19/06/2020
Sáng ngày 19-6, tại Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam long trọng tổ chức Lễ khai trương Bảo tàng Báo chí Việt Nam. Đến dự buổi khai trương có Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh; Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam – Nhà báo Thuận Hữu, cùng các thế hệ nhà báo lão thành qua các thời kỳ và đông đảo giới báo chí trong nước.
Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các nhà báo lão thành cắt băng khai trương trưng bày Bảo tàng Báo chí Việt Nam, sáng 19/6. Ảnh: VGP/Đình Nam
|
Xuất phát từ ý tưởng tâm huyết giữ gìn, tôn vinh và phát huy mạnh mẽ truyền thống tốt đẹp của các thế hệ người làm báo Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam đã hoàn thiện Đề án xây dựng Bảo tàng Báo chí Việt Nam với ba dự án thành phần: dự án trưng bày bảo tàng; dự án sưu tầm hiện vật và tài liệu; dự án tuyển dụng và đào tạo nhân sự bảo tàng. Ngày 21/8/2014, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án xây dựng bảo tàng. Căn cứ vào đề xuất của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ xác định là "bảo tàng chuyên ngành do Hội Nhà báo Việt Nam quản lý" và "bổ sung vào Quy hoạch tổng thể hệ thống bảo tàng Việt Nam đến năm 2020".
Từ tháng 9/2014 đến tháng 7/2017 là thời kỳ Ban Quản lý các dự án thành phần Đề án xây dựng Bảo tàng Báo chí Việt Nam nỗ lực triển khai các hoạt động nghiên cứu, sưu tầm, xây dựng các bộ sưu tập hiện vật, tài liệu về báo chí và bước đầu xác lập kho cơ sở, hình thành bộ máy nhân sự để đáp ứng điều kiện thành lập bảo tàng theo quy định của Luật Di sản. Ngày 28/7/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1118/QĐ-TTg thành lập Bảo tàng Báo chí Việt Nam. Lễ công bố Quyết định và ra mắt bảo tàng đã được tổ chức trọng thể ngày 16/8/2017.
Từ khi thành lập đến nay, Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã trải qua hơn 1.000 ngày để triển khai ba dự án thành phần trên. Dự án sưu tầm tài liệu, hiện vật đã, đang được tiếp tục triển khai với trên 20.000 hiện vật, tài liệu được tập hợp và bảo quản tại kho cơ sở của bảo tàng. Trong số đó đã có trên 700 hiện vật, tài liệu độc đáo, quý hiếm phản ánh những sự kiện quan trọng của lịch sử báo chí Việt Nam được nghiên cứu, lập hồ sơ, thẩm duyệt phục vụ trưng bày. Dự án trưng bày triển khai cùng dự án sưu tầm, đến nay đã hoàn tất thi công.
Bảo tàng Báo chí Việt Nam gồm 2 tầng với 5 phần trưng bày. Phần 1 "Báo chí Việt Nam giai đoạn 1865-1925"; phần 2: "Báo chí Việt Nam giai đoạn 1925-1945"; phần 3: "Báo chí Việt Nam giai đoạn 1945-1954"; phần 4: "Báo chí Việt Nam giai đoạn 1954-1975"; phần 5: "Báo chí Việt Nam giai đoạn 1975 đến nay".
Các không gian trưng bày được bố trí trên diện tích gần 1.500 m2 và được thể hiện bằng các cách thức trưng bày khác nhau: trưng bày bằng giải pháp đồ họa trên đai vách; bằng hiện vật, tư liệu gốc và phục chế trong tủ, bục, giá, kệ, trục, quay..., thông qua các giải pháp công nghệ phát thanh - truyền hình - số hóa để phục vụ tối đa nhu cầu công chúng đến thưởng lãm.
Một số điểm nhấn trong không gian trưng bày là hình tượng Bút sen ở gian khánh tiết, bục kim cương ở gian 1865-1925, báo Thanh Niên ở gian 1925-1945, báo chí chiến khu giản 1945-1954, làm báo dưới hầm giam 1954-1975, ba chủ đề ở trung tâm gian báo chí đổi mới, khu vực trải nghiệm các loại hình báo điện tử, báo in, báo nói, báo hình, khu vực tưởng niệm các nhà báo đã ngã xuống vì Tổ quốc và nhân dân, Vì sự nghiệp báo chí Việt Nam...
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh phát biểu tại lễ khai trương. Ảnh: VGP
|
Tại lễ khai trương, thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh bày tỏ niềm vui và gửi lời chúc mừng tới Hội Nhà báo Việt Nam và những người làm báo qua các thế hệ. Nhân dịp này, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã chuyển lời thăm hỏi và lời chúc mừng của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tới Hội Nhà báo Việt nam và những người làm báo. Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cho rằng, mặc dù nền báo chí Việt Nam ra đời muộn hơn so với trên thế giới, nhưng ngay từ thuở khai sinh, báo chí cách mạng Việt Nam đã mang tính chất tiến bộ, là tiếng nói của nhân dân, của dân tộc, với khát vọng độc lập, quyết hy sinh tất cả để dành quyền độc lập và vươn tới dân chủ, văn minh.
Ôn lại lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cho biết, cách đây đúng 95 năm, từ ngày Báo Thanh niên ra số đầu tiên, từ đây hoạt động báo chí luôn gắn liền với cuộc vận động cách mạng của nhân dân. Chính Chủ tịch Hồ Chí Minh – nhà cách mạng kiệt xuất, lãnh tụ vĩ đại của dân tộc, Người đồng thời cũng là một nhà văn, nhà thơ, nhà báo nổi tiếng trong và ngoài nước. Chính Người đã thấy rõ tầm quan trọng của báo chí và đã dành nhiều tâm huyết và thời gian cho hoạt động báo chí. Với những tác phẩm báo chí của mình, Người đã đặt nền móng vững chắc cho báo chí cách mạng, làm cho báo chí thời nay luôn là dòng chủ lưu, đồng hành cùng dân tộc, đóng góp to lớn cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước; kết tinh, hội tụ được truyền thống văn hóa của Việt Nam và thế giới, làm nên bản chất tiến bộ, nhân văn.
Các nhà báo lão thành ôn lại những kỷ niệm khi tham quan Bảo tàng Báo chí Việt Nam. ẢNh: VGP/Đình Nam
|
Luôn ở tuyến đầu của cuộc sống, những người làm báo Việt Nam hôm nay đang tự tin viết tiếp những trang sử hào hùng của dân tộc, của các thế hệ làm báo lớp trước; tiếp tục đảm đương sứ mệnh người chiến sỹ tiên phong trên mặt trận tư tưởng, văn hóa, quả cảm đấu tranh cho công lý và lẽ phải. Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cho rằng, 95 năm qua báo chí cách mạng Việt Nam đã trưởng thành vượt bậc cả về số lượng và chất lượng, cả nội dung và hình thức, cũng như sự lớn mạnh chưa từng có của đội ngũ những người làm báo. Nhân dân, Đảng, Nhà nước luôn biết ơn, trân trọng những đóng góp to lớn của các nhà báo và nghề báo. Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đánh giá, sự ra đời của Bảo tàng Báo chí Việt Nam hôm nay là thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước và xã hội đối với báo chí, đáp ứng sự mong mỏi của đội ngũ nhà báo.
Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước nghe giới thiệu về các không gian trưng bày của Bảo tàng Báo chí Việt Nam. Ảnh: VGP/Đình Nam
|
Các không gian trưng bày của bảo tàng nhằm tái hiện lại lịch sử báo chí gắn liền với lịch sử lập quốc, kiến quốc của dân tộc, tôn vinh những đóng góp của các thế hệ làm báo, lưu giữ và phát huy giá trị di sản báo chí. Đây cũng là nơi giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống lịch sử văn hóa – những giá trị tốt đẹp của dân tộc, góp phần nâng cao kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp cho các sinh viên báo chí và các nhà báo trẻ, giúp công chúng hiểu hơn về sự nỗ lực của các thế hệ nhà báo.
|
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh tin tưởng và hy vọng rằng, với những giá trị lưu giữ nơi đây, bảo tàng sẽ là thực thể sống phong phú và sinh động, một trung tâm giáo dục truyền thống báo chí về tinh thần yêu nước cách mạng, chứ không đơn giản chỉ là những tủ kính trưng bày.
Trong thời gian tới, Bảo tàng Báo chí Việt Nam sẽ tiếp tục sưu tầm, chỉnh lý các nội dung trưng bày với nhiều hiện vật, tư liệu báo chí tiêu biểu, đại diện cho nền báo chí anh hùng, để chuyển tải các tư liệu hấp dẫn kêu gọi các thế hệ làm báo hôm nay và mai sau tiếp bước các thế hệ cha anh xây đắp truyền thống vẻ vang của báo chí nước nhà.
Đình Nam/ baochinhphu.vn
Nguồn quehuongonline.vn
http://quehuongonline.vn/thoi-su/khai-truong-trung-bay-bao-tang-bao-chi-viet-nam-20200619155334292.htm
|