Bất ngờ hình ảnh "chế" đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông thành con đường hoa cải Bất ngờ hình ảnh "chế" đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông thành con đường hoa cải , Người xứ Nghệ Kiev
Mới đây, trên một hội nhóm Facebook có hơn 700 nghìn thành viên, một số hình ảnh hài hước về tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông đã được chia sẻ. Những hình ảnh này đã nhận được hơn 4 nghìn lượt thích và hàng trăm bình luận từ cộng đồng mạng.
Trong số những hình ảnh được đăng tải thì con đường hoa trên cao thu hút được sự chú ý nhất từ cư dân mạng. Một số người cho rằng, trồng hoa làm phố đi bộ là chuẩn nhất, mà đỡ phải cải tạo nhiều. Đường ray đổ đất lên trồng hoa, hai bên đường ray để cho dân đi bộ vì có sẵn lan can rồi, nên gia cố thêm là được. Mấy ga chờ khách thì cho thuê cửa hàng tiện ích lấy kinh phí duy trì. Ngoài ra, làm thêm vài bộ ghế đá để dọc theo hai bên đường cho người đi bộ nghỉ là đẹp.
Tài khoản L.T.L thì lại nghĩ thêm ra cách khai thác gầm cầu, người này bình luận: “Nóc thì làm đường đi bộ ngắm cảnh, gầm thì giữ xe ngày đêm, quán bia hơi, bia cỏ vỉa hè, bãi vật liệu xây dựng, hay ki ốt bán tạp hoá.... tận thu lại “ngon”.”
Khá nhiều ý tưởng hài hước được đưa ra, nhiều phương án kinh doanh được vẽ ra nghe có vẻ rất hợp lý, khiến nhiều người còn tưởng đó là thật. Chị Q.T. còn bình luận khá nghiêm túc: “Riêng em thấy các ý tưởng trên rất khó thực hiện, giả sử trồng hoa trên đó thì đẹp đấy nhưng hàng ngày phải lo tưới tiêu, phân bón khá tốn chi phí, khi gặp bão thì có thể sẽ nát hết, rất lãng phí. Nếu làm phố đi bộ, mở quầy hàng thì vấn đề đầu tiên là vệ sinh, rồi đến thiếu chỗ gửi xe, bất tiện trong việc đi lại, sau đó là bất tiện đối với các tiểu thương trong việc bày bán, bố trí.”
Không thích là đường hoa, một số người còn nghĩ ra ý tưởng khá độc đáo là làm chợ đêm sinh viên cho có chỗ đi chơi mua sắm, an toàn lại không lo lấn chiếm lòng đường vỉa hè. Vì dọc tuyến này rất nhiều trường đại học.
Thông tin thêm về tuyến đường này, mới đây, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã trả lời chất vấn trước Quốc hội về các dự án đường sắt đô thị gây nhiều tranh cãi này. Cụ thể, theo Bộ trưởng, nguyên nhân chính khiến các dự án đường sắt đô thị chậm tiến độ, đội vốn là do đây là những dự án đường sắt đô thị triển khai tại Việt Nam. Việc thực hiện các dự án bằng vốn ODA là để thu hút công nghệ và nguồn vốn vay ưu đãi từ nước ngoài nhưng trong quá trình thực hiện chưa lường hết được các vấn đề.
Theo đó, các dự án này đều phải điều chỉnh, tăng vốn rất lớn như dự án đường sắt số 1, Bến Thành – Suối Tiên tăng từ 17.000 tỷ đồng lên 47.000 tỷ đồng, tăng tới 30.000 tỷ. Tuyến đường sắt số 2 của thành phố này cũng sẽ tăng như thế. Tương tự, tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông của Hà Nội cũng tăng vốn tới 40.000-50.000 tỷ đồng.
“Như thế thì vấn đề không hẳn là đội vốn mà do các cơ quan chưa tính hết các chi phí từ đầu vì vấn đề thay đổi quy mô dự án” – Bộ trưởng KH-ĐT phân trần.
Theo ông, chuyện phải xử lý lúc này là vấn đề điều chỉnh vốn ở các dự án kéo theo nhiều hệ lụy như tìm nguồn vốn bổ sung, xác định thẩm quyền giải quyết thuộc cơ quan nào…
Cuối năm 2017, đoàn tàu chạy trên tuyến đường Cát Linh - Hà Đông đã bị vẽ graffiti trên nhiều khoang với những mảng lớn. Lãnh đạo Ban Quản lý dự án Đường sắt khẳng định với PV Dân trí không có chủ trương thay đổi hình ảnh của tàu mà công trường đã bị người lạ xâm nhập và vẽ trộm lên tàu.
Tuy nhiên, sau một thời gian thì cơ quan công an vẫn chưa tìm được đối tượng đột nhập vào công trường vẽ trộm lên thân tàu.
Dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông nhận được rất nhiều kì vọng từ người dân, nhưng cho đến nay vẫn chưa biết chính xác thời gian hoàn thành và đi vào hoạt động. Vì thế, thời gian tới, tuyến đường này vẫn sẽ là chủ đề bàn tán rôm rả của cộng đồng mạng.