Hai gia đình có mẹ và con gái cùng được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân Hai gia đình có mẹ và con gái cùng được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân , Người xứ Nghệ Kiev
Yến Thanh Thứ tư, ngày 31/07/2024
NSND Bạch Tuyết và NSND Trần Bạch Thu Hà đều có những người mẹ nổi danh, có nhiều đóng góp cho nền nghệ thuật nước nhà.
NSND Thái Thị Liên và NSND Trần Bạch Thu Hà
Cố Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Thái Thị Liên (1918 - 2023) sinh ra tại Chợ Lớn (TP HCM) trong một gia đình Công giáo giàu có. Bởi tư duy tiên tiến của cha mẹ, các anh chị em trong gia đình đều được học đàn trước khi học chữ.
Nghệ sĩ Thái Thị Liên bắt đầu chặng đường làm thầy khi dịch lời những bài hát kháng chiến sang tiếng Pháp để tuyên truyền, hát cho lớp trẻ nghe ở lớp học chữ do bà mở trong làng, dạy ký xướng âm cho các đoàn văn nghệ.
Năm 1955, bà cùng với những nghệ sĩ Tạ Phước, Lê Yên, Tô Vũ, Vũ Tuấn Đức, Doãn Mẫn, Lều Thọ Hợp... sáng lập Trường Âm nhạc Việt Nam (hiện tại là Học viện Âm nhạc Quốc gia). Người phụ nữ nhỏ bé nhưng quật cường đã đào tạo nên nhiều thế hệ nghệ sĩ, nhạc sĩ nổi tiếng của nền âm nhạc Việt Nam. Bà luôn được họ nhắc tới như một tấm gương về sự bền bỉ, quyết đoán, về tình yêu và sự nhiệt huyết với học trò.
Con gái đầu lòng của NSND, Nhà giáo Nhân dân Thái Thị Liên là GS. NSND Trần Bạch Thu Hà. Bà sinh năm 1949, là chị cùng mẹ khác cha với Nghệ sĩ Nhân dân Đặng Thái Sơn. Năm 1969, bà được tuyển chọn đi du học đại học ngành âm nhạc tại Kiev trong 6 năm. Sau 8 năm về nước làm việc, năm 1984 bà Hà được trở lại Liên Xô làm nghiên cứu sinh và nhận bằng Tiến sĩ Âm nhạc tại Nhạc viện Tchaikovsky, Moskva.
Kể từ khi tốt nghiệp đại học âm nhạc tại Liên Xô, GS. NSND Trần Thu Hà đã đóng góp to lớn cho sự phát triển nền âm nhạc Việt Nam nói chung và chuyên ngành piano nói riêng trên cả ba lĩnh vực công tác: đào tạo, biểu diễn và quản lý. Nhiều học trò của bà trở thành nghệ sĩ nổi tiếng như: Nguyễn Hoàng Phương (giải Nhất cuộc thi tài năng trẻ dương cầm quốc tế năm 1999 tại Nhật Bản); Trần Thái Linh (giải Nhất đồng đội tại cuộc thi hòa tấu kèn - piano châu Á tổ chức tại Thái Lan năm 2005); Lưu Hồng Quang (Giải Đặc biệt trong cuộc thi piano mang tên Chopin châu Á năm 2006). Bà từng nắm giữ vị trí Giám đốc Nhạc viện Hà Nội, Đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa XI.
NSND Bảy Nam và NSND Kim Cương
Cố NSND Bảy Nam (1913 – 2004) là một trong những tượng đài của nghệ thuật cải lương. Cùng với nghệ sĩ Phùng Há, bà được xem là vị "tổ nghề sống" của loại hình sân khấu này.
NSND Bảy Nam tên thật là Lê Thị Nam, quê tại Tiền Giang. Bà bắt đầu có vai diễn đầu tiên vào năm 14 tuổi. Sau 70 năm hoạt động sân khấu, bà không chỉ là diễn viên mà còn là nhà quản lý, trưởng đoàn, tác giả kịch bản, diễn viên điện ảnh. Các vở diễn thành công nhất trong sự nghiệp diễn xuất của bà đó là vở Lá sầu riêng và Bông hồng cài áo. NSND Bảy Nam cũng là tác giả kịch bản của nhiều vở như: Nỗi đau lòng mẹ; Người đàn bà Việt Nam; Gươm vàng máu đỏ; Điều Tam Xuân...
NSND Kim Cương sinh năm 1937. Năm 7 tuổi, bà đã cùng mẹ lên sân khấu, có vai diễn đầu tiên trong vở tuồng Na Tra lóc thịt. Năm 1961, giữa lúc tên tuổi được chú ý, bà lại đưa ra quyết định táo bạo khi từ giã sân khấu cải lương để đi theo con đường kịch nói và lập nên "Đoàn kịch Kim Cương" nức tiếng bậc nhất miền Nam. Thời điểm này kịch nói còn mới mẻ, bà đảm nhiệm từ diễn xuất, viết kịch bản, đạo diễn, sản xuất, làm trưởng đoàn. Suốt nhiều năm liền, đoàn kịch nói của Kim Cương chinh phục được khán giả qua hàng loạt vở diễn nổi tiếng như: Lá sầu riêng; Bông hồng cài áo; Huyền thoại mẹ; Người mua hạnh phúc; Hai mùa giáng sinh...
Hiện tại, ở tuổi U90, NSND Kim Cương tìm niềm vui bình dị trong việc thiện nguyện. Nhiều năm liền, bà tích cực tổ chức các hoạt động ý nghĩa để giúp đỡ các diễn viên, nhạc công, soạn giả nghèo khổ, sáng lập quỹ học bổng Bảy Nam hỗ trợ con em nghệ sĩ đang túng thiếu.