Người chị khiến Hoài Linh, Đàm Vĩnh Hưng phải nể phục
Hương Lan cùng tuổi với Bảo Yến, nhưng ra nước ngoài từ sớm và phải trải qua nhiều truân chuyên, vất vả cũng như nỗi bất hạnh trong đời sống hôn nhân. Tuy nhiên, bằng sự rèn dũa tài năng bền bỉ và những cống hiến của mình với dòng nhạc trữ tình quê hương nói riêng và dân ca Việt nói chung, cô đã đạt được nhiều thành công to lớn.
Cũng như Bảo Yến, dù nổi tiếng muộn hơn và thuộc thế hệ đàn em, nhưng Hương Lan xứng đáng được xếp ở vị trí Danh ca Bolero cùng các bậc tiền bối như Thanh Thúy, Hà Thanh, Thanh Tuyền, Phương Dung, Hoàng Oanh. Cô cũng là ca sĩ trụ cột của trung tâm Thúy Nga từ những năm đầu lên hình.
Ai cũng biết, Hoài Linh là "anh cả" của showbiz Việt, đã từng nâng đỡ và khiến vô số nghệ sĩ đàn em phải chịu ơn, nể sợ. Đến quyền lực như Đàm Vĩnh Hưng, Trường Giang, Trấn Thành cũng phải lễ phép với anh. Hứa Minh Đạt còn nói: "Người chịu ơn anh Hoài Linh nhiều vô số kể, phản lại anh không ai dám".
Vậy nhưng, Hoài Linh lại vô cùng kính phục Hương Lan và coi cô như chị hai của mình. Anh thậm chí còn sang tận Pháp để viếng mộ cha ruột của đàn chị. Danh hài Minh Nhí từng nói: "Chị hai Hương Lan là bậc tiền bối mà ai cũng phải nể, ngay cả Hoài Linh cũng nể".
Mẹ của Hoài Linh cũng bày tỏ tình cảm với Hương Lan: "Hương Lan không phải con ruột của tôi, cũng không phải chị ruột Hoài Linh, nhưng là người dìu dắt Hoài Linh từ hồi mới qua Cali.
Hoài Linh luôn gọi Hương Lan là "chị Hai của em". Mẹ chân thành cám ơn con đã dìu dắt em".
Về tài năng và giọng hát của Hương Lan, Hoài Linh khẳng định: "Không có một giọng ca dân ca nào có thể thay thế được vị trí của Hương Lan trong lòng tôi.
Giọng ca của nghệ sỹ Hương Lan bây giờ mang âm hưởng của NSND Ngọc Giàu ngày xưa. Tôi rất thích nghe Hương Lan hát và nghe rất đã. Vốn dĩ tôi đã ái một chị hai từ rất lâu rồi".
NSND Ngọc Giàu cũng chia sẻ: "Cuộc đời Hương Lan rất thăng trầm, đau khổ có, hạnh phúc có, vui tươi có, đẹp đẽ có, nhưng tất cả rồi cũng sẽ qua.
Bây giờ anh Hữu Phước đã mất rồi thì còn lại Hương Lan. Hương Lan là một người con yêu quý, nếu còn anh Hữu Phước thì chắc chắn anh ấy sẽ rất hạnh phúc và sung sướng khi có đứa con nối nghiệp mình... giống cha, giống như tạc... hát rất là hay, ca rất là giỏi!".
Không chỉ Hoài Linh, nhiều nghệ sĩ lớn khác cũng dành cho Hương Lan tình cảm và sự kính trọng nhất mực. Đàm Vĩnh Hưng kể lại: "Ngay ngày đầu tiên khi anh Hoài Linh đưa đến gặp, tôi đã yêu quý chị. Sự quý mến, yêu thương ấy cứ lớn dần theo năm tháng và ngày càng bền chặt".
Từ thần đồng cải lương tới danh ca Bolero có giọng hát vàng mang màu tím hoa cà
Thân phụ Hương Lan là Hữu Phước – một nghệ sĩ cải lương nổi danh tại miền Nam Việt Nam những năm 50, 60. Bởi vậy, từ lúc lọt lòng, cô đã được rèn dũa về các kĩ thuật, lối hát của dân ca, vọng cổ và thấm đẫm điệu hồn của nó đến tận sống, trái tim mình.
Mới 5 tuổi, Hương Lan đã được bố mình dắt lên sân khấu để diễn cùng trong vở cải lương Thiếu phụ Nam Xương và thể hiện rõ tài năng bẩm sinh của mình.
Chưa dừng lại ở đó, tới năm 10 tuổi, Hương Lan bắt đầu bước sang tân nhạc, dưới sự dìu dắt của nhạc sĩ Trúc Phương. Ngay từ lúc ấy, cô đã được ưu ái thu âm các bản song ca hoặc đơn ca để ra đĩa hoặc phát trên sóng phát thanh.
Với tiếng hát cao vút, ngọt ngào và đượm hồn quê hương, Hương Lan được công chúng, cũng như các tạp chí, nhật báo mệnh danh là "thần đồng".
Nhưng không vì lẽ đó mà Hương Lan tự mãn, dậm chân tại chỗ để đánh mất tài năng của mình như nhiều ca sĩ nhí hiện nay. Cô vẫn chăm chỉ khổ luyện để giọng hát của mình ngày càng điêu luyện hơn.
Nhờ đó, trải qua 57 năm ca hát, đến bây giờ, Hương Lan vẫn giữ được chất giọng vàng bóng bẩy của mình, không chút mai một.
Hương Lan sở hữu chất giọng light lirico soprano (nữ cao trữ tình sáng mảnh) đầy đặn và ngọt lịm, rất giàu âm sắc. Giọng hát của cô khi lên cao thì bay bổng, tươi sáng như ánh mặt trời tỏa nắng, nhưng cũng vô cùng ấm áp, không hề bị chua chói hoặc quá mỏng.
Người ta thường nói, giọng hát Hương Lan mang màu tím hoa cà, với sự êm dịu, ngọt ngào, hơi tối và buồn man mác. Màu giọng đó cũng đậm chất dân gian, có chút thôn quê, mộc mạc, rất phù hợp với dòng nhạc và con người của cô.
Tiếng hát dịu ngọt của Hương có chất nữ tính tự nhiên, nên không cần phải làm điệu, uốn lượn gượng ép như những giọng ca khác. Vì thế, khi đứng chung với các ca sĩ cùng đẳng cấp, cô trở nên e ấp, khép nép một cách duyên dáng, nhưng vẫn ẩn chứa nội lực khó tả.
Chẳng hạn, trong màn tam ca Liên khúc Nỗi buồn hoa phượng – Lưu bút ngày xanh, giọng hát của Hương Lan ngọt ngào, e ấp hơn nhiều so với độ dày của Hoàng Oanh. Nhưng với kỹ thuật vững chãi, hát nhẹ mà vang xa, cô vẫn nổi bật không kém gì đàn chị của mình
E ấp là thế, nhưng khi đứng chung sân khấu với các ca sĩ đàn em, Hương Lan vẫn nổi bật hơn hẳn, kể cả những vocalist hạng nhất nền nhạc nhẹ Việt Nam như Mỹ Linh, Hồ Quỳnh Hương, Thu Minh…
Chẳng hạn, trong màn tốp ca Tình ca với ba ca sĩ trên, Hương Lan chỉ cần điềm đạm bước ra và hát một cách ngọt ngào, thoải mái, mà độ vang đã vượt trội hơn hẳn các đàn em.
Rõ ràng, Hương Lan không gắng sức hay trau chuốt kỹ thuật, nhưng khi đứng chung sân khấu thì lại nhỉnh hơn cả những ca sĩ đã qua đào tạo bài bản.
Do được rèn dũa về cải lương, vọng cổ từ nhỏ nên khả năng điều khiển làn hơi của Hương Lan đã đạt tới mức thần sầu. Những câu hát dài liên tục tới 20, 30 giây không hề gây khó dễ cho cô như nhiều ca sĩ các, mà còn được thực hiện một cách thoải mái.
Đa số ca sĩ chỉ phát triển quãng trầm, trung, hoặc cao tương ứng với loại giọng của họ. Nhưng ở Hương Lan, trình độ điều khiển giọng hát đã đến bậc thượng thừa. Cô có thể hát đẹp ở cả ba quãng trung, trầm, cao với sự nhất quán về âm sắc và support, cũng như độ tự nhiên, không chút khác biệt.
Dù là nữ cao sáng mảnh, nhưng quãng trầm của Hương Lan rất tốt. Cô có thể xuống tới C3, support F3 đầy sức nặng và vô cùng rõ ràng. Hương Lan hát trầm còn tốt hơn cả một nữ trung như Lệ Quyên.
Chẳng hạn, trong Liên khúc Lòng mẹ - Ca dao mẹ, nếu Lệ Quyên mất kiểm soát và bị mờ đi ở G3 thì Hương Lan lại tỏ ra vững chãi và phát ra một cách dễ dàng
Hương Lan hát trầm tròn vành vạnh và chắc nịch, nhưng quãng cao cũng vô cùng đẹp, ngang ngửa với các nữ cao khác như Ý Lan hay Hồ Quỳnh Hương.
Chẳng hạn, trong màn song ca Đố ai, nếu Ý Lan hơi mất kiểm soát ở C5 thì Hương Lan lại bình tĩnh đưa note nhạc đó lên một cách nhẹ nhàng nhất có thể
Danh ca có kĩ thuật bậc thầy và đượm hồn dân tộc của dòng nhạc Bolero
Hương Lan chuyển giọng cũng rất tốt, không lộ liễu như Hoàng Oanh, và thậm chí ngọt hơn cả bậc thầy Thái Thanh. Thế nên, khi cô chuyển từ giọng thật sang giọng giả thanh, khán giả vẫn cảm thấy có sự liên kết liền mạch, mịn màng.
Chẳng hạn, trong màn song ca Đố ai, Hương Lan ngân lên chữ "đố" và chuyển từ giọng thật qua giả thanh một cách ngọt ngào như dòng suối, kèm ngân rung tự nhiên vô cùng đẹp, như đưa người nghe vào một giấc mơ.
Không những vậy, và làn hơi bất tận của cô còn kéo dài từ chữ "đố" đến hết câu hát tiếp theo.
Có thể thấy, chỉ với một câu hát, Hương Lan đã thực hiện được những kỹ thuật chuẩn mực nhất của thanh nhạc cổ điển, từ vị trí âm thanh chuẩn xác, làn hơi vững chắc tới khả năng chuyển quãng linh hoạt và vibrato (ngân rung) vô cùng tự nhiên.
Là một cây đại thụ của dòng nhạc Bolero nên kĩ thuật luyến láy của Hương Lan thực sự đạt tới mức thượng thừa, ít ai sánh kịp. Một trong những kĩ thuật đỉnh cao cô từng thực hiện là mezzo trillo.
Trillo (rung láy) là hát láy đi láy lại 2 note liên tiếp với tốc độ cao. Trillo đôi khi được kết hợp với một note cao ngân dài ngân dài sử dụng vibrato. Đây là kĩ thuật khó của dòng Opera Bel Canto Ý, rất hiếm khi được sử dụng trong nhạc đại chúng. Ngay cả trên thế giới, cũng rất ít diva thực hiện được trillo.
Tuy nhiên, Hương Lan vẫn dư sức sử dụng mezzo- rillo (rung láy ngắn) một cách nhẹ nhàng.
Có thể thấy, dù không qua trường lớp bài bản, nhưng kĩ thuật hát của Hương Lan rất tốt và thực hiện được cả những trang trí màu sắc, hoa mỹ. Nhưng vì yêu cầu của Bolero là sự mộc mạc, chân thành, nên khán giả ít thấy cô vắt vẻo những kĩ thuật phức tạp vào bài hát
Hương Lan hát Bolero với tâm hồn của người con vọng cổ, cải lương, nên tạo ra một chất nhạc rất riêng, thấm đẫm màu sắc dân gian, dân ca. Với người nghe Bolero hiện đại, cách hát này có vẻ hơi cũ, nhưng lại là cách hát thuần Việt nhất.
Nói cách khác, Hương Lan đã biến Bolero từ dòng nhạc ngoại lai thành âm hưởng trọn vẹn của dân tộc.