Xuân Dương
Ngày 7/9/1970, buổi phát sóng đầu tiên của Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) chỉ kéo dài 45 phút trong đó có 15 phút thời sự và 30 phút ca nhạc.
Chỉ còn 2 năm nữa là tròn nửa thế kỷ VTV đồng hành cùng hơn 90 triệu người Việt.
Hướng đến kỷ niệm 50 năm thành lập (2020) VTV đang quyết tâm xây dựng hình ảnh một “VTV năng động, hội nhập trình độ với khu vực, thế giới và có vị thế vững chắc trên trường quốc tế. Vì thế, ngay từ bây giờ, VTV đã có những chiến lược rõ ràng…”.
Trên đây là trích dẫn phần giới thiệu của VTV tại địa chỉ [1].
Vậy VTV “năng động, hội nhập trình độ với khu vực và thế giới” thế nào?
Xin bỏ qua những hạt sạn từng vấy bẩn VTV như clip “nhặt xương cho thày” dịp 20/11/2014 hay hành vi phản cảm “dùng khăn piêu của đồng bào Thái làm khố cho đồng bào Tây Nguyên” trong chương trình “Nhân tố bí ẩn” (trên VTV3).
Xin nói đến sự kiện hiện hữu khiến hàng chục triệu người Việt bức xúc, đó là việc VTV không mua bản quyền truyền hình sự kiện Đại hội thể thao Châu Á 2018.
VTV chính thức khẳng định không mua được bản quyền ASIAD 2018. Ảnh: Nld.com.vn |
Đây là đại hội thể thao châu Á lần thứ 18 (Asian Games 2018) diễn ra tại Indonesia từ ngày 18/8 đến ngày 2/9/2018, đoàn thể thao Việt Nam sẽ tham gia thi đấu cùng với 45 nước và vùng lãnh thổ.
Được biết gói bản quyền truyền hình này có mức giá (do phía đối tác Kjsmworld Corp - Hàn Quốc, đơn vị mua lại từ Ban tổ chức ASIAD 18) đưa ra lên đến 3 - 4 triệu USD nghĩa là khoảng từ 70-90 tỷ đồng. [2]
Số tiền này với một đài truyền hình tư nhân có thể là rất lớn, song với VTV nó có lớn đến mức không đủ tiền để mua?
Theo quy định tại Nghị định 18/2008/NĐ-CP thì “Đài Truyền hình Việt Nam là đài truyền hình quốc gia, là cơ quan thuộc Chính phủ, thực hiện chức năng thông tin, tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và cung ứng các dịch vụ công; góp phần giáo dục, nâng cao dân trí, phục vụ đời sống tinh thần của nhân dân bằng các chương trình truyền hình”.
Một trong những nhiệm vụ của VTV là “Phục vụ đời sống tinh thần của nhân dân bằng các chương trình truyền hình”.
Không mua bản quyền truyền hình ASIAD18, phải chăng VTV đã phớt lờ nghị định của Chính phủ trong việc “Phục vụ đời sống tinh thần của nhân dân”?
Phát sóng Asia’s Got Talent không phép, VTV bị phạt 50 triệu đồng
|
Cũng có thể, có ai đó cho rằng Truyền hình quốc gia được hưởng cơ chế đặc thù trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, do đó đồng hành, cổ vũ các vận động viên đội tuyển quốc gia thi đấu quốc tế, vì màu cờ sắc áo dân tộc phải đặt dưới mục đích kinh doanh có lãi, không có lãi thì không làm dù áp lực như thế nào?
Nếu quả như thế thì các cơ quan liên quan như Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Ban Tuyên giáo Trung ương có nên đưa ý kiến chấn chỉnh?
Chỉ một doanh nghiệp trực thuộc VTV là Tổng công ty Truyền hình cáp Việt Nam năm 2017 đã chi cho quảng cáo hết 129,8 tỷ đồng, chi cho nhân viên hết khoảng 273 tỷ đồng (năm 2016 là gần 320 tỷ). [3]
Ông Nguyễn Hà Nam, người phát ngôn của VTV cho rằng:
“Nếu giả sử việc mua bản quyền ASIAD 18 có diễn ra thì chắc chắn các giải đấu cũng được phát sóng trên các kênh truyền hình miễn phí. Bởi vì công chúng Việt Nam đã quen với điều đó”. [4]
Ngôn ngữ mà người phát ngôn của VTV sử dụng không khác gì sự miệt thị “công chúng Việt Nam” bởi xin thưa với ông “phát ngôn” rằng nhiều triệu người Việt Nam đang sử dụng Truyền hình cáp là truyền hình trả tiền chứ không phải “miễn phí”.
Nếu không thu được tiền từ người xem truyền hình VTVCab lấy đâu tiền để “chi phí nhân viên” năm 2017 đến 273.475.600.927 đồng (xin xem ảnh chụp màn hình phía dưới).
Báo cáo tài chính của Tổng công ty Truyền hình cáp Việt Nam. (nguồn [3]) |
Khoản 12 điều 2 Nghị định 18/2008/NĐ-CP về “nhiệm vụ, quyền hạn” của VTV ghi: “Quyết định dùng vốn nhà nước do Đài Truyền hình Việt Nam quản lý để đầu tư, thành lập doanh nghiệp sau khi được Thủ tướng Chính phủ cho phép” cho thấy không phải VTV “tay không bắt giặc” mà vẫn phải dùng “vốn nhà nước” tức là tiền thuế của dân.
Như thế có nghĩa là người dân không hề “xem nhờ” VTV, thuế mà người dân đóng góp chính là nguồn kinh phí nhà nước đầu tư cơ sở vật chất cho VTV gần 50 năm nay.
Không những thế, muốn xem truyền hình cáp, mỗi năm người dân còn phải trả cho VTVCab (đơn vị thành viên của VTV) số tiền là 1.920.000 đồng (tại Hà Nội là 110 nghìn đồng/tháng cho gói SD, 160 nghìn đồng/tháng cho gói HD).
Lý do ẩn chứa phía sau mà nhiều chuyên gia đã chỉ thẳng là VTV sợ bỏ tiền mua bản quyền nhưng không thu hồi được vốn.
Trang Thuonggiathitruong.vn trong bài viết “Nhiều game show “sạn” và “nhảm” trên truyền hình nhưng bản quyền ASIAD 18 thì không” có đoạn:
“Trong khi VTV bội thực các game show, các chương trình giải trí hàng tuần, hàng ngày với không ít “sạn” và “nhảm” nhưng kiếm bộn doanh thu quảng cáo, tài trợ.
Tuy nhiên khi “ngửi thấy” mùi có khả năng lỗ thì dứt áo ra đi mà không vì "màu cờ sắc áo”, không vì người hâm mộ, không vì khán giả”. [5]
Ảnh chụp màn hình báo Thuonggiathitruong.vn ngày 20/8/2018 |
Như báo cáo tài chính nêu rõ, lợi nhuận sau thuế của Tổng công ty Truyền hình cáp Việt Nam năm 2017 khoảng hơn 60 tỷ đồng, sau khi khấu trừ khen thưởng,… còn lại phải chuyển về công ty mẹ là VTV.
Không vì mục đích chính trị, chỉ vì chuyện kinh doanh mà không mua bản quyền phục vụ nhân dân đó là cái lý của ai nếu không gọi nó là cửa quyền, bất chấp tất cả chỉ vì tiền?
VTV là tài sản quốc gia, không phải của cán bộ, nhân viên nhà đài, càng không phải là của riêng của một nhóm lãnh đạo để họ muốn làm gì thì làm.
Hàng chục triệu người hâm mộ với mong muốn ủng hộ các đội tuyển quốc gia thi đấu tại ASIAD 18 phải xem “lậu” các buổi thi đấu của vận động viên nước nhà qua các kênh không chính thống.
Tạm không cho VTV liên kết với hai công ty Bình Hạnh Đan và Cát Tiên Sa
|
Có tới hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ mua bản quyền phát sóng ASIAD 18 chỉ Việt Nam là không.
Thế mà chúng ta cứ tự hào quảng cáo, rằng Việt Nam đã trở thành quốc gia có thu nhập trung bình, tức không còn là quốc gia nghèo.
Một đất nước có trên 90 triệu dân, chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2018, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu lên đến 200 tỷ USD thế mà không thể bỏ ra mấy triệu USD mua bản quyền truyền hình đại hội thể thao châu lục, nỗi đau này liệu có thể nguôi ngoai?
Đến bao giờ thì chuyện “những ông vua con”, chuyện “trên bảo dưới không nghe” mới chấm dứt để đất nước khỏi phải xấu hổ với bạn bè quốc tế?
Nếu biết rằng khoản 3 điều 1 Nghị định 18/2008/NĐ-CP quy định “Đài Truyền hình Việt Nam chịu sự quản lý nhà nước của Bộ Thông tin và Truyền thông về hoạt động báo chí và tần số phát sóng” thì mới thấy nỗi đau “xem lậu” này tăng lên bội phần bởi chỉ một vụ mua bán, một nhóm cựu lãnh đạo đã khiến ngân sách suýt mất trắng ngàn tỷ đống.
Sài tiền của dân sao dễ thế, bỏ tiền phục vụ dân sao khó thế?
Dân mất niềm tin vào VTV chỉ là chuyện nhỏ, mất niềm tin vào những gì mà VTV mang đến mới là chuyện lớn.
Dân sẽ sẵn sàng tha thứ nhưng nếu VTV cứ tiếp tục “truyền thống” như hiện nay thì đòi hỏi dân tin vào những gì VTV thực hiện có phải là đòi hỏi không hợp cả tình lẫn lý?
Tài liệu tham khảo:
[1]https://vtv.vn/hoat-dong-vtv/gioi-thieu.htm
[2]https://thethao.thanhnien.vn/asiad-18/ban-quyen-truyen-hinh-asiad-2018-chi-con-thieu-viet-nam-91208.html
[3]https://vtv1.mediacdn.vn/2018/btct-tong-hop-vtvcab2017-hoang-giang-gui-13-6-2018-1529028183252.pdf
[4]https://laodong.vn/the-thao/vi-sao-vtv-khong-mua-duoc-ban-quyen-asiad-18-624471.ldo
[5]https://thuonggiathitruong.vn/nhieu-game-show-san-va-nham-tren-truyen-hinh-nhung-ban-quyen-asiad-18-thi-khong/