Chủ Nhật ngày 09/12/2018
(HNM) - Hà Nội hôm nay vừa hiện đại vừa truyền thống, vừa tiên tiến vừa đậm đà bản sắc, là đề tài quyến rũ nghệ thuật thứ 7. Nhưng hiện thực hóa giấc mơ sản xuất những tác phẩm điện ảnh đậm nét văn hóa Hà Nội ở thời điểm này là điều không dễ dàng.
|
Những bộ phim phản ánh đời sống Hà Nội hôm nay cần được sản xuất nhiều hơn. |
Thiếu những thước phim đẹp
Bên cạnh bề dày lịch sử, văn hóa là nguồn cảm hứng bất tận cho các thế hệ văn nghệ sĩ cả nước, Hà Nội đương đại với những chuyển động không ngừng cũng luôn kích thích người làm phim sáng tạo. Về vai trò của điện ảnh Việt Nam nói chung và điện ảnh Thủ đô nói riêng, Nghệ sĩ nhân dân Trần Quốc Chiêm, Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội khẳng định, thông qua những thước phim hấp dẫn gây rung động, nghệ sĩ điện ảnh có thể tác động đến tư duy, tình cảm của khán giả, góp phần phát triển, xây dựng văn hóa, con người Hà Nội trong thời đại mới. Nhưng đáng buồn là nhiều năm nay, điện ảnh Hà Nội thiếu vắng tác phẩm xứng tầm, những thước phim đẹp, thỏa mãn được sự mong mỏi của người yêu điện ảnh Thủ đô.
Với nhận định trên, liệu có phải người làm điện ảnh Thủ đô lười vận động hay không? Chủ tịch Hội Điện ảnh Hà Nội Đan Thiết Thụ khẳng định, đội ngũ nghệ sĩ tài năng đang tụ hội ở mảnh đất nghìn năm văn hiến vẫn cần mẫn làm việc, khát khao cống hiến. Mỗi năm, các hội viên của Hội Điện ảnh Hà Nội hoàn thiện hàng chục kịch bản phim. Trại sáng tác do Hội thường xuyên tổ chức giúp thu nhận nhiều kịch bản tốt, cả về đề tài lịch sử, văn hóa truyền thống và đề tài hiện đại phản ánh cuộc sống hôm nay.
Tiêu biểu như “Dòng họ Định quốc công Nguyễn Bặc” (Nguyễn Hữu Cẩn), “Chủ tịch Hồ Chí Minh với văn hiến Thăng Long - Hà Nội" (Đào Trọng Khánh, Đan Thiết Thụ), “Dấu ấn một vùng quê” (Nguyễn Thị Thanh Loan), "Tranh Hàng Trống" (Chu Minh)…
Mới đây nhất là loạt kịch bản từ trại sáng tác điện ảnh về đề tài “Người Hà Nội văn minh, thanh lịch” như “Một gia đình hai chiến tuyến” (trong chùm phim “Nghĩa tình đất Rồng” của Nguyễn Thọ Ninh), “Sắc hương Hà Nội” (Nguyễn Sỹ Chung), “Một góc thu Hà Nội” (Trần Trọng Kỳ), “Ngõ nhỏ sâu lắng” (Nguyễn Hà Bắc)… Tất cả thấm đẫm hơi thở thời đại, bám sát định hướng phát triển Thủ đô giai đoạn hiện nay.
Nhưng thực tế là phần lớn kịch bản phim đầy tâm huyết ấy… bị cất tủ. Hơn một năm sau trại sáng tác, 15 kịch bản về đề tài “Người Hà Nội văn minh, thanh lịch” chưa được thực hiện thành phim. Kịch bản “Người mẹ Hà Nội” của cố Nghệ sĩ nhân dân Hải Ninh - người đã đạo diễn bộ phim kinh điển về Thủ đô “Em bé Hà Nội” từng đoạt giải A của Hội Điện ảnh Việt Nam, nhiều năm rồi mà vẫn không đến được với khán giả. Kịch bản 30 tập phim truyền hình “Lê Thái Tổ - Từ Lam Sơn đến hồ Hoàn Kiếm” (Minh Quỳnh, Đan Thiết Thụ) đã hoàn chỉnh, ê kíp sản xuất đã sẵn sàng, nhưng đến nay vẫn chưa thể bấm máy.
Làm sao hiện thực hóa?
Điện ảnh chỉ đem lại hiệu quả khi kịch bản thành phim và đến được với khán giả. Nhà văn, tác giả kịch bản Thái Kế Toại nói rằng Hà Nội là nơi tập trung những nghệ sĩ điện ảnh danh tiếng, lẽ ra phải đi đầu trong hoạt động điện ảnh. Nhưng bây giờ điện ảnh Hà Nội thua xa khu vực TP Hồ Chí Minh, càng không theo kịp thế giới. Vấn đề lớn nhất của điện ảnh Thủ đô là thiếu kinh phí làm phim. Vì thế, bao nhiêu ý tưởng, kịch bản mới mẻ, sống động, thiết thực cho đời sống vẫn nằm im trên giấy.
Đạo diễn, nhà quay phim Đan Thiết Thụ chia sẻ, những bộ phim về lịch sử không chỉ có ý nghĩa giáo dục truyền thống Thủ đô anh hùng mà còn lan tỏa nét văn hóa của người Hà Nội hình thành từ ngàn xưa trong cuộc sống hôm nay. Tuy nhiên, làm phim về đề tài lịch sử thì khó kêu gọi xã hội hóa, nên nếu đã được đánh giá tốt, hiệu quả thì hy vọng lớn nhất là được thành phố đầu tư sản xuất.
Đạo diễn, Nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Sỹ Chung cũng nhận định: “Là thể loại phim phản ánh hiện thực xã hội, vừa mang tính báo chí vừa đậm nét nghệ thuật, phim tài liệu có đóng góp lớn cho việc phát hiện, quảng bá bản sắc văn hóa Thăng Long - Hà Nội, đưa hình ảnh Thủ đô vươn xa”. Ông đề xuất, nên có sự cộng hưởng, hợp tác từ các tác giả, các địa phương, đài truyền hình để sản xuất phim tài liệu chất lượng cao về Hà Nội.
Khẳng định tác động tích cực của phim hoạt hình đối với khán giả, đặc biệt là người trẻ, Nghệ sĩ nhân dân Nguyễn Hà Bắc nêu hướng thu hút những người trẻ vào hoạt động điện ảnh. Với thế mạnh công nghệ, góc nhìn về cuộc sống mới mẻ, họ sẽ tạo ra những tác phẩm điện ảnh thuyết phục những người cùng trang lứa.
Ở một hướng đi khác, hiện nay, nhiều nhà làm phim trẻ của Hà Nội đã chủ động tìm nguồn đầu tư từ các nhà tài trợ hoặc quỹ hỗ trợ điện ảnh quốc tế để biến ý tưởng thành hiện thực. Điển hình như đạo diễn Phan Đăng Di với “Bi, đừng sợ”, “Chơi vơi”, đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp với “Đập cánh giữa không trung”...
Đạo diễn, Nghệ sĩ nhân dân Phạm Nhuệ Giang đánh giá, tuy khai thác đề tài riêng tư của lứa tuổi hay một bộ phận cá biệt trong đời sống hiện đại nhưng các đạo diễn trẻ đã lồng ghép những nét đặc trưng của Hà Nội vào phim, chăm chút kỹ lưỡng từng khuôn hình, tạo chất thơ trong hình ảnh, đem lại ấn tượng thị giác với người xem. Bởi vậy, hoạt động nghề nghiệp của họ cần được ủng hộ nhiều hơn.
Cuối cùng, để biến ước mơ thành hiện thực thì ngoài nguồn lực đầu tư, điều cần nhất là chính người làm điện ảnh Hà Nội phải vận động mạnh mẽ.
An Nhi
Nguồn hanoimoi.com.vn
http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Phim/921025/mo-ha-noi-hom-nay-buoc-vao-dien-anh
|