Tự ý thu giữ lì xì của con, bố mẹ có thể bị... xử lý hình sự Tự ý thu giữ lì xì của con, bố mẹ có thể bị... xử lý hình sự , Người xứ Nghệ Kiev
GiadinhNet - Những ngày giáp tết, trên một số diễn đàn chia sẻ thông tin về việc bố mẹ tự ý thu giữ tiền lì xì của con có thể bị xử lý hành chính hoặc hình sự. Theo luật sư Đặng Văn Cường, đây là quy định pháp luật không mới, phù hợp với sự phát triển của xã hội, thể hiện quyền trẻ em, quyền công dân theo Công ước về Quyền trẻ em và các quy định trong hệ thống pháp luật Việt Nam.
Những quy định về tài sản đối với trẻ em
Việc bố mẹ "giữ hộ" tiền mừng tuổi của con trong những ngày Tết đã không còn xa lạ trong các gia đình. Trong ký ức nhiều người, một trong những niềm vui lớn nhất của trẻ nhỏ chính là được nhận tiền lì xì từ người thân, họ hàng. Ngày nay tiền lì xì của trẻ có thể lên đến hàng chục triệu đồng nên ở nhiều gia đình, cha mẹ thường quản lý số tiền này của con. Tuy nhiên, trước thông tin cho rằng, bố mẹ tự ý giữ tiền lì xì của con có thể bị xử hành chính, thậm chí là hình sự khiến nhiều người băn khoăn.
Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư Hà Nội cho rằng, tại khoản 1 (Điều 75, Luật Hôn nhân và Gia đình 2014) quy định: "Con có quyền có tài sản riêng. Tài sản riêng của con bao gồm tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng, thu nhập do lao động của con, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của con và thu nhập hợp pháp khác. Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của con cũng là tài sản riêng của con".
Theo quy định nêu trên, tiền lì xì của trẻ nhỏ được tặng cho riêng nên được coi là tài sản riêng của trẻ. Tuy nhiên, việc quản lý tài sản này như thế nào lại phụ thuộc vào độ tuổi của con. Cụ thể:
Đối với người dưới 15 tuổi. Căn cứ khoản 2 và 3 (Điều 21, Bộ luật Dân sự 2015) quy định: "2. Giao dịch dân sự của người chưa đủ 6 tuổi do người đại diện theo pháp luật của người đó xác lập, thực hiện. 3. Người từ đủ 6 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý, trừ giao dịch dân sự phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi".
Bên cạnh đó, tại khoản 1 (Điều 77, Luật Hôn nhân & Gia đình 2014) quy định: "Trường hợp cha mẹ hoặc người giám hộ quản lý tài sản riêng của con dưới 15 tuổi thì có quyền định đoạt tài sản đó vì lợi ích của con. Nếu con từ đủ 09 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con".
Như vậy, đối với tài sản của con dưới 15 tuổi thì cha mẹ hoặc người giám hộ có quyền định đoạt tài sản riêng của con và phải vì lợi ích của con có tài sản riêng đó. Khi xác lập hoặc giao dịch dân sự thì cần sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật (bố, mẹ hoặc người giám hộ) trừ những giao dịch dân sự phục vụ nhu cầu sinh hoạt hằng ngày phù hợp với lứa tuổi. Trong trường hợp con cái đã đủ từ 9 tuổi đến dưới 15 tuổi còn phải xem xét thực hiện theo nguyện vọng, mong muốn của con.
Đối với người từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi. Theo quy định tại khoản 4 (Điều 21, Bộ luật Dân sự 2015): "Người từ đủ 15 đến chưa đủ 18 tuổi tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự, trừ giao dịch dân sự liên quan đến bất động sản, động sản phải đăng ký và giao dịch dân sự khác theo quy định của luật phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý".
Điều này có nghĩa, người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi có thể tự mình định đoạt tài sản riêng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ mà không cần phải có sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật hoặc người giám hộ. Chỉ giao dịch dân sự liên quan đến bất động sản, động sản phải đăng ký và giao dịch dân sự khác theo quy định của luật mới cần người đại diện theo pháp luật (cha, mẹ hoặc người giám hộ) của người từ đủ 15 tuối đến chưa đủ 18 tuổi đồng ý.
Là quy định văn minh
Cũng theo luật sư Cường, lì xì hay còn gọi là tiền mừng tuổi của các con trong những ngày tết là một tài sản hợp pháp do con cái được thừa hưởng từ những người thân trong gia đình. Như phân tích nêu trên, đối với tài sản mà con cái hình thành trong độ tuổi dưới 9 tuổi thì cha mẹ hoặc người giám hộ có quyền định đoạt đối với tài sản đó nhưng phải có mục đích như chăm sóc hoặc vì lợi ích của chính người con có tài sản đó. Trong trường hợp con từ đủ 9 tuổi đến dưới 15 tuổi ngoài tuân theo mục đích thì cần phải đáp ứng theo nguyện vọng và mong muốn của con.
Trường hợp, bố mẹ hoặc người giám hộ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng theo quy định thì có thể bị xử phạt từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng về hành vi "Chiếm đoạt tài sản riêng của thành viên gia đình" theo điểm a (khoản 2, Điều 56, Nghị định Số 167/2013/NĐ-CP) của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy".
Như vậy, toàn bộ tài sản của con dưới 6 tuổi sẽ do cha mẹ quyết định vì quyền lợi của con; tài sản của con từ 6 tuổi đến 15 tuổi thì con có thể giữ, việc sử dụng do con quyết định (bố mẹ có quyền giám sát về việc sử dụng tài sản này nhưng quyền quyết định thuộc về con, trừ với bất động sản); Con từ đủ 15 đến dưới 18 tuổi có quyền quyết định đến việc sử dụng tài sản mà không cần có sự đồng ý của cha mẹ, trừ bất động sản.
Trong trường hợp chiếm đoạt tiền, tài sản của người thân trong gia đình số tiền từ 2.000.000 đồng trở lên, nạn nhân là người từ 06 tuổi trở lên thì người chiếm đoạt có thể bị xử lý hình sự về các tội danh như: Cưỡng đoạt tài sản, trộm cắp tài sản…
Tự ý thu giữ tiền lì xì của con, bố mẹ có thể bị xử lý hành chính, thậm chí là hình sự (ảnh minh họa)
Các quy định này phù hợp với quyền trẻ em được quy định tại luật trẻ em 2016, các điều ước quốc tế mà Việt Nam gia nhập và các văn bản pháp luật khác có liên quan. Đây là quy định văn minh, tiến bộ thể hiện sự tôn trọng, bảo vệ quyền lợi của trẻ em. Những quy định này là nhân văn, thể hiện trách nhiệm của cha mẹ trong việc quản lý, giám sát và từng bước trao quyền tự quyết định về tài sản cho trẻ em.
Bố mẹ không có gì lo lắng cả, quy định này không ảnh hưởng gì đến đời sống xã hội mà chỉ thể hiện sự tôn trọng của cha mẹ, của người lớn đối với các con. Các quy định này hướng tới một xã hội văn minh, bình đẳng, con người được tự do, được làm chủ bản thân mình, được pháp luật bảo vệ các quyền. Trẻ em là người trong độ tuổi phát triển, đang từng bước phát triển về thể chất và tinh thần, qua đó cũng phải từng bước ghi nhận quyền của trẻ em về nhân thân, về tài sản để khi trở thành một công dân thực thụ.