Hồi sinh rối cạn Lộc Hòe Hồi sinh rối cạn Lộc Hòe , Người xứ Nghệ Kiev
26/06/2020
(HNMCT) - Sau gần nửa thế kỷ vắng bóng, nghệ thuật múa rối cạn Lộc Hòe (thôn Lộc Dư và Hòe Thị, xã Nguyễn Trãi, huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội) đã được hồi sinh nhờ tâm huyết của cộng đồng người dân nơi đây.
1. Tôi sinh ra ở ngôi làng gần với Lộc Hòe, trong trí nhớ còn lưu lại đôi chút về những đêm hội xem rối cạn ở làng bên. Hình ảnh bàn tay người nghệ sĩ mềm mại, khéo léo, có lúc lại mạnh mẽ, dứt khoát cùng điệu nhạc, lời hát sôi động vẫn in hằn trong ký ức tôi. Rồi xã hội phát triển, con người bận rộn mưu sinh, bỗng dưng tôi không còn thói quen đi xem rối cạn Lộc Hòe nữa.
Cho đến gần đây tôi mới sực nhớ đến môn nghệ thuật dân gian từng gắn bó với tuổi thơ mình. Đặc biệt, khi thấy các phường rối nước Đào Thục, Chàng Sơn được quảng bá nhiều trên báo chí, truyền hình, tôi càng nhớ rối cạn da diết.
Ý nghĩ ấy thôi thúc tôi tìm về thôn Lộc Dư để gặp lại “nghệ sĩ vườn” Nguyễn Hữu Y - tên thật là Nguyễn Khắc Oánh. Cách đây chừng 15 năm, mỗi khi làng có hội là ông Y cùng các diễn viên trong đội rối cạn Lộc Hòe lại tổ chức diễn xướng. Chừng ấy năm giờ mới có dịp chuyện trò cùng “vai chính” trong những vở rối mà hồi nhỏ tôi thường xem.
2. Tiếp tôi bằng cốc nước vối trong cái nắng hè oi ả, ông Y chậm rãi kể về những thăng trầm của một môn nghệ thuật dân gian đặc sắc.
Hóa ra rối cạn Lộc Hòe cũng chưa “nhiều tuổi” lắm. Năm 1954, khi hòa bình lập lại, một số người trong hai thôn Lộc Dư và Hòe Thị lúc đó có nghề biểu diễn rối nước mới bàn nhau lập một phường rối, trong đó nổi bật là cụ Tam Cương (nay đã mất). Thuở ấy ông Y mới lọt lòng, chả thế mà ông luôn coi rối cạn như người anh em song sinh với mình. Do Lộc Hòe không phải là vùng sông nước nên các cụ quyết định múa rối trên cạn và sáng tác vở diễn dựa trên tích xưa như các vở Trí khôn của ta đây, Quê ta mở hội, Thằng chết cãi thằng khiêng...
Phát triển chưa được bao lâu thì rối cạn Lộc Hòe tạm lắng xuống do ảnh hưởng của chiến tranh, đến đầu những năm 70 của thế kỷ XX thì được tổ chức diễn lại. Khi đó, chàng thanh niên Nguyễn Hữu Y đã cơ bản nắm được các vai diễn, cách chơi nhạc và làm rối. Song “ngày vui ngắn chẳng tày gang”, đến năm 1974, vì nhiều lý do khách quan mà rối cạn Lộc Hòe dừng hoạt động.
Năm 2003, khi đã 50 tuổi, ông Y quan niệm rằng mình đã đi qua nửa đời người, con cái trưởng thành, cuộc sống tương đối đủ đầy nên cần phải làm điều gì có ý nghĩa với cộng đồng, nhất là với nghệ thuật rối cạn của quê hương.
Ông Y bèn tìm đến ông Lê Công Uyển, một cán bộ văn hóa nghỉ hưu và bà Tạ Thị Tú, một người có tài khâu vá, giỏi hát chèo. Ông Uyển có khả năng sáng tác, vì thế không chỉ dựa vào các vở cũ mà ông có thể cho ra nhiều “đứa con tinh thần” khác. Bà Tú thì nhận trách nhiệm biên đạo và may trang phục cho nhân vật, cả trang phục người và trang phục thú. Các thành viên còn lại lo phần nhạc (nhạc của rối cạn cũng đầy đủ bát âm gồm trống, nhị 1, nhị 2, sáo...).
Nhiệm vụ của ông Y “nặng nề” nhất khi phải tạo hình nhân vật, tham gia diễn xuất, đôi lúc làm cả nhạc công. Rối cạn khác hẳn rối nước ở chỗ quân rối không phải bằng gỗ mà được làm bằng đất sét, bột đá, giấy bồi, xi măng..., đặc biệt là phải tự làm vì ngoài thị trường không bán sẵn. Ngoài ra, rối cạn có một số khâu đặc biệt như tay rối có khuỷu, có thể xoay 180 độ chứ không thẳng như rối nước, đầu rối có thể gật gù được, bàn tay xoay được như đang múa và vẽ mặt phải khéo, có thần thái. Hệ thống dây phải uyển chuyển, bộ khung phải chắc, dễ cầm. Ông Y chia sẻ: Những màn đấu vật trên sân cỏ, màn rượt đuổi, múa... của rối cạn sinh động, chân thực hơn rối nước.
Mất mấy tháng ròng rã, ông Y cuối cùng đã cho ra đời gần 30 nhân vật rối cả người lẫn thú. Với óc sáng tạo và đôi tay khéo léo, ông vừa là thợ mộc, thợ điêu khắc, thợ vẽ vừa là diễn viên, ca sĩ trên sân khấu.
Một ngày đẹp trời tháng 8-2003, đội rối cạn Lộc Hòe chính thức “trình làng” vở diễn đầu tiên. Các cụ vui mừng chứng kiến sự hồi sinh của rối cạn Lộc Hòe sau hàng chục năm vắng bóng, còn thế hệ trẻ thì vô cùng bất ngờ khi ngay tại ngôi làng của mình, họ lần đầu tiên được xem một loại hình nghệ thuật độc đáo, riêng có của quê hương.
Tiếp nối thành công ấy, đội rối cạn Lộc Hòe được mời đi biểu diễn ở nhiều nơi. Tháng 6-2004, họ được mời tham gia hội diễn nghệ thuật do UNESCO tổ chức tại Bangkok, Thái Lan. Năm 2005, rối cạn Lộc Hòe tiếp tục ghi dấu ấn tại Liên hoan văn nghệ toàn quốc nhân kỷ niệm 185 ngày mất của Đại thi hào Nguyễn Du tổ chức tại Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Sau đó, những nghệ nhân - nông dân của Lộc Hòe còn tham gia Liên hoan múa rối dân gian toàn quốc lần thứ Nhất tại Hải Dương - năm 2011, tham gia Liên hoan sân khấu truyền thống tại Hà Nội năm 2014 (ông Y giành giải A2 với vai diễn trong vở chèo Chuyện tình của Vũ). Ở bất cứ hội diễn nào rối cạn Lộc Hòe cũng nhận được sự tán dương của khán giả, thậm chí nhiều nơi khán giả mong muốn diễn lại vì quá hấp dẫn.
3. Rối cạn Lộc Hòe hồi sinh nhưng những người như ông Uyển, ông Y, bà Tú vẫn không khỏi lo lắng. So với chục năm trước, giọng hát của bà Tú nay đã bắt đầu yếu, mắt lại mờ nên khó tiếp tục đảm đương việc may vá trang phục. Ông Uyển cũng đã ngừng sáng tác và trao “chiếc băng đội trưởng” cho ông Y. Được cái ông Y vẫn còn khá sung sức, dù năm nay đã gần 70 tuổi. Hằng ngày người “nghệ sĩ vườn” (ông Y thường tự trào như vậy) vẫn đi đắp nổi tại các đình chùa, kiêm luôn việc vẽ tranh bích họa tại không gian công cộng ở địa phương.
Lục hòm “đồ nghề”, ông Y và bà Tú cho tôi xem những con rối nom rất thần thái tuy hơi bụi (có lẽ là do từ Tết Canh Tý tới giờ chưa bỏ ra diễn lần nào bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19). Hỏi ra mới biết, các chương trình biểu diễn của đội rối cạn Lộc Hòe chủ yếu là tự đề xuất, không có thời gian cụ thể và nhất là kinh phí thì... hoàn toàn tự túc. “Mấy năm nay số thành viên đội rối cạn Lộc Hòe ít dần đi do một số cụ đã mất, một số người trẻ thì bận gia đình nên rút lui, tổng số thành viên bây giờ chỉ còn 20 người. Mỗi tiết mục diễn phải chuẩn bị ít nhất một tuần, kinh phí hoạt động phải tự túc nên đã hạn chế sự phát triển, lưu truyền rối cạn Lộc Hòe” - ông Y buồn bã tâm sự.
Bên cạnh đó, không ít người dân địa phương bày tỏ sự tiếc nuối khi người nghệ sĩ tài hoa Nguyễn Hữu Y chưa được phong nghệ nhân, đặc biệt là rối cạn Lộc Hòe cũng chưa được các cơ quan quản lý văn hóa xem xét, công nhận như một loại hình nghệ thuật dân gian.
Trước khi chia tay, ông Y, bà Tú cùng một số nghệ nhân trình diễn một tiết mục rối cạn, gợi cho tôi những kỷ niệm thời thơ ấu. Rối cạn Lộc Hòe vẫn hay và hấp dẫn như ngày nào, vậy mà sân diễn cho nó lại ngày càng ít đi, điều đó quả là đáng tiếc. Và, một câu hỏi lớn cứ đeo đuổi tôi trên đường về: Không biết lớp trẻ bây giờ có còn ai tâm huyết tiếp nối thế hệ “nghệ sĩ vườn” như ông Y, bà Tú..., và số phận rối cạn Lộc Hòe mai này sẽ ra sao?