(HNMCT) - Nghệ sĩ nhân dân (NSND) Văn Thủy là một trong những diễn viên được đào tạo trực tiếp tại Nhà hát Tuồng Việt Nam khóa 1979 - 1983, dưới sự dẫn dắt của cố NSND Quang Tốn và NSND Bạch Trà. May mắn được tiếp cận với nghề từ sớm, lại được sự ủng hộ của gia đình có truyền thống nghệ thuật, NSND Văn Thủy đã gặt hái thành công với nhiều vai diễn để lại ấn tượng cho người xem cùng 1 Huy chương vàng, 6 Huy chương bạc trong các kỳ liên hoan, hội diễn.
- Thưa NSND Văn Thủy, gắn bó với nghệ thuật tuồng đến nay đã gần 40 năm, vai diễn nào khiến ông nhớ nhất?
- Tôi rất tự hào khi đã đảm nhận nhiều vai diễn để lại dấu ấn trong lòng khán giả, đặc biệt là các bạn nghề. Tôi quan niệm: “Khi đã làm thì phải thành công”. Vai để lại dấu ấn sâu đậm nhất với tôi là vai Trịnh Ân trong vở “Nữ tướng Đào Tam Xuân”. Vai diễn này sinh thời bố đẻ tôi - nghệ sĩ Văn Kính đã diễn rất thành công. Bố tôi cũng là một trong những người đầu tiên đặt nền móng xây dựng Nhà hát Tuồng Việt Nam. Bác ruột tôi là NSƯT Văn Thành, cũng là một nghệ sĩ tên tuổi ở nhà hát này. Vì thế, vai diễn ấy đối với tôi có gì đó ăn sâu vào tiềm thức, là máu thịt. Cho đến bây giờ, theo nhận định của các bạn diễn là chưa có người thay thế. Tôi biết đến một lúc nào đấy sẽ có người thay thế tôi diễn vai này, thậm chí tốt hơn, nhưng vai diễn ấy vẫn là niềm tự hào của tôi.
Một vai diễn khác là Tạ Ôn Đình trong vở “Sơn Hậu” - một trong những vở kinh điển của tuồng truyền thống. Còn với tuồng hiện đại thì tôi vẫn nhớ nhất vai Phơ Ma Lang - một ông già người dân tộc trong vở “Rừng thức”. Mặc dù đã hơn chục năm trôi qua từ sau hội diễn năm 2005 tại Nghệ An, nhưng đến giờ tôi vẫn nhớ lời thoại của nhân vật.
- Là một nghệ sĩ tuồng, quan điểm của ông như thế nào về bảo tồn và làm mới, trong khi bản thân ông là người nặng lòng với truyền thống?
- Thực ra cái gì cũng phải phát triển theo thời cuộc. Đã gọi là truyền thống thì anh phải giữ, nhưng đừng bảo thủ mà phải phát triển trên nền móng các cụ để lại. Với nghệ thuật tuồng, quan điểm của tôi là bảo tồn, phát triển nhưng phải có những cái mới thì mới sống được. Nếu anh cứ bảo thủ, cứ mãi trưng bày trong tủ kính thì không ai xem. Anh giữ cái cốt là tuồng Việt Nam, từ đó đưa thêm những yếu tố mới.
- Yếu tố mới đó cụ thể là gì, thưa ông?
- Chẳng hạn anh có thể đưa những câu chuyện mới của ngày hôm nay, những vấn đề mang tính đương đại nhưng trong cách dàn dựng vẫn phải bám sát những tiêu chí của sân khấu tuồng, hát tuồng, múa tuồng, dàn dựng theo phong cách tuồng...
- Trong quan điểm của nhiều người, tuồng là cổ, từ trang phục đến cách vẽ mặt. Vậy khi làm tuồng hiện đại, điều đó có gây khó khăn, thưa ông?
- Hoàn toàn không có gì cản trở cả. Với tuồng truyền thống chúng ta phải diễn cho đúng chất truyền thống. Còn với tuồng hiện đại thì chúng ta có quyền cách tân. Ngày xưa ai biết mặt ông Trương Phi như thế nào, các cụ cứ vẽ theo hình dung đó là một ông tướng nóng tính, dữ dằn. Còn ngày hôm nay, khi chúng ta đưa câu chuyện thực tế thì phải biểu diễn làm sao cho ra nhân vật của ngày hôm nay. Năm 2016, chúng tôi tham gia hội diễn với vở “Ao làng” (tác giả Chu Thơm, đạo diễn NSƯT Đặng Bá Tài), rất thành công. Vở diễn ấy là câu chuyện của ngày hôm nay, nói về nạn tham nhũng, cửa quyền. Các nhân vật đều mặc trang phục hiện đại... Yêu cầu đặt ra là người nghệ sĩ phải xây dựng được hình ảnh nhân vật của ngày hôm nay nhưng vẫn giữ được căn cốt của nghệ thuật tuồng.
- Tuồng cũng như các loại hình nghệ thuật truyền thống khác, đang trải qua những bước thăng trầm. Gần 40 năm làm nghề, có khi nào ông cảm thấy nản lòng?
- Tôi nghĩ rằng cái gì cũng đều có sự thăng trầm. Sân khấu cũng có lúc hưng, lúc thịnh. Cách đây vài chục năm, có khi chúng tôi diễn 6, 7 đêm liền, có vở người dân địa phương yêu cầu diễn lại 2 lần. Ngày nay, văn hóa giải trí vào tận giường của mỗi người, có quá nhiều sự lựa chọn. Nhưng tôi vẫn luôn nghĩ rằng, tuồng sẽ sống mãi bởi nó vẫn là một đặc trưng của nghệ thuật Việt Nam.
- Nhiệm vụ bảo tồn nghệ thuật tuồng được nhà hát cụ thể hóa bằng việc thành lập Đoàn nghệ thuật thể nghiệm. Hiện là Ủy viên Hội đồng nghệ thuật Nhà hát Tuồng Việt Nam, ông có hy vọng gì khi mỗi ngày chứng kiến các nghệ sĩ luyện tập, biểu diễn?
- Các cụ ta thường nói “tre già măng mọc”. Nhìn vào lớp trẻ bây giờ, chúng tôi có nhiều hy vọng. Bởi vì các cháu yêu nghề, xác định dành cả tuổi trẻ cho nghệ thuật, đặc biệt là sân khấu tuồng. Nếu vẫn giữ được niềm say mê thì đây sẽ là lớp kế cận có thể gánh vác sự nghiệp mà cha ông để lại.
- Trân trọng cảm ơn NSND Văn Thủy!