Những ngày qua, thông tin về việc: Sinh viên Sư phạm được hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt sau 2 năm kể từ khi tốt nghiệp nếu không công tác trong ngành giáo dục hoặc công tác không đủ thời gian quy định thì phải bồi hoàn khoản kinh phí nhà nước đã hỗ trợ.
Thông tin này đang gây ra nhiều ý kiến trái chiều trong cộng đồng sinh viên sư phạm cả nước. Phóng viên đã có cuộc trao đổi với một số sinh viên đang theo học ngành sư phạm cũng như những sinh viên đã ra trường.
Phần đông ý kiến cho rằng: Họ đang cảm thấy rất hoang mang trước thông tin trên.
Điều này chẳng khác nào vừa ra trường đã gánh một số nợ trên đầu vậy.
Bạn Vũ Thị Hoa, sinh viên khoa Văn, trường Đại học Sư Phạm Hà Nội bày tỏ:
“Tôi cũng mới nghe được thông tin này những ngày gần đầy thông qua báo chí.
Tâm trạng chung của tôi cũng như nhiều sinh viên khác đang cảm thấy rất hoang mang và lo lắng.
Trước khi lựa chọn thi vào sư phạm hầu như ai cũng có lý do của mình. Có bạn thì vì yếu tố gia đình, có bạn vì đam mê.
Cũng có không ít những bạn lựa chọn học sư phạm vì được miễn, giảm học phí. Điều này thực sự cần thiết đối với những gia đình có hoàn cảnh khó khăn”.
Nguyễn Thu Hằng, sinh viên khoa Tâm Lý – Giáo dục là một trong những trường hợp lựa chọn học Sư phạm vì hoàn cảnh gia đình khó khăn. Thế nhưng nếu sau 2 năm nữa ra trường mà không xin được việc, Hằng cũng rất lúng túng trong việc trả học phí.
Hằng tâm sự: “Nếu sau 2 năm nữa tốt nghiệp mà tôi không xin được việc đúng chuyên ngành thì cũng không biết kiếm đâu ra số tiền để hoàn trả học phí.
Lúc đầu tôi lựa chọn ngành sư phạm là bởi hoàn cảnh gia đình khó khăn. Tôi nghĩ vào sư phạm thì sẽ được miễn học phí đỡ đần bố mẹ.
Nhưng quả thật nếu phải đóng học phí thì lúc đầu tôi sẽ chọn một trường khác có triển vọng xin việc hơn là học Sư phạm”.
|
Nhiều sinh viên sư phạm sẽ rơi vào tình cảnh vừa ra trường đã phải gánh nợ (Ảnh: V.N) |
Câu chuyện của Hoa và Hằng cũng là mối bận tâm chung của các sinh viên trường Sư phạm. Bên cạnh đó nó cũng tác động phần nào đến quyết định nộp hồ sơ thi tuyển trường Sư phạm của nhiều thí sinh.
Em Hoàng Thảo Vy, học sinh lớp 12 trường Trung học Phổ thông Phú Xuyên giãi bày: “ Em nghĩ hiện nay sức hút của ngành sư phạm đối với các bạn không thể so sánh với những ngành khác.
Một trong những lý do mà nhiều bạn lựa chọn sư phạm bởi vì chính sách miễn học phí.
Tuy nhiên nếu phải đóng học phí sau khi ra trường mà không xin được việc làm thì em nghĩ sẽ có nhiều bạn lựa chọn các trường khác như Kinh tế, Ngoại ngữ, Báo chí...”.
Trên diễn đàn dành cho sinh viên Đại học Sư Phạm, nhiều ý kiến của sinh viên rất đáng lưu tâm.
Trong đó phần lớn sinh viên bày tỏ: Có sinh viên nào ra trường mà không muốn được đi dạy? Thế nhưng vấn đề chính là họ không xin được việc.
Minh chứng là tỷ lệ sinh viên sư phạm đang thất nghiệp luôn nằm ở top cao trong số các ngành nghề đào tạo.
Ngoài ra sinh viên cũng thắc mắc: Sinh viên ngành sư phạm có được phân công công việc như bên Quân đội, Công an đâu mà lại nói rằng không hoàn thành nhiệm vụ và phải hoàn trả học phí.
Bạn Nguyễn Đình Luật bức xúc:
“Tôi thấy điều này rất vô lý. Trong Luật có nói nếu sinh viên tốt nghiệp không công tác trong ngành giáo dục hoặc công tác không đủ thời gian thì phải hoàn trả học phí.
Nếu chúng tôi ra trường mà được Nhà nước lo cho công việc như ngành công an, quân đội thì dù có phải trả gấp 3 lần học phí tôi cũng sẵn sàng trả.
Vấn đề là chúng tôi có được đảm bảo học sư phạm sẽ có việc làm đúng ngành nghề đâu?
Thực tế là ai đi học Sư phạm mà chẳng muốn được đi dạy. Nhưng đâu phải ai cũng có cơ hội được bước chân lên bục giảng”.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam từng phát biểu trước Quốc Hội: Năm 2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo khảo sát các trường có đầu vào 27 điểm. Sau 12 tháng ra trường, 96% học sinh có việc làm.
|
Tỷ lệ sinh viên Sư phạm ra trường thất nghiệp vẫn đang ở mức cao (Ảnh: V.N) |
Nhóm trường đầu vào 24-27 điểm, tỷ lệ này là 92%. Nhóm trường từ 20-24 điểm có tỷ lệ 84%. Nhóm trường từ 15,5 đến 20 điểm là 89%.
Nhìn chung, học sinh có việc làm xấp xỉ 90%. Tuy nhiên, cũng theo khảo sát, 19% sinh viên tốt nghiệp đại học làm công việc không xứng đáng.
Phó thủ tướng lưu ý hai nhóm ngành có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất là: Đào tạo khoa học giáo dục, giáo viên và Dịch vụ, chiếm 19%.
Như vậy, Chính phủ cũng hiểu được khó khăn của cử nhân sư phạm khi ra trường đối diện với mối lo lớn nhất là thất nghiệp.
Nhiều chuyên gia và các sinh viên sư phạm đặt ra câu hỏi: Tại sao với số lượng cử nhân thất nghiệp nhiều như thế nhưng các trường vẫn mở rộng đào tạo ồ ạt dẫn đến cung lớn hơn cầu? Đến khi sinh viên ra trường không xin được việc lại yêu cầu hoàn trả học phí?
|
Điều này còn ảnh hưởng đến sự lựa chọn của những thí sinh dự định thi các trường Sư phạm (Ảnh:V.N) |
Có nhiều giải pháp được đưa ra tập trung vào việc nâng cao chất lượng của ngành sư phạm như nâng mức điểm chuẩn đầu vào các trường Sư phạm hoặc giảm quy mô đào tạo thay vì ồ ạt như hiện nay.
Nhưng nếu nâng điểm đầu vào những thí sinh có học lực giỏi liệu có lựa chọn ngành sư phạm hay không?
Trong khi đó các trường lại không muốn giảm bớt quy mô đào tạo thì việc sinh viên sư phạm ra trường thất nghiệp là dễ hiểu.
Khép lại câu chuyện, bạn Luật ví von: “Người ta nói chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm. Nhưng trên chiếc sào đó phải có miếng mồi thì con chuột mới chạy vào.
Đến khi miếng mối cũng chẳng có thì con chuột thà chịu bó gối, chịu đói còn hơn”.
Vũ Ninh