Thứ Bảy ngày 18/11/2017
(HNM) - Tại nhà trường, học sinh không chỉ được trang bị những kiến thức cơ bản mà còn được rèn luyện về đạo đức. Những giá trị đạo đức căn bản như tính trung thực, tinh thần trách nhiệm, lòng yêu thương,... sẽ giúp con người sống tốt đẹp hơn. Và để giáo dục con trẻ hiệu quả, sự nêu gương của người lớn, thầy cô giáo có vai trò đặc biệt quan trọng.
|
Sự chung tay của nhà trường, gia đình và xã hội sẽ giúp trẻ phát triển toàn diện. Ảnh: Nhật Nam |
Ông Phạm Ngọc Anh (Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Cầu Giấy):
Nắm bắt tâm lý để có biện pháp giáo dục hiệu quả
Giáo dục đạo đức là một hoạt động rất quan trọng trong nhà trường. Nhiều năm qua, các trường học trên địa bàn quận Cầu Giấy luôn quan tâm, chú trọng hoạt động này và triển khai bằng nhiều biện pháp khác nhau. Ngoài các giờ học trên lớp qua môn học giáo dục công dân theo sách giáo khoa, các trường còn tăng cường các giờ học ngoại khóa, các hoạt động tập thể... để tăng cường giáo dục đạo đức, nâng cao nhận thức cho học sinh. Về cơ bản, học sinh có ý thức trau dồi đạo đức cả ở trường và tại nhà. Tuy nhiên, còn một số học sinh chưa có tính kỷ luật, tự giác rèn luyện để trở thành "con ngoan, trò giỏi" nên chưa nghiêm túc trong học tập; nói năng và hành động chưa thanh lịch, văn minh, thậm chí có em còn nói bậy hoặc cãi lộn, đánh nhau với bạn. Cả các bậc cha mẹ và thầy cô đều cần phải nỗ lực có giải pháp uốn nắn, động viên, nghiêm khắc chỉ bảo để các em nhận ra sai sót, qua đó nâng cao hiệu quả giáo dục đạo đức cho học sinh các cấp.
Cô giáo Phùng Thị Chúc (giáo viên Trường THCS Tứ Liên, quận Tây Hồ):
Phải hết lòng vì học sinh
Mục đích chính của giáo dục - là giáo dục nhân cách cho học sinh, nhưng tôi nhận thấy, vẫn có một bộ phận học sinh mắc sai lầm trầm trọng trong suy nghĩ, lối sống, có hành động, cử chỉ, tác phong giao tiếp chưa đúng mực. Có em thể hiện lối sống lập dị từ ăn nói, đi đứng, thậm chí có biểu hiện lệch lạc về nhân cách như nữ sinh học đòi phong cách ăn mặc, cử chỉ, nói năng giống nam giới cốt để cho “oai”, hoặc trước mặt giáo viên thì ngoan ngoãn, sau lưng thì văng tục nói bậy. Những biểu hiện này thể hiện sự thiếu tôn trọng với thầy cô và tự trọng với bản thân. Công bằng mà nói để điều này xảy ra có phần trách nhiệm từ phía giáo viên! Các thầy cô phải tự hỏi mình đã hết lòng vì học sinh chưa, đã thực sự gương mẫu, ứng xử chuẩn mực chưa, khi mà tình trạng dạy thêm còn tràn lan, thậm chí có biểu hiện không công bằng với học sinh, ưu ái hoặc thiên lệch trong từng hoàn cảnh cụ thể...
Bà Nguyễn Bích Thủy (cựu giảng viên Trường Cao đẳng Sư phạm Mẫu giáo nhà trẻ Hà Nội):
Giúp học sinh rèn luyện tính tự lập
Thanh thiếu niên, thậm chí cả sinh viên đều trong độ tuổi hoàn thiện nhân cách. Bản năng thích thể hiện cái tôi là tâm sinh lý bình thường, nhưng các thầy cô và gia đình phải hết sức chú ý. Bởi các con khi đó suy nghĩ chưa chín chắn, dễ hành động bột phát, dẫn tới xung đột và thiếu kiểm soát trong hành vi, cử chỉ, lời nói. Đây là điều kiện thuận lợi để cha mẹ, thầy cô hướng các con đến "Chân - Thiện - Mỹ". Muốn vậy, theo tôi đầu tiên thầy cô cần đề cao tinh thần gương mẫu, làm gương cho các con qua những việc làm, hành động hằng ngày. Để cảm hóa, thu phục học sinh cũng phải khéo léo khuyến khích các con phát huy tính tự lập, tự giác “Học thầy không tày học bạn”. “Thả” các con tự “bơi” như vậy nhưng cha mẹ thầy cô cần quản lý, giám sát chặt, để tránh tính tùy tiện, tự phụ, ngạo mạn, thiếu ý chí phấn đấu vươn lên...
Bà Phan Thị Thu Thủy (phụ huynh học sinh Trường THCS Trưng Vương, quận Hoàn Kiếm):
Gia đình phải chủ động giáo dục đạo đức cho con trẻ
Để trẻ trở thành con ngoan, trò giỏi, theo tôi phải luôn coi trọng và bảo đảm kết hợp giáo dục tốt giữa "Gia đình, nhà trường và xã hội". Trong đó, gia đình giữ vai trò quan trọng hàng đầu bởi đây là nơi con gắn bó, gần gũi nhất. Mọi biểu hiện của con cũng thể hiện tại gia đình, nên các bậc phụ huynh chính là những “người thợ tài hoa” để “vẽ” lên tâm hồn như "tờ giấy trắng" của các con... Nhà trường là nơi cùng dìu dắt, định hướng, giúp học sinh trau dồi kiến thức và ý thức. Xã hội là môi trường để học sinh rèn luyện, trải nghiệm. Ba yếu tố này tương quan chặt chẽ như một, nhưng lại rất riêng. Nếu con ngoan ở trường, nhưng về nhà bố mẹ không gương mẫu, sống trong môi trường đó con cái sẽ không ngoan ngoãn, hoặc “khoán” cho nhà trường việc giáo dục, dạy dỗ để các con hình thành nhân cách "Chân - Thiện - Mỹ" thì thực sự các bậc cha mẹ chưa làm hết trách nhiệm đối với chính con em của mình.
Linh Nhi
Nguồn hanoimoi.com.vn
http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Giao-duc/883171/giao-duc-nhan-cach-dao-duc-cho-hoc-sinh-de-cao-tinh-neu-guong
|