(NSHN) - Vừa qua, Ban Quản lý phố cổ Hà Nội thực hiện chỉnh trang đồng loạt nhiều tuyến phố. Nhiều ngôi nhà được sơn lại theo gam màu tiêu chuẩn, trở thành điểm đến hấp dẫn người dân và du khách.
Diện mạo mới
Gần đây, đi qua nhiều tuyến phố cổ như: Hàng Đào, Hàng Đường, Hàng Dầu, Đào Duy Từ, Mã Mây, Nhà Thờ, Nhà Chung, Hàng Trống…, nhiều người dân và du khách cảm nhận có sự thay đổi khác lạ. Những ngôi nhà cổ được chỉnh trang lại với màu sơn mới. Những khung cửa sổ bằng gỗ được gia cố chắc chắn hơn nhưng vẫn giữ được vẻ cổ kính như nó vốn có. Những tấm mái che, mái vẩy vốn là nguyên nhân gây mất mỹ quan khu phố cổ đã được hạ xuống…
Rõ ràng, hoạt động chỉnh trang phố cổ mang lại hiệu quả trông thấy, khiến khu phố cổ Hà Nội đẹp hơn rất nhiều trong mắt người dân và du khách.
|
Nhiều con phố trong khu phố cổ Hà Nội được "thay áo" mới. (Ảnh: Nhà số 70, 72 Cầu Gỗ, Hà Nội). Ảnh: Quang Thái |
Ông Đặng Đình Bằng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Quản lý phố cổ cho biết, kế hoạch chỉnh trang 79 tuyến phố cổ được UBND quận Hoàn Kiếm thực hiện từ năm 2016, sau khi đã thí điểm thành công khu phố Tạ Hiện và Lãn Ông.
Từ năm 2016, Ban Quản lý phố cổ đã triển khai chỉnh trang xong các tuyến phố Hàng Khay, Đinh Tiên Hoàng, Lê Thái Tổ… Đến nay, việc chỉnh trang 12 tuyến phố tiếp theo cũng đã được thực hiện xong. Theo lộ trình, việc chỉnh trang 79 tuyến phố sẽ hoàn tất vào năm 2020.
Tại phố Mã Mây, một tốp thợ đang nỗ lực sơn lại mặt tiền và thay khung cửa mới cho căn nhà số 76 của bà Cao Thị Mạnh Tân. Bà Tân cho biết, ngay sau khi có thông báo chỉnh trang khu phố của Ban Quản lý phố cổ, người dân phố Mã Mây đều rất đồng thuận, ủng hộ.
“Tôi về làm dâu ở tại ngôi nhà được 63 năm, kể từ ngày ấy, ngôi nhà không có nhiều thay đổi. Giờ ngôi nhà được quét vôi mới, sơn lại chấn song, làm lại mái hiên…để đồng bộ với những ngôi nhà khác, điều đó còn gì bằng”, bà Tân hồ hởi nói.
|
Bà Cao Thị Mạnh Tân rất vui vì căn nhà được chỉnh trang lại mặt tiền đẹp hơn. |
Theo đại diện của Ban Quản lý phố cổ, các ngôi nhà được chỉnh trang lại đều phải tuân thủ theo những quy chuẩn đã được phê duyệt. Ví dụ như màu sơn cũng được phân làm 3 gam màu: Vàng nhạt, vàng và vàng đậm tùy thuộc vào niên đại của ngôi nhà. Phần lớn công việc chỉnh trang là vệ sinh mặt tiền, sơn lại màu tường, màu cửa, tháo dỡ mái che, mái vẩy, tư vấn để người dân lắp biển hiệu sao cho phù hợp.
Những ngôi nhà có giá trị kiến trúc sẽ được phục chế những phần kiến trúc đã hỏng hóc vì thời gian. Đối với những gia đình có nhu cầu làm mái che chống nắng, mưa, Ban Quản lý phố cổ hướng dẫn cách làm theo một mẫu với màu sắc, độ dài từ mặt tiền ra vỉa hè thống nhất để tránh tình trạng lộn xộn.
Cần thêm những hành động cụ thể
Khu phố cổ Hà Nội có diện tích 105 ha, thuộc 10 phường của quận Hoàn Kiếm, gồm có 79 tuyến, được chia làm khu vực bảo tồn cấp 1 và khu vực bảo tồn cấp 2.
Với kinh nghiệm thu được trong quá trình làm thí điểm chỉnh trang, cải tạo một đoạn phố Tạ Hiện cùng với các chuyên gia thành phố Toulouse (Pháp), Ban Quản lý phố cổ Hà Nội đã phân loại những ngôi nhà có giá trị thành các loại: Kiến trúc Việt Nam truyền thống, kiến trúc phong cách Trung Hoa, kiến trúc ảnh hưởng của châu Âu.
|
Phần lớn công việc chỉnh trang là vệ sinh mặt tiền, sơn lại màu tường, màu cửa, tháo dỡ mái che, mái vẩy, tư vấn để người dân lắp biển hiệu sao cho phù hợp (Ảnh: Nhà số 14, 16 phố Nhà Thờ) |
Hiện nay, việc chỉnh trang phố cổ dù đã vào giai đoạn nước rút nhưng cũng mới hoàn thiện được hơn một nửa so với kế hoạch. Ông Đặng Đình Bằng bày tỏ, cái khó nhất của hoạt động chỉnh trang hiện nay là việc khôi phục lại những ngôi nhà cổ thuộc diện phải bảo tồn. Sự khó khăn không chỉ đến từ cơ quan quản lý trong việc phải tìm những vật liệu tương thích (phần lớn những ngôi nhà này có kết cấu bằng gỗ) mà còn phải nhận được sự đồng thuận từ chủ nhà.
Theo ông Đặng Đình Bằng, một khó khăn khác là nhiều ngôi nhà theo thời gian, qua nhiều đời chủ đã được xây mới với kiến trúc hiện đại, việc đưa những ngôi nhà này trở lại nguyên trạng gần như là… nhiệm vụ bất khả thi. Ngoài ra, yếu tố thời tiết cũng là nguyên nhân khiến cho việc chỉnh trang gặp bất lợi.
“Có nhiều gia đình do chủ cho thuê mặt bằng kinh doanh nên chúng tôi phải gặp gỡ nhiều lần mới thống nhất được phương án chỉnh trang. Nhiều hộ gia đình bận kinh doanh, để thuyết phục họ đồng ý cho can thiệp vào mặt tiền ngôi nhà là điều không dễ”, ông Bằng bày tỏ.
Hiện nay, mặc dù diện mạo phố cổ được cải thiện, đẹp và gọn gàng hơn nhưng vẫn còn nhiều băn khoăn đặt ra cho cơ quan quản lý. Làm thế nào để đồng bộ được khu phố theo dáng dấp xưa khi mà có nhiều ngôi nhà cao tầng, thay đổi kiến trúc, vật liệu đã hoàn thiện và tồn tại nhiều năm nay? Làm thế nào để người dân cùng chung tay, phát huy giá trị phố cổ?
Có lẽ, để phố cổ đẹp hơn, thì không chỉ việc chỉnh trang, mà cơ quan quản lý cần thực hiện tốt Quy chế Quản lý quy hoạch - kiến trúc phố cổ Hà Nội do UBND thành phố Hà Nội ban hành năm 2013, tiến tới di dời bớt dân cư; đồng thời, tăng cường công tác vận động để nhân dân ý thức hơn về giá trị kiến trúc, cảnh quan phố cổ đối với sự phát triển chung của thành phố.