Bộ Quốc phòng: Trung Quốc không từ bỏ tham vọng độc chiếm Biển Đông Bộ Quốc phòng: Trung Quốc không từ bỏ tham vọng độc chiếm Biển Đông , Người xứ Nghệ Kiev
Dân trí Trả lời cử tri, Bộ Quốc phòng nhận định Trung Quốc không từ bỏ tham vọng “độc chiếm Biển Đông” bất chấp dư luận và luật pháp quốc tế, ngày càng củng cố sự hiện diện, khả năng kiểm soát trên thực địa. >>Cử tri sốt ruột về tình hình Biển Đông, Bộ Ngoại giao nói gì?
Gửi kiến nghị đến Quốc hội từ kỳ họp trước, cử tri tỉnh Bến Tre bày tỏ sự lo lắng về tình hình bất ổn Biển Đông, Trung Quốc đưa tàu vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam.
Cử tri tỉnh Đắk Lắk cũng quan tâm đặc biệt về diễn biến tình hình trên Biển Đông thời gian gần đây, đề nghị Đảng, Nhà nước củng cố tiềm lực quốc phòng, tiếp tục có những biện pháp đấu tranh nhằm ngăn chặn hoạt động trái pháp luật tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam.
Văn bản trả lời các kiến nghị này được Ban Dân nguyện của Quốc hội tập hợp, gửi các đại biểu Quốc hội trước thềm kỳ họp thứ 9 (bắt đầu trong tuần này) để phục vụ việc giám sát giải quyết kiến nghị của cử tri.
Giữ vững 21 đảo, 33 điểm đóng quân, khu vực nhà giàn
Cụ thể, cung cấp thông tin khái quát, Bộ Quốc phòng nhận định, tình hình Biển Đông diễn biến theo hướng phức tạp, căng thẳng và mất ổn định hơn, đưa đến những thách thức mới đối với quốc phòng, an ninh.
Trung Quốc đẩy mạnh các hoạt động nhằm khẳng định chủ quyền theo yêu sách phi lý trên Biển Đông. Bên cạnh đó các hoạt động khẳng định chủ quyền của các nước trong khu vực, sự can dự của các nước lớn ngoài khu vực vào Biển Đông đã làm cho tình hình trở nên phức tạp thêm.
Theo Bộ Quốc phòng, chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông nói chung, đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nói riêng là nội dung rất phức tạp, không thể giải quyết một sớm, một chiều mà phải có giải pháp lâu dài.
Chủ trương được Bộ Quốc phòng nhấn mạnh là kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý, giữ vững 21 đảo (33 điểm đóng quân) ở quần đảo Trường Sa, khu vực DKI; kết hợp chặt chẽ đấu tranh chính trị, đấu tranh ngoại giao và pháp lý với chuẩn bị phương án quân sự, kiên quyết bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Đồng thời, giữ môi trường hòa bình, ổn định, giữ quan hệ hữu nghị hợp tác với các nước để phát triển đất nước; xử trí tình huống trên cơ sở Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển 1982, Luật Biển Việt Nam năm 2012 và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông.
Việt Nam giữ vững đường lối độc lập, tự chủ và tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế.
Bộ Quốc phòng cho biết vừa qua, Đảng, Nhà nước đã quan tâm, đầu tư nâng cao tiềm lực quốc phòng, tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu của các lực lượng trực tiếp bảo vệ chủ quyền biển, đảo: hải quân, phòng không - không quân, cảnh sát biển, kiểm ngư.
Đồng thời, mua sắm đồng bộ các trang thiết bị vũ khí hiện đại; chủ động nghiên cứu, phát triển công nghệ, nâng cao khả năng nắm tình hình và quản lý các vùng biển.
Bộ Quốc phòng đã tăng cường lực lượng tàu trực tại các vùng biển trọng điểm, thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm soát kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành động xâm phạm chủ quyền biển đảo của các nước, sẵn sàng các phương án xử trí không để bị bất ngờ.
Song song với đó, hàng năm, các lực lượng tổ chức diễn tập, luyện tập các phương án, hiệp đồng các lực lượng trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo để xử lý kịp thời các tình huống diễn ra trên biển; rà soát, điều chỉnh, bổ sung các phương án, kế hoạch bảo vệ chủ quyền biển, đảo phù hợp với tình hình mới.
Bộ Quốc phòng cũng đã phối hợp với các bộ, ngành Trung ương và địa phương trong việc trao đổi thông tin và xử lý các tình huống diễn ra trên biển; Đẩy mạnh công tác đối ngoại quốc phòng với các nước trên thế giới và khu vực, qua đó trao đổi, chia sẻ thông tin, phối hợp giải quyết những vấn đề trên biển các bên cùng quan tâm.
Đặc biệt, phối hợp với lực lượng chức năng (hải quân, cảnh sát biển) các nước trong khu vực, tổ chức tuần tra chung trên biển, duy trì an ninh, trật tự trên các vùng biển giáp ranh nhằm tăng cường hiểu biết lẫn nhau và cùng giải quyết những vấn đề xảy ra trên biển.
Sự can dự của các nước lớn làm Biển Đông thêm phức tạp
Trước lo lắng về các hành vi vi phạm của Trung Quốc, Bộ Quốc phòng nhận định Trung Quốc không từ bỏ tham vọng “độc chiếm Biển Đông” bất chấp dư luận và luật pháp quốc tế, ngày càng củng cố sự hiện diện, khả năng kiểm soát trên thực địa.
Cùng với sự điều chỉnh sách lược linh hoạt hơn, tăng cường sử dụng đòn bẩy ngoại giao và kinh tế, tác động, lôi kéo các nước ủng hộ quan điểm của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông, Trung Quốc còn chủ động thể hiện “tích cực” xây dựng Bộ Quy tắc COC với các nước ASEAN để xoa dịu tình hình, làm giảm can dự của các nước lớn vào vấn đề Biển Đông.
Bên cạnh đó, Trung Quốc quyết liệt hơn về chính sách cũng như hoạt động trên thực địa, đẩy mạnh hoạt động thăm dò, khảo sát dầu khí trên Biển Đông xâm phạm vùng biển các nước, trong đó có Việt Nam.
Theo thống kê của Bộ Quốc phòng, ngày 4/7 đến 24/10/2019, Trung Quốc đã 4 lần đưa tàu khảo sát Hải Dương địa chất 8 và các tàu bảo vệ xâm phạm vùng biển Việt Nam, khu vực phía Bắc DKI và 9 lô Trung Quốc mời thầu trái phép năm 2012.
Bộ Quốc phòng đánh giá hành động của tàu khảo sát Hải Dương địa chất 8 đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam.
Cùng với hoạt động của Trung Quốc, các hoạt động nhằm khẳng định chủ quyền của các nước trong khu vực và sự can dự của các nước lớn ngoài khu vực vào Biển Đông đã làm cho tình hình Biển Đông trở lên phức tạp thêm.
Ngoài các biện pháp của Bộ Quốc phòng trong nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo, Bộ Quốc phòng đề nghị các địa phương ven biển làm tốt công tác giáo dục pháp luật về chủ quyền biển, đảo, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Luật Biển Việt Nam và các văn bản liên quan để người dân nắm được và chấp hành nghiêm khi hoạt động trên biển.
Đồng thời, hợp tác chặt chẽ với các lực lượng quản lý biển trong xử lý hiệu quả các tình huống xảy ra, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.