Việt Nam đang thiếu vốn đầu tư vào các lĩnh vực kinh tế trọng điểm như điện lực, giao thông, kỹ thuật công nghệ cao,… trong khi chính quyền vẫn cấp hàng nghìn héc ta đất, tạo điều kiện để tư nhân đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng xây chùa và các cơ sở du lịch tâm linh.
Có thể kể tên một số cơ sở như Đại Nam lạc cảnh văn hiến - Bình Dương, Bái Đính - Ninh Bình, Tam Chúc - Hà Nam,…
Năm 2004, Khu Du lịch Tràng An - chùa Bái Đính (Ninh Bình) được khởi công xây dựng, một thông tin trên mạng xã hội cho hay tổng số vốn đầu tư xây dựng lên tới 1.836 tỉ đồng.
Năm 2006, tỉnh Hà Nam đã phê duyệt quy hoạch Khu du lịch Tam Chúc - Ba Sao, với chức năng văn hóa tâm linh - nghỉ dưỡng sinh thái - vui chơi giải trí với tổng vốn đầu tư gần 11.000 tỷ đồng nhưng phải 10 năm sau, đến tháng 2/2016 dự án này mới động thổ.
Chùa to, Tháp lớn là hưng thịnh, lợi ích của doanh nghiệp?
|
Bài báo “Chủ đầu tư ngôi chùa lớn nhất thế giới tại Hà Nam thu lời thế nào?” viết:
“Năm 2018, Sở Du lịch Ninh Bình cho biết Tràng An đón khoảng 7 triệu lượt du khách trong và ngoài nước.
Với giá vé khoảng 200.000 đồng/lượt cho người lớn và 100.000 đồng/trẻ em (đã bao gồm chi phí đi thuyền), tính sơ qua, doanh thu từ bán vé có thể đạt trên 1.000 tỷ đồng/năm…
Khu du lịch Tam Chúc - Ba Sao dự kiến đạt doanh thu khoảng 1.700 tỷ đồng/năm vào 2030”. [1]
Không thể không nêu câu hỏi “Nguồn vốn để xây dựng các khu văn hóa tâm linh này được lấy từ kết quả kinh doanh các ngành nghề khác hay cũng còn khả năng như dân gian hay nói: “Lấy mỡ nó rán nó”?
Phải chăng điều này chỉ phản ánh một thực tế, rằng nếu lợi nhuận lên đến 300% thì có bị treo cổ nhà đầu tư vẫn làm?
Bên cạnh đó cũng xuất hiện một câu hỏi, phải chăng chỉ các đại gia mới nhảy vào kinh doanh tâm linh còn phía nhà chùa thì không?
Câu chuyện xảy ra gần đây tại chùa Phúc Khánh – Hà Nội hay chùa Ba Vàng – Uông Bí (Quảng Ninh) liệu có phải câu trả lời cho câu hỏi này?
Tại chùa Phúc Khánh, người dân thiếu 50.000 đồng không được dâng sao giải hạn; Tại chùa Ba Vàng, muốn khỏi bệnh chỉ cần gọi vong sau đó công quả (lao động công ích) và nộp tiền theo yêu cầu của vong.
Đại gia Xuân Trường xây chùa, núp bóng tâm linh sẽ hưởng lợi vô thời hạn?
|
Thông tin trên Laodong.vn cho hay tại chùa Ba Vàng, tất cả các vong đều yêu cầu người gọi vong phải nộp tiền, không thấy trường hợp nào vong chỉ khuyên giải.
Bản thân 4 phóng viên Báo Lao Động, trong quá trình nhập vai cũng bị vong "vòi" tổng cộng 26,5 triệu đồng.
Chùa Ba Vàng có hẳn một website quảng bá cho hoạt động của mình.
Trang web Chuabavang.com.vn trong bài “Nhìn lại cháu … cách đây hơn 2 năm” kể câu chuyện một cháu bé bị khối u che kín khuôn mặt đến chùa xin trợ giúp như sau:
“Do kiếp trước của … là 1 đồ tể đã từng giết khá nhiều trâu, bò, chó, dê... nên kiếp này phải gánh chịu quả báo nặng nề như là súc sinh, và linh hồn lại đầu thai vào 1 gia đình kém phước.
Đó là sự công nghiệp do gieo nhân bất thiện ở đời trước, ngôi nhà chú đang ở lại xây dựng trên 1 ngôi mộ cũng tạo nên sự oán thù của vong linh.
Biết rõ nguyên nhân cả gia đình và chú … cùng dập đầu trước Tam bảo như ăn năn sám hối tội lỗi đã gây tạo”. [2]
Cũng tại trang web này trong bài “Ca mổ cháu … đã thành công” viết:
“Thầy trụ trì rảy nước Cam Lộ và Thầy còn chỉ bảo cho cháu niệm Nam Mô A Di Đà Phật, Nam Mô Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát…
… (tên cháu) đã được phẫu thuật tách khối u trong 9 giờ liên tục do bác sĩ chuyên gia u bướu "khủng” thế giới McKay McKinnon – người được mệnh danh là " bàn tay vàng” . Ca mổ đã thành công mỹ mãn”.
Ảnh chụp màn hình bài “Nhìn lại cháu … cách đây hơn 2 năm” |
Bài viết “Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi” đăng trên Cổng Thông tin Phật giáo Việt Nam có đoạn:
“Ðức Phật dùng một ví dụ nữa, ý nghĩa hơn, là một người đi tìm sữa, đến một con bò cái, lại nắm lấy cái sừng con bò cái mà vắt sữa, thời dẫu có ước nguyện hay không ước nguyện, nó cũng không lấy được sữa”. [3]
Vậy nếu không có bàn tay vàng của nhà phẫu thuật ung bướu nổi tiếng thế giới McKay McKinnon, chỉ nhờ nước cam lồ và việc cúng bái của nhà chùa liệu khối u trên mặt cháu bé có tự tiêu để cháu trở về tuổi thơ cắp sách đến trường?
Và phải chăng việc cúng bái cũng chỉ như “nắm lấy cái sừng con bò cái mà vắt sữa”?
Một cháu bé chừng chục tuổi chẳng may bị bệnh hiểm nghèo bị nhà chùa gắn cho nghiệp danh “đồ tể” lại còn bị cho là “súc sinh”, còn gia đình cháu bé bị cho là “gia đình kém phước” chưa phải là tất cả những gì liên quan đến một số người ở ngôi chùa này.
Theo tường thuật của Laodong.com.vn, ngay tại khuôn viên chùa một người phụ nữ mang danh nhà chùa giải thích chuyện cô gái đi giao hàng bị giết hại ở Điện Biên vì “Bạn ấy trong tiền kiếp có 2 loại tội, tội thứ nhất là sát hại chúng sinh dã man, tội thứ 2 là về mặt thân thể trinh tiết của người khác bạn ấy xâm phạm. Nên bạn ấy bị quả báo”.
Ma trận dịch vụ khi đến chùa Bái Đính, không có tiền đừng mong lễ Phật
|
Không những thế, trong một clip lan truyền trên mạng, người này còn nói:
“Anh hùng liệt sĩ đi đánh giặc họ chỉ là chịu cái quả báo nhẹ,… Do các anh hùng liệt sĩ trong tiền kiếp cũng mắc vào cái nghiệp sát sinh”. [4]
Đến đây thì sự việc đã vượt quá mức độ duy tâm đơn thuần mà là sự lăng mạ vong linh các anh hùng, liệt sĩ.
Từ trẻ em bị dị tật đến người bị sát hại và các anh hùng liệt sĩ đều bị một vài người hoặc bộ phận truyền thông của chùa Ba Vàng thu thập đưa vào “danh mục” nhằm mê hoặc người nghe, vậy mục đích cuối cùng của họ là gì?
Đây có phải những điều nhà chùa nên làm hoặc được phép làm?
Thiết nghĩ không phải chỉ Giáo hội Phật giáo mà chính quyền, đặc biệt là Công an cần vào cuộc xem xét hành vi bôi nhọ các anh hùng liệt sĩ, những người đã cống hiến cả cuộc đời cho đất nước, dân tộc.
Việc các giáo hội (Phật giáo, Thiên chúa giáo,…) kết hợp với chính quyền lập lại kỷ cương trong các cơ sở tôn giáo không phải là vi phạm tự do tín ngưỡng mà là tránh cho người dân tiền mất tật mang, tránh cho các tôn giáo bị một nhóm người giả danh tu hành bôi nhọ thanh danh, đi ngược lại những giáo lý nhân văn, hướng thiện mà các vị tổ sư sáng lập dày công vun đắp.
Như lời Đức Phật dạy A Nan (Ananda):
“Vậy nên này Ananda, hãy tự mình là ngọn đèn cho chính mình (atta-dipà viharatha), hãy tự mình y tựa chính mình (attàsaranà) chớ y tựa một cái gì khác. Dùng chánh pháp làm ngọn đèn, dùng chánh pháp làm chỗ nương tựa, chớ nương tựa một cái gì khác”. [3]
Nhân quả và báo ứng |
Con người, đặc biệt là các phật tử phải dùng chánh pháp làm ngọn đèn, dùng chánh pháp làm chỗ nương tựa, chớ nương tựa một cái gì khác.
Người xuất gia không chú trọng đến tiền tài, danh vọng, lòng phải thanh tịnh, tâm luôn đặt chữ “phúc” lên đầu. Nếu tiền bạc trở thành chỗ “nương tựa” thì chánh pháp sẽ bị vứt bỏ, con người không thể chân tu mà rơi vào vòng tăm tối, u mê.
Chữ “Nghiệp” theo Phật pháp là hành động: “Hành động về thân, về lời và về ý, hành động ấy phải là hành động có tư tâm sở, tức là một hành động tự ý mình làm, tự mình quyết định làm, không ai xúi giục, không do ai sai bảo”. [3]
Dấn thân vào cửa Phật mà còn bị tiền tài vương vấn thì nghiệp không thành, danh không chứng. Có một vài người dẫu đã quy y song lại không biết nghe lời răn của Phật, rằng “Ta không thể cứu bất kỳ chúng sinh nào, ta chỉ cho ngọn lửa, chúng sinh tự thắp đuốc mà đi”.
Vậy nên người tu hành có nên để “chúng sinh tự thắp đuốc mà đi” hay để tiền chỉ lối?
Tài liệu tham khảo:
[1] https://news.zing.vn/chu-dau-tu-ngoi-chua-lon-nhat-the-gioi-tai-ha-nam-thu-loi-the-nao-post915263.html
[2] http://chuabavang.com.vn/tin-tuc/nhin-lai-chau-tuan-cach-day-hon-2-nam.html
[3] https://phatgiao.org.vn/hay-tu-minh-thap-duoc-len-ma-di-d13331.html
[4] https://www.facebook.com/huyennguyen103/videos/1512702638862079/