(HNMCT) - Vừa là bộ phận của văn hóa, vừa là phương tiện truyền tải, phổ biến văn hóa tới công chúng, vì thế bên cạnh chức năng tuyên truyền, báo chí còn có vai trò định hướng, hình thành, lan tỏa chuẩn mực văn hóa ứng xử.
Đặc biệt, trước tình trạng lệch chuẩn trong văn hóa ứng xử của một bộ phận người dân, báo chí đã có những thông tin kịp thời, phân tích, cảnh báo thiết thực, góp phần chấn chỉnh, xây dựng văn hóa ứng xử trong xã hội.
Tiếng nói từ đời sống
Xác định tầm quan trọng của văn hóa ứng xử trong việc xây dựng con người Việt Nam trong tình hình mới, nhất là góp phần thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TƯ “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, thời gian qua, báo chí với vai trò xung kích trên mặt trận văn hóa - tư tưởng đã góp phần rất lớn trong việc định hình và lan tỏa chuẩn mực văn hóa ứng xử trong xã hội.
Bà Bùi Thị Thu Hiền, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội khẳng định, thời gian qua, công tác tuyên truyền, việc thực hiện hai Quy tắc ứng xử đã thu hút được sự ủng hộ của đông đảo quần chúng nhân dân và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc Thành phố Hà Nội có sự đóng góp rất lớn của báo chí. Đặc biệt, trong thời điểm Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ 2 diễn ra tại Hà Nội, các phương tiện thông tin đại chúng đưa rất nhiều thông tin, hình ảnh đẹp, những việc làm hay, thể hiện cách ứng xử thân thiện, mến khách của người dân Thủ đô... Hay một hình ảnh đẹp khác, diễn ra trước đó, đông đảo người dân hân hoan đổ ra đường mừng thành công của đội tuyển bóng đá U23 Việt Nam một cách văn minh... Đó là những câu chuyện đẹp về văn hóa ứng xử mà báo chí với chức năng thông tin của mình đã lan tỏa rộng rãi nét đẹp ấy trong xã hội.
Thật vậy, báo chí đã góp phần tuyên truyền, cổ động các cuộc vận động xây dựng văn hóa ứng xử; phát hiện, cổ vũ cách làm hay, những gương người tốt, việc tốt điển hình, đồng thời phản ánh những thói hư, tật xấu, phê phán những biểu hiện lệch chuẩn về văn hóa..., góp phần xây dựng chuẩn mực văn hóa ứng xử tốt đẹp hơn. Trên mặt trận truyền thông, thời gian qua đã xuất hiện rất nhiều chương trình, chuyên mục tuyên truyền, biểu dương những cá nhân, tập thể tiêu biểu về văn hóa ứng xử như: Vì Thủ đô giàu đẹp văn minh, Ống kính Hànộimới (Báo Hànộimới), Góc nhìn văn hóa, Người Hà Nội thanh lịch, văn minh (Hànộimới Cuối tuần), Người Hà Nội, Hà Nội của chúng ta, Hà Nội những góc nhìn, Văn hóa sống, Sống an toàn... (Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội), Nếp sống (Báo Lao động Thủ đô), Tôi yêu Hà Nội (Tuổi trẻ Thủ đô), Hà Nội thanh lịch văn minh (Kinh tế & Đô thị)... Rồi là cuộc thi ảnh Người Hà Nội ứng xử thanh lịch, văn minh trên Báo Hànộimới, tọa đàm Xây dựng văn hóa ứng xử trong khu chung cư mới trên địa bàn thành phố Hà Nội trên Báo Kinh tế & Đô thị...
Bên cạnh đó, báo chí luôn phản ánh kịp thời hiện tượng ứng xử thiếu văn hóa, như có thể thấy trên các chuyên mục như Mỗi ngày một chuyện (Báo Hànộimới), Thơ châm, Muôn mặt đời thường (Hànộimới Cuối tuần), Góc ảnh Hà Nội đẹp và chưa đẹp (Báo Kinh tế & Đô thị), qua đó phê phán những thói hư tật xấu trong xã hội như: Bệnh thờ ơ, vô cảm, bệnh thành tích, thói hoang phí, lối sống vị kỷ, ứng xử lệch chuẩn, phản văn hóa, kém văn minh..., qua đó rung hồi chuông báo động về sự xuống cấp trong ứng xử văn hóa, rộng hơn là sự xuống cấp về đạo đức xã hội. Thông qua các chương trình, chuyên mục đó, báo chí đã nhân rộng những hành động đẹp trong ứng xử của người dân Thủ đô, từ đó giúp thay đổi hành vi, cách ứng xử trong cộng đồng.
Cần một bản lĩnh vững vàng
Tuy nhiên, phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, trong khi nếp sống đẹp, cách ứng xử văn hóa chuẩn mực còn ít được phản ánh thì có nhiều tờ báo lại “xoáy” quá sâu vào các vụ việc mang tính bạo lực, phản cảm trong xã hội. Ông Ngô Văn Nam, Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình (Sở Văn hóa và Thể Thao Hà Nội) cho biết: “Nhiều tờ báo chỉ tập trung đưa tin, làm nóng những mặt tiêu cực của xã hội để câu view, trong khi thông tin về người tốt, việc tốt, những điều tích cực lại được đưa khá hạn chế. Chưa kể, nhiều cơ quan truyền thông đang khiến cho hành vi, lối ứng xử phản văn hóa được lan truyền qua cách thông tin thiếu định hướng, thiếu sự kiểm chứng”.
Từ góc nhìn của người làm báo, tại hội thảo “Vai trò của báo chí trong truyền thông về chuẩn mực văn hóa ứng xử” diễn ra gần đây, Đại tá, nhà báo Nguyễn Văn Hải (Báo Quân đội nhân dân) đã nêu dẫn chứng về sự lệch chuẩn của truyền thông, báo chí. Đó là sự tung hô thái quá khiến giới trẻ dễ “lóa mắt” trước tác phẩm tầm thường, tiêm nhiễm vào tâm hồn giới trẻ những thông tin hào nhoáng về một số nhân vật giải trí, “câu view” bằng những tiêu đề phản cảm... “Điều đó dẫn tới hệ lụy là gây nhiễu loạn dư luận xã hội, làm gia tăng tâm lý bất an trong công chúng, tác động tiêu cực đến chuẩn mực văn hóa ứng xử của cộng đồng”, nhà báo Nguyễn Văn Hải chia sẻ.
Đổi mới cách tuyên truyền
Văn hóa ứng xử là những hành vi, việc làm, thái độ, lời nói của con người, khái quát thì đó sẽ là đặc điểm ứng xử của cộng đồng. Vì thế, văn hóa ứng xử của các cá nhân thể hiện văn hóa dân tộc. “Một dân tộc có nền kinh tế phát triển cũng đáng được ca tụng, nhưng sẽ vinh dự, tự hào hơn nếu dân tộc đó được ca ngợi là một dân tộc có văn hóa” - Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định như vậy trong hội thảo “Vai trò của báo chí trong truyền thông về chuẩn mực văn hóa ứng xử”. Nhắc lại để thấy tầm quan trọng của văn hóa ứng xử trong xây dựng con người Việt Nam và khẳng định vai trò xung kích của báo chí trên mặt trận tuyên truyền văn hóa ứng xử.
Để chuẩn mực văn hóa ứng xử “ăn sâu, bám rễ” trong cộng đồng, báo chí cần thường xuyên đăng tải những bài viết về gương người tốt, việc tốt, lan tỏa những hành vi, cách ứng xử chuẩn mực. Cũng cần đổi mới, nâng cao chất lượng các bài viết về văn hóa ứng xử, có cách thức tuyên truyền phù hợp với tôn chỉ mục đích và phù hợp với nhu cầu, tâm lý xã hội. Quan trọng hơn, như nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam khẳng định, cần nhất quán, kiên định quan điểm văn hóa là một mặt trận, một bộ phận cấu thành không thể tách rời của sự nghiệp cách mạng. Việc hình thành, xây dựng, định hướng chuẩn mực văn hóa, thực hiện tốt các quy tắc ứng xử là công việc lâu dài, phức tạp, muốn thành công phải có sự vào cuộc đồng bộ của nhiều bộ, ngành, cá nhân, tổ chức của hệ thống chính trị, trong đó có lực lượng báo chí cả nước... Có như thế, báo chí mới góp phần lan tỏa những hành vi ứng xử văn hóa một cách sâu rộng, tạo hiệu ứng tôn vinh, làm theo những giá trị văn hóa ứng xử tốt đẹp trong cộng đồng, trong gia đình và trong toàn xã hội...