LTS: Trước kỳ thi quốc gia 2019, thầy giáo Sơn Quang Huyến chỉ ra điểm yếu dễ bị kẻ xấu lợi dụng trong quá trình chấm thi và kiến nghị cách khắc phục.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Sau vụ "cướp điểm" Trung học phổ thông Quốc gia 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phần nào lấy lại niềm tin của dư luận trong kì thi 2019, qua các giải pháp đã, đang áp dụng.
Kỳ thi tuyển sinh lớp 10, kì thi cũng chẳng kém phần khóc liệt, không muốn nói là khốc liệt hơn Trung học phổ thông Quốc gia đã, đang diễn ra.
Dư luận xã hội mong, các kì thi này không xảy ra nạn “cướp điểm”.
Với chấm các môn tự luận, những bài học nhãn tiền từ Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình; giáo viên chấm thi e “khó gửi gắm”, họ đã có bài học “kẻ ăn ốc, người đổ vỏ”; nên dư luận phần nào cũng an tâm.
Mặt khác, với cách tổ chức giám khảo hai vòng, ngồi hai phòng khác nhau; chỉ gặp nhau lúc thống nhất điểm; buộc mỗi bài sẽ có hai giám khảo chấm độc lập.
|
Làm thế nào để loại bỏ tiêu cực trong thi cử? (Ảnh minh họa: Daidoanket.vn) |
Việc nâng điểm thi trên bài “bút sa, gà mất việc, tù tội”, bằng chứng khó chối cãi, chắc chỉ có những kẻ “xăm mình” mới dám làm.
Trong quy trình chấm thi, còn một “gót chân Achilles”, những người có kinh nghiệm chấm thi nhìn thấy được.
Gót chân Achilles, gót chân chấm thi nằm ở đâu?
Theo quy trình, khi bài thi tự luận được hai giám khảo thống nhất điểm; đến giai đoạn hồi phách; vào điểm. Lúc này tên họ thí sinh, đã không còn bí mật, điểm thi còn sửa được không?
Một người đọc, một người kiểm tra, một người nhập điểm vô máy; sau khi nhập xong, in ra, kiểm tra, có ký xác nhận của tổ nhập điểm, lưu máy.
Thường, khâu kiểm tra lại điểm đã nhập cũng là người đọc, người kiểm tra.
Về lý thuyết, chính xác 100%. Thực tế “sai số” có thể xảy ra, từ người đọc, người nhập.
Khó có thể khách quan hoàn toàn khi biết rõ họ tên thí sinh; nếu “bộ ba” này có ý đồ nâng điểm, hoàn toàn làm được, thích bao nhiêu thì đọc và nhập bấy nhiêu; nếu bị phát hiện, chỉ là “lỗi khách quan”.
Điểm “bị nâng” trong khâu này, chấm lại cũng khó phát hiện, hồ sơ lưu trong túi bài thi chỉ có bảng điểm của hai giám khảo; chấm trùng khớp với hai giám khảo, coi như công tác chấm thi tốt!
Làm sao khắc phục “Gót chân Achilles” trong chấm thi tự luận?
Khâu nhập điểm vào máy tính, chỉ nhập điểm cho mã phách (mã bài thi).
Người đọc, người nhập hoàn toàn không biết bài của thí sinh nào.
Cần có phần mềm nhập điểm tự luận, mã phách (mã bài thi) liên kết với phần tổng hợp điểm của thí sinh.
Bộ phận chấm thi tuyệt đối không biết tên thí sinh, kể cả sau khi chấm xong, nhập điểm. Khi đã lưu điểm mã phách (mã đề thi), không thể sửa chữa được (khóa điểm).
Sau khi kết thúc phần nhập điểm, giám khảo hồi phách; bộ phận “trung tâm” in điểm thi, kiểm tra, ký xác nhận lần cuối.
Chỉ khi này hội đồng chấm mới biết được tên, điểm của thí sinh; không có cơ hội nâng điểm.
Chấm thi, phần lớn giáo viên không muốn tham gia, thế nhưng ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết dành phần ai? Được chọn đi chấm thi cũng là vinh dự, tự hào của mỗi nhà giáo.
Kỳ thi thành công hay không, có phần đóng góp của quý thầy cô; làm đúng chức trách, nhiệm vụ; trung thực, ăn ngon ngủ yên; góp phần lấy lại niềm tin của xã hội vào giáo dục, có phần không nhỏ của các giám khảo.
Sơn Quang Huyến