Người dân Ninh Thuận quay quắt trong cơn hạn hán kéo dài Người dân Ninh Thuận quay quắt trong cơn hạn hán kéo dài , Người xứ Nghệ Kiev
(Dân trí) - Lượng mưa trong năm 2019 rất ít, 4 tháng đầu năm 2020 lại không mưa khiến Ninh Thuận rơi vào tình trạng khô hạn nặng nề. Gần 8.000 héc ta đất phải bỏ hoang, hàng chục ngàn gia súc bị thiếu nước…
Nhìn cánh đồng cỏ khô cong bám sát mặt ruộng kéo dài từ lộ lớn cho đến chân núi mà anh Thái Văn Thảo (ngụ thôn La Chữ, xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước) không nén nổi tiếng thở dài. Vậy là hành trình đi tìm cỏ và nguồn nước cho đàn dê của anh còn xa lắm.
Khác với nông dân trồng trọt, đất hạn thì họ bỏ đất hoang, không xuống giống vụ mùa mới. Còn với người chăn nuôi thì đàn dê, đàn cừu, đàn bò… là tất cả cơ nghiệp của họ, bán đổ bán tháo cũng không được giá, mà bán rồi thì lấy gì mà sinh sống. Thế là, họ phải tìm mọi cách để tìm cỏ về cho gia súc ăn, cố giữ đàn qua hết mùa nắng hạn.
Anh Thảo kể, mỗi ngày anh phải lùa đàn dê hơn 300 con của mình đi gần 40km mới có cỏ khô để ăn và nước uống. Cho nên đàn dê của anh hôm nay đi từ xã Phước Hữu (huyện Ninh Phước) về đến xã Phước Nam (huyện Thuận Nam) kiếm ăn.
Còn chị Ca Dá Thị Xức (ngụ xã Phước Hà, huyện Thuận Nam) thì đỡ hơn. Bởi vì chị cùng các bạn trong xã đi chăn bò, mà bò thì có thể ăn gốc rạ, không cần đi xa đến vài chục km mỗi ngày như anh Thảo.
Chị Xức cho biết: “Vì cỏ trên rừng không còn nữa, cháy khô hết rồi nên lùa đàn bò xuống mấy cánh đồng này để ăn gốc rạ đỡ và lùa tới chỗ có nước để cho bò uống”.
Gia đình chị Xức cũng như hầu hết gia đình người Ra Glay ở đây, chồng thì đi làm xa, hoặc ở nhà làm rẫy, còn vợ và con nhỏ thì đi chăn bò, chăn dê, cừu... Mỗi ngày họ đánh đàn gia súc đi vào rừng từ sáng sớm, mang đồ ăn và nước uống theo. Sáng đi, chiều tối về.
Những ngày này họ phải đi đến các cánh đồng xa hơn mới đủ cỏ. Phải đi nhiều hơn, nắng hơn, mệt hơn mọi năm nên thèm ăn hơn, mà cái ăn lại ít hơn. Bởi vậy, bánh mì hay cơm đem theo các chị để dành cho các con nhỏ, còn mỗi khi dừng chân nghỉ, các chị lại tụ tập cùng nhau ăn dặm cho đỡ đói bằng những trái xoài chấm mắm, loại cây còn gắng gượng sống ở vùng đất khô hạn này.
Còn với ông Ngô Văn Hùng, nắng hạn năm nay đã làm cả năm lao động của ông tan tành. Ông thuê mặt hồ thủy lợi để nuôi cá. Hồ đã vây lưới, cá giống đã thả mà nước ngày càng cạn, không thể tận dụng nguồn thức ăn trong hồ nên cá không lớn, nuôi nửa năm mà không thể bán vì con nào con nấy bé tí teo.
Ông Hùng ngồi buồn bã bên bờ hồ thủy lợi cạn trơ đáy rồi thở dài cho biết: “Bình thường mực nước cao hơn chỗ tôi đang ngồi đây. Bây giờ nước ít như thế này, cá nuôi bị chai rồi, không thể lớn nổi, tôi cho mọi người vào câu ăn chứ không thể bán vì cá nhỏ quá. Thiệt hại cũng vài chục triệu đồng”.
Theo báo cáo của ngành nông nghiệp tỉnh Ninh Thuận, lượng mưa trong năm 2019 rất ít, 4 tháng đầu năm thì không mưa khiến Ninh Thuận rơi vào tình trạng khô hạn nặng nề. Hàng trăm héc ta hoa màu bị thiệt hại, hơn 7.800 héc ta đất phải tạm ngừng sản xuất… Hiện toàn tỉnh có 7/7 huyện, thành phố bị thiệt hại do hạn hán. Trong đó, có những huyện bị ảnh hưởng rất khốc liệt như huyện Thuận Nam.
Trong thời gian qua, do không có nước tưới trên địa bàn huyện đã ngừng sản xuất với tổng diện tích hơn 2.800 hecta. Đến vụ hè thu này, hầu hết diện tích đất nông nghiệp cũng phải dừng sản xuất vì đến nay vẫn chưa mưa, thiếu nước trầm trọng.
Đó là chưa kể rất nhiều diện tích vườn trái cây (bưởi, ổi, xoài, mít…) hay các loại cây lâu năm (keo, tràm,...) của bà con bị chết khô vì thiếu nước. Vì vậy, nguy cơ rơi vào tình trạng thiếu đói trong mùa giáp hạt của bà con nghèo, đặc biệt là bà con các dân tộc thiểu số ở các vùng núi cằn cỗi trên địa bàn huyện là rất cao.
Theo thống kê của UBND huyện Thuận Nam, trên địa bàn huyện hiện có 4.680 hộ/18.924 khẩu rơi vào tình trạng này, cần được hỗ trợ cái ăn mùa giáp hạt do hạn hán.