ và mạnh mẽ của thơ lục bát trong đời sống.
Cuộc hội thảo “Nhận diện thơ lục bát Việt Nam đương đại” được tổ chức gần đây đã khẳng định “trên văn đàn hiện nay đang có một thế hệ tác giả lục bát mới gây nhiều hứng thú trong tiếp nhận như Văn Thùy, Nguyễn Bảo Sinh, Nguyễn Thế Hoàng Linh, Miên Di, Trần Lê Khánh, Đỗ Huy Chí… Có thể thấy lục bát Việt Nam đương đại vừa kế thừa những tinh hoa thể loại của lục bát truyền thống, vừa có nhiều đổi mới, cách tân, làm giàu có và phong phú thêm những đặc tính riêng khác, những giá trị đặc sắc của lục bát hiện đại. Nhìn rộng hơn, trong khi một số thể loại văn chương Việt Nam đang tìm cách vận dụng tri thức nghệ thuật phương Tây, thơ lục bát vẫn có vị thế và sức hấp dẫn lớn nhờ khai thác sâu chất lượng văn chương, văn hóa và ngôn ngữ dân tộc”.
Song, lục bát đương đại bên cạnh lối viết truyền thống thì đã có những sự thay đổi, cách tân. Vẫn là cách luân chuyển vần “đúng luật” lục bát, nhưng nhiều câu thơ, bài thơ đã được ngắt nhịp khác đi tạo không gian mới cho thơ lục bát. Thực tế, từ xưa Nguyễn Du đã dùng nhiều cách ngắt nhịp khác nhau trong các câu lục bát “Truyện Kiều”, nhưng ngày nay việc ngắt nhịp thể hiện rõ ở cách trình bày “bẻ câu, xuống dòng” khiến câu thơ không chỉ có hình thức mới, mà còn tạo ra ý nghĩa mới.
Tiến sĩ Hỏa Diệu Thúy (Khoa Khoa học xã hội, Trường Đại học Hồng Đức) cho rằng: “Trong không khí hội nhập, văn hóa của mỗi dân tộc chính là những đặc sắc riêng biệt thể hiện tính cách, tâm hồn của con người ở mỗi vùng đất. Với những cây bút lớn, ngay lập tức nhận ra lợi thế của lục bát và họ đã khai thác những đặc tính ưu việt của nó, làm sống lại thể thơ đó một cách linh hoạt và đầy sáng tạo”.
Dù theo một khung cũ nhưng lục bát đương đại có sự sáng tạo hình thức mới, như kiểu “vắt dòng, leo thang” trong bài thơ “Gặp Nguyễn Du trên sông đêm” của Nguyễn Việt Chiến: “ĐêmMưaGặp NguyễnTrên sôngĐầu đội nón láChân không mang giàyÔng ra câu cáSông nàyMột chiếc cần trúcPhất đầy mưa đêm…”.
Như nhà thơ Trúc Thông với bài thơ “Bờ sông vẫn gió”: “Lá ngô lay ở bờ sôngBờ sông vẫn gióNgười không thấy vềXin người hãy trở về quêMột lần cuối… một lần về cuối thôiVề thương lại bến sông trôi…”. Hay cách kết hợp thơ đôi giữa một lục bát, một haiku (thể thơ nổi tiếng của Nhật Bản) của nhà thơ Nhật Chiêu: “Tóc mưaThân thuyền độc mộcĐêm xưaĐêm mưa người cứu độ ngườiĐưa hương cực lạc về trôi vô thường”(“Người cứu độ người”).
Tiến sĩ Ngữ văn Nguyễn Thị Tính (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2) cho rằng: “Sự sóng đôi haiku - lục bát khiến hình thức câu chữ của bài thơ đôi đã có tính “thi trung hữu họa” - một đặc điểm nổi trội của thơ ca phương Đông truyền thống”. Thơ haiku vốn không có vần, nhưng khi "sang sinh sống” ở Việt Nam, khi được kết hợp với lục bát, thơ có sự bắt nối âm, cho “ý từ câu haiku gọi tới câu lục bát như một sự dẫn dắt để lục bát tiếp nối, lan tỏa, âm vang”.
Có thể nói, sự trở lại sôi nổi của lục bát những năm gần đây đã làm phong phú hơn đời sống thơ ca Việt, góp phần nuôi dưỡng thơ lục bát nói riêng và tiếng Việt trong lòng người dân, để sức sống của lục bát mạnh mẽ trường tồn cùng dân tộc.