Tôn vinh nghệ nhân lĩnh vực văn hóa phi vật thể Tôn vinh nghệ nhân lĩnh vực văn hóa phi vật thể , Người xứ Nghệ Kiev
08/09/2020
(HNM) - Thành phố Hà Nội đang hoàn thiện hồ sơ để đề nghị Chủ tịch nước xét tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể lần thứ ba - năm 2021 cho các nghệ nhân. Để tìm hiểu rõ quá trình xét duyệt, phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Bùi Thị Thu Hiền về vấn đề này.
- Trước tiên, xin bà cho biết, công tác thẩm định hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú lần thứ ba - năm 2021 được thành phố Hà Nội triển khai như thế nào?
- Tương tự với đợt xét tặng các danh hiệu nghệ nhân lần thứ nhất - năm 2015 và lần thứ hai - năm 2019, đợt xét tặng lần này được triển khai từ rất sớm. Ngay khi có thông báo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã gửi văn bản tới các quận, huyện, thị xã đề nghị phổ biến rộng rãi cũng như hướng dẫn nghệ nhân có nguyện vọng xây dựng hồ sơ đầy đủ, đúng yêu cầu, tiến độ.
Sau khi hồ sơ được hoàn thiện, các địa phương tổ chức họp, lấy ý kiến biểu quyết từ cộng đồng dân cư, để xác định rõ những thành tựu, cống hiến nổi bật trong quá trình gìn giữ, trao truyền di sản của từng nghệ nhân. Kết thúc thủ tục này, hồ sơ được gửi về bộ phận thường trực của Hội đồng xét tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể lần thứ ba - năm 2021 thành phố Hà Nội (gọi tắt là Hội đồng) để rà soát, tổng hợp danh sách, công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng, lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân. Tiếp đó, bộ phận thường trực tổng hợp hồ sơ, gửi đến các thành viên trong Hội đồng.
Hội đồng tiến hành họp, trao đổi ý kiến chuyên môn đối với từng hồ sơ cụ thể và bỏ phiếu kín. Hồ sơ phải đạt tỷ lệ đồng thuận của Hội đồng từ 90% trở lên mới đủ điều kiện chuyển đề nghị cấp trên phê duyệt. Những hồ sơ được thông qua, tiếp tục được chuyển đến Hội đồng Thi đua - Khen thưởng thành phố để xét duyệt. Kết quả, đến nay Hà Nội đã thống nhất đề cử 92 nghệ nhân cho các danh hiệu Nghệ nhân nhân dân và Nghệ nhân ưu tú trên tổng số 109 trường hợp đề nghị. Những trường hợp không đủ điều kiện xét duyệt, do chưa đáp ứng tiêu chuẩn về số năm thực hành di sản, tỷ lệ tín nhiệm của cộng đồng cũng như hiệu quả trong công tác truyền dạy...
- Những hồ sơ đề nghị xét tặng các danh hiệu nghệ nhân năm nay có điểm gì mới, thưa bà?
- So với đợt xét tặng lần thứ hai, số lượng nghệ nhân được đề cử ở cả hai mục Nghệ nhân nhân dân và Nghệ nhân ưu tú năm nay đều tăng hơn về số lượng và phổ cập hơn về loại hình di sản văn hóa phi vật thể. Nếu như trong lần xét tặng thứ hai, Hà Nội thống nhất đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân cho 12 trường hợp và Nghệ nhân ưu tú cho 58 trường hợp, thì năm nay con số này lần lượt là 15 và 77 trường hợp.
Đáng chú ý là năm nay, lần đầu tiên, Hà Nội đưa vào danh sách đề cử nghệ nhân thuộc loại hình trình diễn dân gian hát tuồng với 22 hồ sơ. Đợt xét duyệt lần này cũng đánh dấu số lượng lớn nghệ nhân nắm giữ tri thức dân gian nặn tò he với 18 hồ sơ được đề cử. Đây là loại hình di sản chỉ có duy nhất ở Hà Nội, được gìn giữ, trao truyền qua bao thế hệ người làng Xuân La (xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên) với tính truyền thống nổi bật và xuyên suốt, giá trị tinh thần rõ nét thông qua những câu chuyện văn hóa, lịch sử hiện hữu trên sản phẩm làng nghề.
Năm nay, Hội đồng tiếp tục thông qua hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân cho nghệ nhân ẩm thực Phạm Thị Tuyết, người nắm giữ di sản ẩm thực cổ truyền Thăng Long - Hà Nội, từng chủ trì nấu nhiều bữa tiệc chiêu đãi nguyên thủ các nước đến thăm và làm việc tại Việt Nam và Hà Nội. Đây cũng là nghệ nhân ẩm thực duy nhất được đề nghị xét tặng danh hiệu trong đợt này.
- Theo bà, để bảo đảm hồ sơ được xét tặng theo đúng kế hoạch, công tác này sẽ được thực hiện thế nào trong thời gian tới?
- Công tác xét tặng các danh hiệu nghệ nhân có ý nghĩa tôn vinh, ghi nhận những cống hiến, đóng góp của các nghệ nhân đối với tri thức văn hóa của dân tộc. Chính vì vậy, cần được thực hiện theo quy trình, quy chế chặt chẽ, khoa học, bảo đảm không sót, lọt người xứng đáng.
Hiện tại, danh sách nghệ nhân được đề nghị phong tặng các danh hiệu đang được công bố rộng rãi trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng để lấy ý kiến nhân dân. Sau đó, bộ phận thường trực của Hội đồng sẽ thu thập ý kiến (nếu có), tiếp tục rà soát, củng cố hồ sơ. Trong trường hợp không có ý kiến nào, Hội đồng sẽ làm văn bản chính thức đề nghị UBND thành phố Hà Nội trình các cấp có thẩm quyền xem xét tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể lần thứ ba - năm 2021 cho các nghệ nhân.