Loại nhà nào chống được gió bão "đánh 4 phương 8 hướng"? Loại nhà nào chống được gió bão "đánh 4 phương 8 hướng"? , Người xứ Nghệ Kiev
Dân trí
Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, mô hình nhà hình cầu ở Nhật Bản có thể chống được động đất và gió bão "đánh 4 phương 8 hướng".
Ngày 16/12, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức cuộc họp về "Nhà ở an toàn phòng chống thiên tai".
Mở đầu cuộc họp, ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai (PCTT) cho biết, trong tháng 10 và 11 của năm 2020, thiên tai đã dồn dập "tấn công" khu vực miền Trung của Việt Nam, gây thiệt hại nặng nề về người, tài sản của người dân và các hoạt động kinh tế xã hội. Đặc biệt số lượng nhà bị thiệt hại trong đợt thiên tai này ở khu vực miền Trung vừa qua rất lớn.
"Không chỉ riêng khu vực miền Trung mà trên cả nước, tình hình về nhà ở an toàn trong thiên tai cũng là vấn đề lớn cần phải giải quyết. Cuộc họp hôm nay hội ngộ những đại biểu tiêu biểu về kiến trúc, do đó, rất kỳ vọng nhận được những đóng góp, chia sẻ để có thể đi đến thống nhất và triển khai những mẫu thiết kế về nhà ở an toàn phòng chống thiên tai", ông Hoài nói.
Tại cuộc họp, kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho biết: Khi quy hoạch xây dựng phải lồng ghép với các yếu tố biến đổi khí hậu, dự báo, phòng chống thiên tai thì mới tạo lên "sức mạnh tổng hợp".
"Ví dụ trong quy hoạch chúng ta phải lồng ghép những bản đồ cốt nền, độ cao, địa chất, thủy văn, mực nước, bản đồ thoát lũ,... Quy trình lồng ghép giảm nhẹ rủi ro thiên tai quan trọng nhất là trong quy hoạch sử dụng đất. Chúng ta phải đánh giá được nguy cơ, tiềm ẩn rủi ro và mức độ phơi bày trước thảm họa theo các cấp độ do Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ đánh giá", ông Hào nói.
Tiếp đến, ông Hào đưa ra hàng loạt ví dụ mô hình nhà ở an toàn phòng chống thiên tai trên thế giới. Trong đó, ông Hào đưa ví dụ khá thú vị về mô hình nhà hình cầu chống động đất ở Nhật Bản, tuy nhiên, mẫu nhà này cũng được áp dụng để chống bão ở Mỹ.
"Bão thì gió đánh 4 phương 8 hướng, gió cuộn, gió kéo ra, rồi thì gió xoáy. Tất cả hình cầu thì nó trượt được hết nên an toàn. Mẫu nhà hình cầu này thì tốn kém, nhưng khi sản xuất hàng loạt mà có nghiên cứu khoa học thì mái cầu này cũng không đắt lắm, mà phụ thuộc chúng ta làm số lượng bao nhiêu thôi", ông Hào cho biết.
Kết thúc bài trình bày của mình, ông Hào chia sẻ, triển khai mô hình nhà ở an toàn phòng chống thiên tai phải làm đồng bộ, liên ngành vì liên quan đến quy hoạch sử dụng đất, phương thức sản xuất...
Đồng quan điểm về việc phải triển khai đồng bộ các mô hình nhà ở an toàn phòng chống thiên tai, kiến trúc sư Lã Thị Kim Ngân, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Kiến trúc đưa ra nhận xét: Lâu nay các ngành thiếu sự liên kết, mỗi ngành đứng ở góc độ riêng của mình. Việc thiếu liên kết này cũng thể hiện trong những giải pháp của các nhà ở chống bão, lũ.
"Hiện nay các mô hình nhà ở chống bão lũ đã triển khai xây dựng đều mang tính lẻ tẻ, đơn chiếc. Để khắc phục yếu điểm này chúng ta phải tạo ra tính liên kết, tức là liên kết từ những chủ trương, cách phối hợp thực hiện", bà Ngân cho biết.
Kỳ vọng nhà chống bão lũ có thể làm homestay
Cũng theo bà Ngân, khi tiến hành xây dựng các nhà ở phòng chống thiên tai phải tạo ra sự liên kết trong cộng đồng. Tức là sự liên kết của từng ngôi nhà để tạo thành một tổ hợp, một "quần cư" và thông qua đó chúng ta tạo ra những hạ tầng liên kết như: điện, nước sinh hoạt, xử lý rác, thoát nước thải,... Đặc biệt là khả năng ứng cứu khi có thiên tai. Một liên kết nữa là sự liên kết với các hoạt động xã hội hiện nay, tức là liên kết các nguồn lực trong đầu tư, trong triển khai;...
"Hội Kiến trúc sư Việt Nam xin làm thí điểm luôn một số khu vực như: Thừa Thiên Huế, Quảng Trị và Quảng Nam. Đây là 3 khu vực có đặc điểm thiên tai mang tính đại diện. Sau đó chúng ta sẽ thiết kế một tổ hợp quần cư mà nó dựa trên các điều kiện địa hình mà đặc điểm của thiên tai. Sau đó sẽ có đánh giá những mẫu thiết kế nhà này tồn tại trong thiên tai như thế nào, từ kết quả này nếu tốt sẽ phát triển trên diện rộng", bà Ngân nói thêm.
Phó Viện trưởng phụ trách Viện Kiến trúc cho biết, dự báo đến năm 2050 Việt Nam có khoảng 30 triệu dân sống ở khu vực thường xuyên có thiên tai tại dải đất miền Trung. Trong số 30 triệu dân này thì người nghèo chiếm tỷ lệ khá lớn, do đó, nhà nước cần phải quan tâm. Cách quan tâm không phải cứ cho tiền như hiện nay mà cần có cơ chế phối hợp như người dân tự làm cái gì, nhà nước hỗ trợ cái gì, mà đặc biệt đâu là "cái lõi" ở khu vực này.
"Chúng ta lâu nay mới giải quyết câu chuyện ứng cứu, nhưng chưa đặt vấn đề sau bão lũ thì những cơ sở vật chất đó làm gì? Chúng tôi kỳ vọng, tại những vùng nghèo nhất, miền Trung là khu vực phát triển "nóng" về du lịch, rất có tiềm năng phát triển du lịch trong tương lai. Vậy thì người dân có thể sống chung trong bão lũ, thì sau bão lũ những ngôi nhà chống bão lũ đó có thể làm homestay được không? Người ta có thể đem lại kinh tế du lịch trong chính ngôi nhà của mình không? Do đó, các kiến trúc sư của chúng tôi rất tâm huyết ở điểm này", bà Ngân bày tỏ trăn trở.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp gửi lời cảm ơn đến Hội Kiến trúc sư Việt Nam. Ông Hiệp dẫn lại câu nói của một kiến trúc sư tham dự cuộc họp, đó là từ năm 1957, Hội Kiến trúc sư Việt Nam đã bắt đầu nghiên cứu câu chuyện thiết kết nhà ở chống bão lũ.
Theo ông Hiệp, nhà ở an toàn trong vùng thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai đó là "câu chuyện xã hội rất lớn", còn vẫn phải có "bàn tay nhà nước". Muốn làm nhà an toàn cho vùng bão lũ thì sự đồng thuận của người dân là vấn đề đầu tiên, mà muốn người dân đồng thuận thì mọi thứ phải phù hợp.
"Đồng thuận của cả cộng đồng dân cư là không hề đơn giản. Một vấn đề nữa là muốn làm mô hình nhà ở an toàn cho bà con vùng lũ thành công thì phải đầu tư bài bản, căn cơ như: phải có nhà mẫu, sau đó là cộng đồng mẫu rồi mới ra được chương trình dự án", ông Hiệp cho biết.
Ông Hiệp cho biết thêm, năm 2020, Tổng cục PCTT phối hợp với các cơ quan chức năng ban hành hướng dẫn mẫu nhà ở phù hợp, an toàn trong phòng chống thiên tai để các địa phương tham khảo. Bên cạnh đó, Tổng cục PCTT còn phối hợp triển khai xây dựng mẫu nhà mới an toàn trong phòng chống thiên tai gồm: các nhà mẫu của dân, nhà mẫu của cộng đồng, tổ hợp nhà mẫu... theo hình thức xã hội hóa... Về lâu dài, cần tham mưu với Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình về nhà ở an toàn trong phòng chống thiên tai.