Giận vợ ngoại tình, người đàn ông gần 50 tuổi ở đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) bỏ nhà đào hang sống một mình nơi ít người qua lại.
ảnh minh họa
giận vợ ngoại tình, người đàn ông gần 50 tuổi ở đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) bỏ nhà đào hang sống một mình nơi ít người qua lại.
Chuyện tình đầy nước mắt và cuộc sống như Robinson nơi đảo hoang của người đàn ông này được kể lại với đầy bi đát và cả những chuyện dở khóc dở cười.
Câu chuyện buồn của kẻ lụy tình
Ấy là một hang núi do lão đào, dưới chân núi Giếng Tiền thuộc khu dân cư số 11, thôn Đông, xã An Vĩnh, huyện Lý Sơn (Quảng Ngãi). Người dân ở đây gọi “dị nhân” này là lão, dù người đàn ông này chưa đầy 50 tuổi, có lẽ vì ngoại hình già nua và có phần khắc khổ. Người ta còn gọi lão với tên gọi khác là ông bếp ông núc, nguyên do là vì lão thường hay lui cui trong bếp với những đồ ăn, thức uống nhặt nhạnh được ở bất cứ nơi đâu.
Tìm “nhà” của lão không khó. Song, để gặp được lão thì không dễ chút nào. Do vậy mà năm lần bảy lượt chúng tôi đến “nhà” lão rồi lại tiu nghỉu ra về. May mắn được anh Trần Đức Hoài (trước đây là trưởng khu dân cư 11) hỏi người gần “nhà” lão đã nắm được “lịch” và “khoanh vùng” được nơi lão ẩn tránh. Đồng thời anh dặn chúng tôi là phải đi mua… nửa lít rượu và ít mồi nhắm “vì có rượu lão mới chịu kể chuyện”.
Tầm 19h, chúng tôi và anh Hoài qua tìm lão, may mắn thay, lần này có lão ở nhà. Qua mấy lời ban đầu, lão cho biết mình vừa đi làm thuê về. Ngọn đèn dầu le lói, nhưng nhờ ánh trăng sáng nên tôi cũng dễ dàng quan sát bên trong. Lão chia hang thành 2 phần bởi những tấm bạt rách nát; một là “phòng ngủ” phần còn lại là để mấy đồ linh tinh và một cái bàn mà lão bảo rằng để tiếp khách. Góc trái cái bàn, lão làm một áng thờ nhỏ vừa đủ để một lư hương và bình cắm mấy cành hoa bằng nhựa. Rồi lão cắp chiếc chiếu ra trước cửa hang trải ra mời khách ngồi.
Khi chúng tôi vừa ấm chỗ, lão cạn xong ly rượu và bắt đầu kể về cuộc đời mình. Ban đầu, dù đã nghe nhiều thông tin lạ về lão, nhưng tôi nghĩ rằng nó không đáng tin. Nhưng qua ly rượu đầu với lão, tôi mới biết mình đã sai, cộng với những lời kể chậm rãi, tôi đã hình dung được những mảng sáng tối trong cuộc đời lão.
Lão tên là Trần Chí Nghĩa (44 tuổi), lão nhớ mang máng mình lập gia đình năm 25 hay 26 tuổi gì đấy. Gần một năm sau, đứa con trai thứ nhất lọt lòng khiến cho mái ấm của đôi vợ chồng trẻ càng thêm nồng nàn. Lão là một ngư phủ, còn vợ lão trông con và lo cơm nước, thỉnh thoảng làm mấy việc đồng áng. Hàng xóm lúc ấy đều thầm chúc phúc cho vợ chồng lão, bởi, đó là một đôi vợ chồng đẹp đôi như cái cách người dân vẫn nói.
Rồi đứa con trai thứ hai ra đời, niềm vui tất nhiên được nhân lên gấp bội, lão thấy mình thật hạnh phúc và thêm yêu người vợ trẻ.
Nhưng lão đâu biết rằng, đấy cũng là lúc mái ấm nhỏ của lão bị lung lay. Trong những lúc lão vắng nhà để lênh đênh trên biển kiếm miếng ăn, manh áo cho vợ con, thì ở nhà, người vợ mà lão rất mực thương yêu đã bội bạc lão với một người đàn ông xóm bên, rất giàu có.
“Tôi không biết vợ phản bội tôi khi nào và càng không biết sao tôi lại bị đối xử như thế. Chỉ biết, khi tôi phát hiện ra thì đã quá muộn”, lão rơm rớm mắt kể. Nặng tình, thương con nhưng lão cũng chỉ biết nhìn vợ bỏ nhà ra đi theo người mới và mong ngày vợ sẽ nhận ra lỗi lầm để trở về.
Tuy nhiên, điều ấy đã không đến. Chỉ ít lâu sau, vợ lão đã chết vì bạo bệnh. Vì quá lụy tình nên tinh thần lão suy sụp và trở nên bấn loạn, lão bỏ nhà ra đi. Thời gian đầu lão lên nghĩa địa, nỗng (đỉnh) núi để ngủ. Chán, lão lên tàu vào đất liền, bắt xe đi vào Long Khánh (Đồng Nai) lang bạt. Rồi lại chán, lão vào TP.HCM với cuộc sống vất vưởng nay đây mai đó. Cuối cùng, lão trở về đảo Lý Sơn và “định cư” trong một “lô cốt” ở sát biển.
Cuộc sống như người tiền sử
Lão thường rời khỏi hang vào lúc sáng sớm và trở về lúc chiều tối hoặc khuya, hoặc… theo ngẫu hứng. Tuy nhiên, việc đi lại của lão bí ẩn. Anh Hoài cho biết: “Nhiều khi ông ấy đi mấy ngày mới về. Đó là những lúc ông ngủ ở trên núi, những người đi tuần tra đã nhiều lần giật mình trên nỗng vì ông. Gặp ông có khi còn khó hơn gặp… giám đốc”.
Muốn đến được hang của lão cũng hết sức khó khăn, đầu tiên là một cái hang nhỏ có để mấy bó củi, quan sát kỹ thì đây là hang do người đào. Cạnh đó là cái bếp được làm từ 3 hòn đá núi xếp chụm lại đã đen thui và đầy tro tàn. Từ “nhà bếp” đi thẳng khoảng 20m thì rẽ trái, tiếp tục đi thẳng khoảng 15m thì đến “nhà chính” của lão.
Con đường rộng khoảng 3m và còn ngổn ngang đất, tuy nhiên, đoạn đến “cửa nhà” thì được lão trải đất rất phẳng, thậm chí lão còn chất đá ngay ngắn để làm lan can và trồng mấy cây xanh nữa. Vách đá trên miệng hang được gọt đẽo rất phẳng, nếu tính từ mặt đất trước hang lên đến mép trên của vách đá trên miệng hang chắc tầm khoảng 7m. Trước miệng hang lão trồng mấy cây tre, rồi căng những tấm bạt rách rưới để che gió. Cửa hang cũng được lão làm tương tự như vậy. Song, phải công nhận là vị trí “nhà” của lão rất đẹp, trước mặt là cát trắng phẳng lì, biển xanh trong.
Ban đầu, “lô cốt” mà lão “định cư” nằm sát bãi rác của huyện đảo. Trong đầu lão, những thứ gì ăn được là lão ăn. Cho nên nhiều người bắt gặp lão lang thang, xới trong bãi rác để nhặt tìm thức ăn, dù nó đã ôi thiu hay còn sống. Lắm khi lão còn đi dọc bãi biển để nhặt cá chết hay xác gia súc gia cầm để về ăn. Cuộc sống của lão cứ thế trôi qua.
Mãi cho đến tháng 9-2009, cơn bão số 9 về đánh sập “lô cốt”, mất nơi cư ngụ lão bèn tìm đến nơi mà bây giờ là nhà của lão để khai phá và đào hang ở. “Mới đó mà tôi ở đây được mấy năm rồi đấy. Bây giờ tôi đã biết đi làm mướn để kiếm tiền mua gạo về nấu cơm ăn chứ nghĩ đến lúc trước là thấy ớn”, lão tâm sự. Nhưng lão cũng thành thật: “Đấy là lúc tỉnh, chứ say vào là đụng cái gì ăn được là bỏ vào miệng nhai liền”.
Lão bảo thỉnh thoảng cũng có về thăm nhà nhưng chỉ đứng nhìn một lúc rồi đi. Hai đứa con trai của lão thì đứa ở với nội, đứa ở với ngoại. Căn nhà của lão giờ trống hoác vì không ai trông coi. Câu chuyện của lão đến đây bỗng chùng xuống, cơ hồ như ngột ngạt lắm. Chúng tôi lén nhìn lão, phải thừa nhận lão đẹp trai, mái tóc thả bồng bềnh dưới trăng như một kẻ hành khất. Trên trán, những vết hằn đã ít nhiều hiện hữu, ấy là dấu buồn của một kiếp người quá lụy tình.
Lão bảo, hồi mình mới bị như thế này thì cha mẹ và cả người anh trai duy nhất đã tốn rất nhiều công sức để tìm và đón về nhưng lão không chịu vì khi về nhà lão thấy lòng mình đau đớn… Nhiều khi lão về, chỉ đứng ngắm hai đứa con trai rồi lại bỏ đi. Những năm gần đây, khi con lão lớn, lão ít về nhà hẳn.
Anh Trần Chí Thông, anh trai lão cho hay bố mẹ anh chỉ có hai người con trai nên nhìn người em của mình như thế anh rất đau lòng.
“Đưa nó về rồi nó cũng bỏ đi, hết cách nên chỉ biết tầm mười ngày nửa tháng mua gạo mang xuống cho nó thôi, rồi nghe nó ốm đau là mình phải chở đi viện, thuốc men”, anh Thông tâm sự.
Trao đổi với chúng tôi, bà Lê Thị Của, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã An Vĩnh cho hay: “Trường hợp của ông Nghĩa đã được chính quyền địa phương biết và quan tâm. Chúng tôi đã nhiều lần vận động ông ấy về nhưng ông không chịu, mỗi khi có hỗ trợ gì chúng tôi cũng ưu tiên cho ông ấy. Căn nhà của ông cũng là nhà tình thương nhưng không biết sao ông lại tháo biển xuống và… rao bán nhà”.