(HNMCT) - Là người thực hiện nhiều dự án nghệ thuật cho thiếu nhi, Nghệ sĩ Ưu tú Xuân Bắc, Phó Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam cho rằng, thực hiện chương trình sân khấu thiếu nhi ở thời điểm này gặp không ít khó khăn, một phần bởi sân khấu gần đây chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, phần khác là tìm được kịch bản hay lúc này không phải việc dễ. Dẫu vậy, các sản phẩm nghệ thuật được hình thành cả trong điều kiện khó khăn hay không thì vẫn cần đặt tâm lý lứa tuổi và tính nhân văn lên hàng đầu.
Không làm mất tính nhân văn
- So với trước, năm nay các chương trình dành cho thiếu nhi ít hơn, liệu có phải vì các đơn vị nghệ thuật đang “bí” đề tài?
- Gần đây, hoạt động nghệ thuật gần như “đóng băng” vì dịch Covid-19. Nhiều kế hoạch của nhà hát và của nghệ sĩ đều không thể thực hiện như dự định. Đầu tháng 5, khi dịch được kiểm soát thì chúng tôi mới xây dựng chương trình trở lại. Nhiều đơn vị nghệ thuật, trong đó có Nhà hát Kịch Việt Nam đang nỗ lực để nhanh chóng đưa sân khấu trở lại bình thường. Tôi biết nhiều đơn vị nghệ thuật khác như Nhà hát Tuổi trẻ, Liên đoàn Xiếc Việt Nam đã xây dựng nhiều chương trình dành cho thiếu nhi nhân ngày 1-6. Dù còn khó khăn nhưng tôi nghĩ các nghệ sĩ đều rất nỗ lực để đưa đến cho khán giả mọi lứa tuổi những sản phẩm nghệ thuật tốt nhất sau thời gian nghỉ vì dịch Covid-19.
- Gần đây, khi dàn dựng chương trình cho thiếu nhi, nhiều nhà hát sử dụng những câu chuyện cổ tích, truyền thuyết..., và cũng có sản phẩm không còn giống nguyên tác. Anh nghĩ sao về việc này?
- Cổ tích và truyền thuyết đều là sản phẩm của trí tưởng tượng. Mỗi người có cách kể khác nhau, đưa vào đó chi tiết mang tính chủ quan để tăng tính hấp dẫn. Đó không phải là điều mới mẻ. Trên thế giới, nhiều hãng phim lớn rất thành công khi xây dựng kịch bản từ những câu chuyện cổ tích, thậm chí có nhiều tác phẩm có cách thể hiện câu chuyện khác hẳn so với nguyên tác mà vẫn được khán giả chấp nhận. Tuy nhiên, dù cách kể như thế nào thì tác phẩm vẫn phải bảo đảm không thay đổi ý nghĩa nhân văn của câu chuyện, đó là cái thiện bao giờ cũng chiến thắng cái ác, người tốt luôn đạt được ước mơ của mình còn kẻ xấu rồi sẽ nhận được bài học thích đáng.
- Nói như vậy, có vẻ như anh ủng hộ những sáng tạo mang tính phá cách?
- Nghệ thuật luôn cho phép sáng tạo và phá cách nhằm làm tăng tính hấp dẫn cho khán giả. Nhưng dù có “phá” thế nào thì cũng không bao giờ được làm sai lệch tinh thần vở diễn, không được để người xem, đặc biệt là thiếu nhi, nghi ngờ những điều tốt đẹp, những giá trị chân - thiện - mỹ.
- Mô típ anh hùng, siêu nhân đánh nhau với quái vật hay người đẹp sẽ tìm được hoàng tử... luôn có trong các sản phẩm dành cho thiếu nhi, có thể gây cảm giác nhàm chán và suy nghĩ rằng kịch bản không có gì mới... Quan điểm của anh về vấn đề này là gì?
- Như tôi đã nói, sản phẩm dành cho thiếu nhi dù có được sáng tạo đến mức nào thì cũng phải bảo đảm tính nhân văn, hướng trẻ nhỏ tới những điều tốt đẹp để giúp các em nhận biết rõ xấu - tốt. Các nhân vật như anh hùng, siêu nhân, hoàng tử, công chúa... đại diện cho cái đẹp, còn quái vật, phù thủy đại diện cho cái ác. Trong cách kể, dù là với câu chuyện cổ tích Việt Nam hay truyện cổ tích thế giới như của Grimm, Andersen đều có chung cách thể hiện này để truyền đạt thông điệp về điều thiện - ác, gieo vào tâm hồn các em những điều tốt đẹp. Chúng ta không thể coi cách thể hiện này là cũ vì tâm hồn trẻ em dù ở thời đại nào cũng vô tư, hồn nhiên, trong sáng và các em đều có ước mơ trở thành người có đức tính tốt đẹp.
Không nên áp đặt
- Theo anh, điều khó nhất khi làm chương trình cho thiếu nhi là gì?
- Làm sân khấu đã khó, làm sân khấu cho thiếu nhi càng khó hơn vì trẻ em ở nhiều độ tuổi khác nhau có cách cảm thụ, nhận biết và sở thích khác nhau. Làm sân khấu cho học sinh mẫu giáo, tiểu học khác với làm cho học sinh trung học cơ sở... Bởi thế, mỗi năm, chúng tôi đều phải nghĩ ra những ý tưởng và cách dàn dựng khác lạ để hấp dẫn trẻ.
- Với một người mỗi năm thực hiện rất nhiều dự án, vở diễn dành cho thiếu nhi, có lúc nào anh thấy “đuối” vì cạn kiệt ý tưởng?
- Làm chương trình cho thiếu nhi nhiều lúc như đánh cược. Có chương trình vừa ra mắt đã có rất đông khán giả, nhưng cũng có chương trình không được như ý muốn. Vì thế, nghệ sĩ phải vận động, sáng tạo và làm mới mình liên tục. Trong công việc này, không ai mạnh mồm nói rằng mọi sản phẩm của mình đều hay cả, vì hay hoặc dở là do khán giả đánh giá. Nhiều sản phẩm hay đối với người lớn nhưng chưa chắc đã được trẻ em thích, và ngược lại.
- Sai lầm lớn nhất khi thực hiện chương trình cho thiếu nhi là gì, theo anh?
- Rất nhiều người phạm sai lầm khi cho rằng làm các sản phẩm dành cho thiếu nhi cần phải lồng ghép ý tứ dạy dỗ các em theo lăng kính của người lớn. Thật ra, trẻ em bây giờ thông minh lắm, và có cái “tôi” rất riêng. Nhiều em mới học tiểu học nhưng đã nhận biết được nhiều điều khiến người lớn phải ngỡ ngàng, thậm chí chúng có thể tranh luận với người lớn về một vấn đề mang tính xã hội. Vì thế, tôi cho rằng, khi làm chương trình cho thiếu nhi, thay vì cố gắng áp đặt ý chủ quan của người lớn với trẻ nhỏ, chúng ta nên tăng tính tương tác với trẻ, tạo sân chơi để các em cùng tham gia sáng tạo với nghệ sĩ. Tất nhiên, việc này nói thì dễ nhưng rất khó thực hiện.
- Nhiều đơn vị nghệ thuật coi chương trình thiếu nhi là “mỏ vàng” giúp họ bù đắp doanh thu, nhưng khi thực hiện thì việc đầu tư cho “mỏ vàng” ấy chưa hẳn đã tương xứng. Anh nghĩ sao về điều này?
- Hiện nay, ngoài chương trình, vở diễn nặng tính tư tưởng dành cho người lớn, nhiều đơn vị nghệ thuật đầu tư cho sân khấu thiếu nhi. Đừng nghĩ rằng làm sân khấu cho thiếu nhi thì chỉ cần mấy bộ quần áo màu sắc, vài trò diễn là hấp dẫn được các em. Sân khấu thiếu nhi rất cần được đầu tư chỉn chu cả về phần nhìn và phần nghe. Tôi biết nhiều nhà hát có thiết kế trang phục riêng cho mỗi vở diễn, đầu tư hệ thống âm thanh, ánh sáng hiện đại, thiết kế mỹ thuật cầu kỳ. Đó là điều rất cần thiết.
- Không ít phụ huynh than thở rằng, trẻ em hiện bị cám dỗ bởi những trò chơi không lành mạnh, thích trò chơi điện tử, xem YouTube hơn là đọc sách, đến nhà hát. Quan điểm của anh về việc này?
- Để trẻ em có cuộc sống tinh thần phong phú thì vai trò của người lớn rất quan trọng. Không thể bảo con cái tìm đọc cuốn sách hay trong khi bố mẹ lại mải mê với Ipad và điện thoại. Với nghệ thuật sân khấu cũng vậy, nhiều người lớn sẵn sàng bỏ ra vài triệu đồng để mua một tấm vé xem ca nhạc nhưng lại tiếc 100 - 200 nghìn đồng mua vé cho con xem chương trình nghệ thuật hoặc ngại đưa con đi. Tôi cho rằng, khả năng dẫn dắt, làm gương của người lớn ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống tinh thần của trẻ. Vậy nên, muốn những điều tốt đẹp đến với trẻ thì các vị phụ huynh hãy gần gũi, vui chơi, lắng nghe con mình nhiều hơn.
- Chân thành cảm ơn anh!
Nguồn hanoimoi.com.vn
http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Van-hoa/969211/nghe-si-xuan-bac-san-pham-cho-thieu-nhi-phai-huong-tre-toi-nhung-dieu-tot-dep