Bản làng Nước Mù nằm giữa khu rừng phòng hộ đầu nguồn bên dãy núi Trường Sơn Đông. Người dân nơi đây làm nhà sàn sống bên con suối Nước Mù.
Già làng Đinh Văn Núi, cho hay, do địa hình cách trở với nhiều đồi dốc, dòng suối chảy xiết quanh năm nên sau chiến tranh một số hộ dân mới về đây dựng nhà sinh sống.
Những năm gần đây, chính quyền địa phương vận động một số hộ dân đã rời làng đến trung tâm xã Sơn Bua, huyện vùng cao Sơn Tây sinh sống. Tuy nhiên đến nay hàng chục hộ dân vẫn còn bám trụ sống giữa rừng theo tập tục của làng. "Đa số phụ nữ ở đây đẻ con tại nhà do nhà cách trung tâm huyện hơn 4 giờ đi bộ vượt suối, băng rừng. Riêng vợ chồng tôi có 9 đứa con", bà Đinh Thị Ấy ở thôn Nước Mù, xã Sơn Bua cho biết.
Dân làng nơi đây sử dụng nước suối nấu ăn và tắm, giặt hàng ngày. "Người dân nói họ thích cuộc sống giữa núi rừng hoang dã, làm nương rẫy sống tự cung, tự cấp nên không muốn đi đâu nữa. Làng này đến nay vẫn chưa có điện, không có sóng điện thoại và nước sạch sinh hoạt", Bí thư Đảng ủy xã Sơn Bua Đinh Minh Tôn nói.
Thấy người lạ, những đứa trẻ nơi đây tỏ ra e dè, nhút nhát.
Người dân địa phương chủ yếu làm nương rẫy, sản xuất tự cung, tự cấp. Họ tự chế ra những chiếc bẫy thú rừng để dự trữ lương thực cho những ngày bị cô lập do nước lũ, sạt lở núi vây quanh.
Phụ nữ đồng bào dân tộc Kadong nơi đây vừa địu con sau lưng vừa phát rẫy.
Học sinh đến trường trên chiếc cầu đơn sơ bằng những thân cây lồ ô ghép nối, rung lắc như chiếc võng bắc ngang suối Nước Mù.
Mưa lũ gây xói lở mố cầu treo tạo thành "cái bẫy" nguy hiểm uy hiếp tính mạng người dân, học sinh ở làng này.
Cô giáo Đỗ Thị Bích Huyền, giáo viên trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học & THCS Sơn Bua, huyện Sơn Tây chăm sóc cho em Đinh Thị Pi, học sinh lớp 5A trước giờ đến lớp. "Do nhà ở quá xa, các em học sinh làng Nước Mù phải ở lại bán trú của trường để học tập. Ngoài giờ dạy học trên lớp, chúng tôi còn dạy kèm, chăm sóc các em ở khu bán trú", cô giáo Huyền chia sẻ.
Để học trò không nghỉ học giữa chừng, nhiều đoàn giáo viên vượt suối, băng rừng về làng vận động các em đến lớp. Hiệu trưởng trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học & THCS Sơn Bua Nguyễn Văn Ánh cho hay làng Nước Mù có 14 em đến trường ở các bậc học. "Thực tế là nhiều phụ huynh học sinh nơi đây không biết chữ. Nếu chúng tôi không kiên trì vận động các em bám trường, bám lớp thì cuộc sống của người dân làng Nước Mù khó thoát khỏi vòng luẩn quẩn đói, nghèo", ông Ánh chia sẻ.