Nghệ sĩ ưu tú Ngọc Khánh: Đau đáu với kèn bầu Nghệ sĩ ưu tú Ngọc Khánh: Đau đáu với kèn bầu , Người xứ Nghệ Kiev
(HNMCT) - Kèn bầu xưa nay chủ yếu dùng trong dàn nhạc tuồng và nhã nhạc cung đình Huế, thế nhưng Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Ngọc Khánh (nguyên nhạc công Nhà hát Tuồng Việt Nam) đã mạnh dạn sáng tạo, cải biên để qua tiếng kèn bầu thể hiện các ca khúc tiêu biểu như: Lời ru trên nương, Làng quan họ quê tôi, Miền Trung nhớ Bác, Mưa trên phố Huế, Lời ca dâng Bác... Gặp ông tại quê nhà Dương Cốc, xã Đồng Quang, huyện Quốc Oai (Hà Nội), ông hồ hởi bày tỏ: “Kèn bầu không phải là nó không hay mà vì ta chưa khám phá hết các công năng của nó”.
Chân dung NSƯT Ngọc Khánh do một người hâm mộ vẽ tặng.
1. Theo tiếng kèn bầu của NSƯT Ngọc Khánh (biệt danh “Khánh kèn”), tôi tìm về thôn Dương Cốc, xã Đồng Quang, huyện Quốc Oai để tìm gặp người nghệ sĩ vang bóng một thời. Làng quê thanh bình, yên ả cạnh con sông Đáy hiền hòa từ lâu đã được biết đến với đội tuồng nức tiếng xứ Đoài. Nhìn bề ngoài, nghệ sĩ Ngọc Khánh trẻ trung hơn so với tuổi 65 của mình, dáng vẻ bình dị, dễ gần. Trở về quê sinh sống sau bao năm vất vả làm nghề, mưu sinh, vợ chồng lão nghệ sĩ đã không ở trong căn nhà 2 tầng khang trang sâu tít trong làng mà chọn ra ở một mảnh đất chuyển đổi giữa cánh đồng lúa bao la, rộng lớn. Ở đó, ông xây một gian nhà cấp 4 nho nhỏ và trồng hàng trăm gốc đu đủ, bưởi Diễn...
Hơn 60 năm trước, cậu bé Ngọc Khánh cất tiếng khóc chào đời trong một gia đình có truyền thống âm nhạc, cha là nghệ nhân Ngọc Bỉnh, từng “cầm trịch” đội tuồng làng Dương Cốc một thời. Năm 8 tuổi, được cha khoét cho cây sáo bằng đồng cậu bé Khánh đã tự mày mò thổi một số bài đơn giản.
Năm 1968, chiến tranh chống Mỹ bước vào giai đoạn ác liệt, “không hẹn mà gặp” cùng lúc Trường Nghệ thuật Hà Tây (cũ), Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) và Đoàn tuồng Liên khu 5 (nay là Nhà hát Tuồng Đào Tấn) về làng Dương Cốc sơ tán. Cũng vì thế mà rất nhiều loại hình âm nhạc, sâu khấu phát triển ở làng, cậu bé Khánh cũng theo đó mà thêm hào hứng với nghệ thuật dân tộc. Năm 1972, chàng thanh niên làng Dương Cốc trúng tuyển chuyên ngành kèn bầu tại Trường Sân khấu Việt Nam (một trong những đơn vị tiền thân của Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội ngày nay).
2. Tên tuổi của Ngọc Khánh thực sự được biết đến vào năm 1992, khi ông giành giải Nhất duy nhất ở bộ môn kèn bầu trong lần đầu tiên Cục Nghệ thuật biểu diễn, Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức cuộc thi Diễn tấu nhạc cụ sân khấu dân tộc toàn quốc ở Đà Nẵng. Cũng từ ấy, ông ý thức rằng, mình phải cố gắng tập luyện, trau dồi kiến thức để lan tỏa nhiều hơn tiếng kèn bầu đến với đông đảo công chúng. Nghĩ là làm, suốt gần 30 năm qua, ông đã mạnh dạn đưa kèn bầu vào các loại hình cải lương, chèo, múa rối... đặc biệt là trong giao hưởng. Ông đã nhiều lần được Giám đốc Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam mời chơi kèn bầu cho một số bài dân ca do nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng phối khí.
Với mong muốn được thay đổi quan niệm của mọi người về kèn bầu, để công chúng thấy đây không phải chỉ là nhạc cụ thổi trong đám hiếu (kèn đám hiếu), nghệ sĩ Ngọc Khánh đã tận dụng mọi lúc, mọi nơi, mọi chỗ để quảng bá tiếng kèn của mình. Ban đầu, ông lồng ghép tiếng kèn bầu cho một số bài hát như: Lý cây đa, Lên chùa... tại Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội nơi ông giảng dạy và được các em sinh viên yêu thích. Nhận thấy sự đón nhận hào hứng của người nghe, ông đưa kèn bầu vào thổi cho ca khúc. “Quả ngọt” mà ông nhận được là sự bất ngờ và thán phục của các nhạc sĩ khi nghe ông thổi chính ca khúc của mình.
Nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo đã phải thốt lên rằng: “Không ngờ kèn bầu thổi bài này lại hay đến thế” khi nghe Ngọc Khánh và chiếc kèn bầu thể hiện bài Làng quan họ quê tôi của ông. Một lần khác, ông đã thổi bài hát Miền Trung nhớ Bác cho dịp gặp mặt của Hội Đồng hương Liên khu 5 tại Hà Nội. Khi ông biểu diễn xong, nhạc sĩ Thuận Yến bước lên sân khấu và xúc động nói: “Tôi nghĩ NSND Thu Hiền hát bài này đã rất hay nhưng hôm nay nghe cậu thổi luyến láy rất sâu, rất mới mẻ và thú vị”. Được nhạc sĩ hỏi “bí quyết” để có tiếng kèn hay, ông bảo: “Em thổi Miền Trung nhớ Bác là dồn nén hết thảy tình cảm của mình về Bác vào đó”. Nghe xong, nhạc sĩ Thuận Yến ôm Ngọc Khánh và khóc.
Năm 2011, Ngọc Khánh được Cục Nghệ thuật biểu diễn chọn đi giới thiệu về âm nhạc cung đình Huế cho bạn bè 150 nước. Trong chương trình, ông đã không chỉ chơi kèn bầu cho nhạc cung đình Huế mà còn đệm bài hát Thăm bến Nhà Rồng cho NSND Thái Bảo hát, đệm cho ca sĩ Ngọc Chi hát cải lương, đệm cho hai nghệ sĩ Thanh Mạn, Thanh Tân ở Nhà hát Chèo Việt Nam diễn đoạn Thị Mầu lên chùa. Quá bất ngờ trước khả năng xoay chuyển của Ngọc Khánh với cây kèn bầu, Giáo sư Trần Văn Khê - một thành viên trong đoàn đã nhận xét: “Cháu chơi không những chuẩn bài mà nhạc cũng rất chuẩn” và vị giáo sư đáng kính cũng không quên nhắc nhở ông là phải cố gắng truyền lại tinh hoa cho thế hệ sau.
3. Ngoài khả năng chơi kèn bầu, Ngọc Khánh còn biết đến là người sống nặng tình, nặng nghĩa. Ông bảo, chính quê hương đã bồi đắp cho mình tình yêu và sự say mê với âm nhạc dân tộc, vì thế sau khi thành danh, việc đầu tiên ông làm là đào tạo, giúp đỡ cho những con em trong làng đến với âm nhạc truyền thống. Đáng mừng là hiện nay một số nghệ sĩ qua bàn tay dìu dắt của ông đã phát huy được năng lực ở các đoàn nghệ thuật, như Quỳnh Liên ở Nhà hát Tuồng Việt Nam, Nhã Mạnh Hùng ở đội biểu diễn Công viên Ấn tượng Hội An, Phùng Thị Thanh Huyền ở Nhà hát Chèo Hà Nội...
Hôm nay ngồi với tôi trên mảnh vườn quê lồng lộng gió, NSƯT Ngọc Khánh luôn biết ơn người cha và cũng là người thầy đầu tiên của ông vì đã tin tưởng ông, hướng dẫn ông từ những ngày đầu tiên bước chân theo con đường âm nhạc. Và sau này, ông giữ được nghề là do có người vợ, vốn là một nghệ nhân tuồng, luôn động viên, thông cảm, tạo điều kiện để ông được “cháy” hết mình với đam mê. Đặc biệt, nhớ ơn những người thầy đã dạy mình, ông đặt ảnh thờ các thầy tại nhà riêng, đó là các nghệ sĩ: Văn Bá Anh, Lại Thương, Dương Long Căn, Đinh Quả, Hoàng Hiệp Tắc. “Tôi cứ nghĩ rằng, nếu cha mẹ sinh ra tôi lần một thì các thầy đã sinh ra tôi lần thứ hai. Các thầy là những người tài năng, đức độ, hết lòng vì học trò, vì sự nghiệp phát triển âm nhạc dân tộc. Bằng tâm huyết và khả năng sư phạm tài tình của mình, các thầy đã truyền cho tôi những gì tinh túy nhất trong cuộc đời hoạt động nghệ thuật của mình. Nếu không có các thầy chắc chắn sẽ không có “Khánh kèn” ngày hôm nay”.
Mặc dù đã về “ở ẩn”, thế nhưng NSƯT Ngọc Khánh vẫn đau đáu về sự phát triển của kèn bầu trong thời đại hôm nay. Làm thế nào để thu hút được giới trẻ đến với kèn bầu, làm thế nào để có thể sử dụng kèn bầu vào các loại hình âm nhạc khác nhiều hơn nữa..., những câu hỏi ấy, ông cứ đặt ra rồi tự đi tìm câu trả lời dù biết rằng để có đáp án tối ưu quả thực không dễ. Kèn bầu rất cần những người như “Khánh kèn”.
NSƯT Ngọc Khánh sinh năm 1955, tại làng Dương Cốc, xã Đồng Quang, huyện Quốc Oai (Hà Nội). Ông nhận danh hiệu NSƯT năm 2007, từng giành giải Nhất duy nhất ở bộ môn kèn bầu trong cuộc thi diễn tấu nhạc cụ sân khấu dân tộc toàn quốc năm 1992 và nhiều lần được mang tiếng kèn bầu đến với bạn bè quốc tế.