Vụ chuyến bay giải cứu: Thư ký, trợ lý vì sao “vượt mặt sếp” để nhận hối lộ? Vụ chuyến bay giải cứu: Thư ký, trợ lý vì sao “vượt mặt sếp” để nhận hối lộ? , Người xứ Nghệ Kiev
Gia Bình
Đại biểu Quốc hội cho rằng thư ký, trợ lý là “chốt chặn” giúp thủ trưởng xử lý công việc. Trong vụ chuyến bay giải cứu, họ lợi dụng vị trí công tác để trục lợi. Người dân sẽ nghi ngờ và đặt vấn đề liệu số tiền nhận hối lộ trong chuyến bay giải cứu được “ăn chia”.
Trong kết luận vụ án chuyến bay giải cứu mới ban hành, nhiều bị can chịu cáo buộc nhận hối lộ dù không phải người có thẩm quyền; chỉ là thư ký, trợ lý hay chuyên viên.
Trường hợp Phạm Trung Kiên, cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, bị can này bị cáo buộc nhận hối lộ tới 42,6 tỷ đồng – gấp đôi số tiền cựu Thứ trưởng Tô Anh Dũng nhận được (21,5 tỷ đồng). Bị can Nguyễn Quang Linh, cựu Trợ lý Phó thủ tướng Thường trực nhận hối lộ hơn 4,2 tỷ đồng.
Tại Cục Xuất nhập cảnh Bộ Công an, Phó cục trưởng Trần Văn Dự nhận hối lộ 7,6 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với cấp dưới của ông ta. Như Vũ Anh Tuấn, cựu Phó phòng tham mưu, nhận hơn 27,3 tỷ; Vũ Sỹ Cường, cán bộ Phòng tham mưu nhận hơn 9,3 tỷ đồng.
Trong vụ án chuyến bay giải cứu, 21 bị can đã nhận hối lộ gần 180 tỷ đồng.
Trao đổi với Dân Việt, ĐBQH Phạm Văn Hòa (Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp) cho rằng, hoàn toàn có căn cứ "nghi ngờ" những "trợ lý, thư ký, chuyên viên" trong vụ án đã lợi dụng vai trò của thủ trưởng mình để trục lợi.
Ông phân tích, trên thực tế, mỗi khi muốn gặp gỡ lãnh đạo phải thông qua thư ký, trợ lý: "Tổ chức, cá nhân cần gặp lãnh đạo nhưng trợ lý hay thư ký làm khó, bảo nay lãnh đạo họp, mai lãnh đạo bận và "lại phải có gì". Hồ sơ muốn được đưa lên phải qua thẩm định của trợ lý, thư ký, nếu họ không trình lên, "ngâm" ở đó thôi là đã "chết rồi" và lúc đó cần bôi trơn".
"Trợ lý, thư ký là những người gần gũi với lãnh đạo và thậm chí gắn liền về mặt lợi ích với lãnh đạo. Do vậy, người dân hoàn toàn có căn cứ để nghi ngờ những người nhận tiền trong vụ chuyến bay giải cứu "ăn chia" với lãnh đạo", ĐBQH Phạm Văn Hòa nói.
Tuy vậy, theo ông Hòa, cũng có căn cứ để đồng tình với nội dung của kết luận điều tra thể hiện việc "thư ký, trợ lý "ăn hết", không chia chác với sếp" vì thủ trưởng thường rất bận, không biết, không quan tâm việc hồ sơ được duyệt ngoài lý do đúng quy định ra, còn có gì đằng sau không.
Từ vụ án chuyến bay giải cứu đặt ra vấn đề, những người giữ chức vụ cao cần lựa chọn thư ký, trợ lý sao cho trung thành với mình, có đạo đức tốt, chuyên môn giỏi. "Đương nhiên một hồ sơ, một dự án được duyệt phải qua rất nhiều khâu thẩm định của bộ phận chuyên môn, văn phòng nhưng người giúp việc cho thủ trưởng rất quan trọng", ĐB Hòa nói.
Bên cạnh đó những người giữ vai trò lãnh đạo cần có biện pháp kiểm soát hoạt động của cấp dưới, không thể tin tưởng tuyệt đối họ. "Ông ký rồi, sai ông phải chịu trách nhiệm. Nếu bảo rằng tôi bận quá, không đọc hồ sơ, không kiểm soát được nên mới ký, vậy ông đừng làm lãnh đạo nữa", ĐB Hòa cho biết.
Cũng trong vụ án chuyến bay giải cứu, nổi lên bị can Nguyễn Thị Hương Lan, cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao, bị cáo buộc nhận hối lộ 25 tỷ đồng. Tài liệu điều tra thể hiện bà này chỉ nhận tiền từ những doanh nghiệp lớn, thân cận hoặc "có mối quan hệ với lãnh đạo các cấp"; không "gặp gỡ" doanh nghiệp nhỏ.
Đại biểu Phạm Văn Hòa nhấn mạnh: "Tôi sẵn sàng chịu trách nhiệm nhưng vẫn phải nói, cơ chế xin cho ở nước ta còn phổ biến. Hiện Đảng, Nhà nước đang quyết liệt xử lý vấn đề này. Nếu không làm được thì tình trạng tham nhũng, trục lợi trong lĩnh vực công sẽ vẫn còn".