Vụ chùa Kỳ Quang 2: Xét nghiệm ADN không khả thi Vụ chùa Kỳ Quang 2: Xét nghiệm ADN không khả thi , Người xứ Nghệ Kiev
Dân trí
Phương án xét nghiệm ADN không khả thi nên có thể sẽ có nhiều hũ cốt ở chùa Kỳ Quang 2 không nhận diện được. Những hũ cốt này nên xử lý như thế nào?
3 phương án xử lý tro cốt không xác định được thông tin
Trước thông tin phương án xét nghiệm ADN tro cốt là không khả thi, Thượng tọa Thích Quang Thạnh, người được giao tạm quyền điều hành hoạt động chùa Kỳ Quang 2 cho biết đã bàn bạc với đại diện chính quyền cùng ban đại diện các gia đình có gửi tro cốt người thân tại chùa và thống nhất cách giải quyết bằng phương pháp đối chứng di ảnh với hũ cốt.
Việc đối chứng này sẽ tiến hành từ 7h30 ngày 9/9, mỗi đợt có 10 người xuống hầm cốt tìm kiếm trong 45 phút. Nếu tìm được, người nhà sẽ đánh dấu ký hiệu di ảnh với ký hiệu hũ cốt trong phiếu thông tin và đề xuất nguyện vọng của mình là tiếp tục để lại hũ cốt thờ cúng tại chùa Kỳ Quang hoặc di dời sang thờ cúng tại chùa khác.
Thượng tọa Thích Quang Thạnh cho biết: “Thành hội Phật giáo TPHCM đã có chỉ đạo, nếu người nhà muốn gửi hũ cốt sang nơi khác thì chùa Kỳ Quang sẽ làm giấy xác nhận để người nhà gửi sang chùa Vĩnh Nghiêm, chùa Vĩnh Nghiêm sẽ tiếp nhận hoàn toàn miễn phí”.
Còn đối với những hũ cốt không tìm ra di ảnh, hoặc người nhà sau khi đối chứng mà không tìm ra hũ cốt của người thân thì Thượng tọa Thích Quang Thạnh đề xuất giải quyết bằng 3 phương án, tùy từng gia đình lựa chọn.
Thứ nhất, chùa Kỳ Quang sẽ làm 1 ban thờ riêng để thờ toàn bộ số hũ cốt không xác định được thông tin này, đồng thời khắc một bảng vàng lớn ghi họ tên, ngày mất của các hương linh chưa tìm được hũ cốt để thờ chung.
Thứ 2, toàn bộ số hũ cốt không xác định được thông tin được mở ra, trộn lẫn vào nhau và đúc chung thành hình tượng Phật để thờ cúng.
Thứ 3, toàn bộ số hũ cốt không xác định được thông tin được mở ra và thực hiện nghi thức thủy táng theo tâm niệm cát bụi sẽ trở về cát bụi.
Các gia đình không tìm được hũ cốt thân nhân của mình có thể viết lựa chọn trong phiếu thông tin do chùa Kỳ Quang phát ra khi vào hầm cốt tìm kiếm. Sau khi hoàn tất công tác đối chứng, đại diện 3 bên là nhà chùa, chính quyền địa phương và ban đại diện các gia đình sẽ họp lại, thống kê các nguyện vọng để quyết định.
Nên xây tháp thờ chung
Trả lời về việc các gia đình không tìm thấy hũ cốt của thân nhân và không thống nhất được phương án giải quyết, Thượng tọa Thích Quang Thạnh cho biết: “Khi đó nhà chùa phải mở buổi giảng pháp để phân tích rõ cái lợi của từng giải pháp để mọi người hiểu, đồng lòng hỷ xả và cùng nhìn về một hướng, thống nhất 1 giải pháp mà nhiều người đồng tình nhất để giải quyết sớm nhằm giúp mọi người an lòng”.
Theo thượng tọa, giải pháp lập bàn thờ chung giúp các hương linh lúc nào cũng được nghe kinh niệm ở chùa hàng ngày, hương linh an lạc. Khi thân nhân bất cứ hương linh nào đến cúng viếng thì các hương linh cũng được hưởng dụng chung.
Còn nếu tất cả tro cốt được đúc thành hình tượng Phật cũng như là người đã khuất đều đã nằm trong lòng đức Phật, trở về với thế giới chân Phật như mong mỏi của gia đình.
Với phương án thủy táng, Thượng tọa Thích Thanh Quang cũng nhận định là khó làm vì chỉ cần một số gia đình không đồng ý là không thực hiện được. Nhưng nếu mọi người đồng ý, chùa Kỳ Quang 2 sẽ tổ chức nghi lễ cầu siêu trang trọng theo đúng nghi thức Phật giáo.
Nhận xét về các phương án xử lý những hũ cốt có thể không nhận diện được, Thượng tọa Thích Minh Trí, trụ trì chùa Phúc Lâm (Biên Hòa, Đồng Nai) cũng cho rằng phương án lập ban thờ chung là khả thi nhất trong tình cảnh bất khả kháng này.
Thượng tọa Thích Minh Trí nói: “Chúng ta có thể lập phòng thờ, xây tháp thờ để đặt chung những hũ cốt không nhận diện được. Sau đó lập 1 bảng vàng ghi rõ họ tên, hương linh của tất cả các hũ cốt không nhận diện được để thờ cúng chung. Khi thân nhân đến thăm viếng, lễ bái nhang khói thì tất cả hương linh có thể hưởng dụng chung. Mà người nhà cũng có thể tưởng niệm hình ảnh ông bà tổ tiên của mình”.
Về hình thức thủy táng, Thượng tọa Thích Minh Trí cho rằng cũng có nhiều lý do để khuyến khích nhưng hiện còn rất xa lạ với người dân Việt vì vốn văn hóa người Việt không có phong tục đó. Do đó, phương án này khó đạt được sự ủng hộ của đa số.
Chia sẻ về sự việc xảy ra tại chùa Kỳ Quang 2, Thượng tọa Thích Minh Trí, trụ trì chùa Phúc Lâm, Phó ban kiêm Chánh thư ký Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP Biên Hòa, thông cảm về sự việc không may xảy ra tại đây.
Theo Thượng tọa Thích Minh Trí, hiện nhiều chùa có hoạt động nhận lưu giữ, thờ cúng tro cốt của người đã khuất cho phật tử nên nhà chùa rất hiểu tầm quan trọng của tro cốt trong lòng bá tánh. Do đó, không một nhà chùa, nhà sư nào mong muốn điều đó xảy ra hay chủ động làm điều như thế.
Thượng tọa Thích Minh Trí cho biết: “Trong tâm linh người Việt, đến thắp hương mồ mả ông bà, hay thắp hương viếng tro cốt ông bà, đó không chỉ là đến xem nấm mộ, nhìn hũ tro mà họ đến để tưởng niệm hình ảnh của cha mình, mẹ mình, những kỷ niệm xưa cũ gắn bó với người thân, đó là một sợi dây tâm linh thiêng liêng liên kết họ với người đã khuất, gắn bó tình cảm gia đình”.
“Mấy chục năm làm trụ trì chùa Phúc Lâm và nhận lưu giữ, thờ cúng tro cốt của phật tử, tôi chăm chút từng chút một cho tháp cốt, cho từng hũ cốt. Vì tôi cảm nhận rằng mỗi hũ tro cốt là di vật linh thiêng còn sót lại của đời người gắn liền với tình cảm người thân còn sống mà gia đình phật tử gửi gắm, nhờ nhà chùa lưu giữ bảo quản, chăm sóc hương khói, tâm linh”, Thượng tọa Thích Minh Trí chia sẻ.