Trang chủ Liên hệ       Thứ bẩy, Ngày 20/04/2024
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
  -  Con Người Việt Nam
  -  Đất Nước Việt Nam
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Việt Nam Đất Nước Con Người >
  Hồn cốt kinh kỳ bên sông Nhuệ Hồn cốt kinh kỳ bên sông Nhuệ , Người xứ Nghệ Kiev
 

18/07/2020 06:27 | 0

(HNM) - Trải qua bao thăng trầm lịch sử, làng Cựu (xã Vân Từ, huyện Phú Xuyên, Hà Nội) nhỏ bé, hiền hòa nằm bên dòng sông Nhuệ vẫn lưu giữ những nếp nhà xưa cùng lối sống mang đậm hồn cốt kinh kỳ. Những ý tưởng bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống của làng Cựu được kỳ vọng, trong tương lai không xa sẽ giúp ngôi làng cổ này trở thành một trung tâm văn hóa sáng tạo mới ở phía Nam Thủ đô, một điểm đến hấp dẫn du khách.

“Chất Tràng An“ nơi ngoại thành

Sau hành trình 40km trong nắng nóng từ trung tâm thành phố, lúc đi qua cổng làng Cựu tôi ngỡ như lạc vào một không gian khác. Không khí mát mẻ, thanh bình với những cây xanh tỏa bóng, hoa sen đang nở rộ. Những bức tường rêu phong, những nếp nhà cổ nằm dọc con đường nhỏ, sạch sẽ, hằn in nét thời gian…

Làng Cựu khiến tôi ngạc nhiên ngay từ cái nhìn đầu tiên. Có cảm giác như ngôi làng ngoại thành này nhang nhác bóng dáng những phố cổ ở trung tâm Thủ đô. Chất “Tràng An” còn hiển hiện nơi những người dân làng chuyện trò rôm rả ở quán nước dưới gốc bàng già với những cử chỉ, ánh mắt, nụ cười thân thiện. Chiếc quạt duy nhất được người phụ nữ luống tuổi quay về hướng vị khách mới đến đang nhễ nhại mồ hôi sau quãng đường dài, làm dịu hẳn cái oi ả buổi trưa hè.

Làng Cựu, xã Vân Từ (huyện Phú Xuyên) vẫn giữ những nếp nhà xưa.

Những giọng kể nhẹ nhàng đưa tôi về quá khứ. Khoảng cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, nhiều nông dân làng Cựu lên phố làm ăn, học được nghề may Âu phục. Bàn tay tài hoa, đức tính cần cù, chịu khó đã giúp họ gây dựng cơ nghiệp, trở thành chủ những hiệu may tên tuổi ở các phố Hàng Trống, Hàng Gai, Hàng Ngang… giữa đất Hà thành. Sau khi đã khá giả, họ về quê xây dựng nhà cửa. Có người xây nhà phong cách truyền thống Việt. Có người lại chọn lối kiến trúc châu Âu. Không ít ngôi nhà kết hợp hài hòa kiến trúc Á - Âu. Những nếp nhà khang trang, tráng lệ hình thành “dãy phố biệt thự”. Con đường đất vào làng dần được thay thế bằng những khối đá xanh sạch sẽ. Nghề may Âu phục cũng được đưa về làng Cựu, giúp cuộc sống người dân nơi đây ngày một khấm khá hơn.

Trải qua hơn trăm năm với bao thăng trầm thời cuộc, nghề may dần mai một, lớp nghệ nhân xưa đã không còn nhưng làng Cựu vẫn giữ được những nếp nhà cổ - thứ tài sản vô giá, đáng tự hào của người dân nơi đây.

Bà Bùi Thị Ngà năm nay đã ngoài 80 tuổi, sinh ra và lớn lên ở làng Cựu. Bà bảo, những người làng Cựu làm ăn, sinh sống nhiều năm ở chốn kinh kỳ đã đưa về làng “lời ăn tiếng nói”, lối sinh hoạt, lễ giáo… của đất nghìn năm văn hiến. “Nhiều người rời làng đi tìm sinh kế mới. Nhưng nét văn hóa Tràng An vẫn không thay đổi nhiều. Dân làng Cựu sống chân tình, cởi mở mà rất khuôn phép, khéo léo. Dù cuộc sống khó khăn nhưng họ luôn ứng xử thanh lịch”, bà Ngà chia sẻ.

Tôi tìm gặp Trưởng thôn Cựu Nguyễn Quang Huy. Công việc của một người thợ cơ khí vốn bận rộn nhưng anh vẫn nhiệt tình đón tiếp. Anh Huy cho biết, làng Cựu bây giờ còn gần 50 ngôi nhà tuổi đời hơn 100 năm nhưng vẫn giữ được nguyên vẹn kiến trúc. Hiện, nhiều ngôi nhà thường xuyên “cửa đóng then cài” vì chủ nhà sinh sống ở nội thành, thi thoảng mới về làng. Ngày thường, khá nhiều du khách, nhà nghiên cứu, sinh viên, học sinh về thăm làng để chụp ảnh, tìm hiểu, trải nghiệm cuộc sống ở ngôi làng cổ đậm nét kinh kỳ này. 

Một làng Cựu cũ mà mới

Trong những ngôi nhà mà anh Huy dẫn tôi đi xem, có lẽ ấn tượng nhất là nhà ông Nguyễn Thiện Tứ. Thiết kế theo phong cách thuần Việt, tuổi đời hơn 120 năm nhưng đến giờ ngôi nhà vẫn vẹn nguyên hình hài, từ hệ thống cột, kèo, mái ngói, tường gạch xây bằng vôi, cát trộn mật mía đến những phiến đá xanh kê cột. Tất nhiên, đồ thờ cúng cũng được gia chủ gìn giữ. Ông Tứ cho biết, ngày xưa gia đình thuộc dạng “có của ăn của để” nên khi xây nhà các cụ đặt mua những bè gỗ lim từ Thanh Hóa vận chuyển bằng đường thủy về làng. Đá xanh chuyển từ Hà Nam, Ninh Bình lên. Các cụ còn thuê thợ giỏi các nơi về chạm trổ hình thú, hoa lá... Vậy nhưng, ông Tứ vẫn trăn trở: "Trải qua bao thời gian, mưa nắng, nhà đã xuống cấp, gia đình tôi nhiều lần định sửa chữa nhưng chưa đủ kinh phí, phần vì băn khoăn cải tạo thế nào mà vẫn giữ được kiến trúc nguyên bản của ngôi nhà?".

Câu hỏi của ông Tứ cũng là sự trăn trở của nhiều người dân làng Cựu. Anh Huy cho hay, không ít ngôi nhà hiện đã xuống cấp trầm trọng. Có những ngôi nhà khi sửa chữa đã mất hẳn “chất cổ”. Thậm chí, nhiều nhà bị phá dỡ, thay thế bằng một cơ ngơi mới, tiện nghi nhưng “lạc lõng” với cảnh quan xung quanh khiến bao người ngậm ngùi, tiếc nuối. “Chúng tôi rất cần sự vào cuộc của các cấp, ngành để có thể bảo tồn những ngôi nhà cổ là những di sản văn hóa được trao truyền qua nhiều thế hệ. Nếu bảo tồn được, làng Cựu chắc chắn sẽ trở thành điểm du lịch hấp dẫn, tạo thêm sinh kế cho người dân địa phương”, Trưởng thôn Nguyễn Quang Huy bộc bạch.

Về vấn đề này, Chủ tịch UBND xã Vân Từ Nguyễn Ngọc Dương thông tin, chính quyền địa phương đã phối hợp với nhóm nghiên cứu Khoa Kiến trúc - Quy hoạch (Trường Đại học Xây dựng Hà Nội) lập Dự án bảo tồn và phát triển làng Cựu. Dự án sẽ là cơ sở để kêu gọi đầu tư kinh phí nhằm bảo tồn, phát huy giá trị của các công trình kiến trúc cổ, xây dựng hạ tầng giao thông thuận tiện cho việc đi lại của du khách… Đáng chú ý, đầu năm nay, nhóm nghiên cứu Khoa Kiến trúc - Quy hoạch đã phối hợp với Công ty Desk Italia tổ chức buổi giới thiệu Đề án khôi phục làng Cựu với sự tham gia của đại diện các hiệp hội, viện nghiên cứu du lịch, làng nghề cùng các nghệ sĩ, họa sĩ hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật cộng đồng…

Tiến sĩ Lê Quỳnh Chi, giảng viên Khoa Kiến trúc - Quy hoạch, người đặt nền móng cho Dự án bảo tồn và phát triển làng Cựu, chia sẻ: “Làng Cựu hiện tại giống một chiếc điện thoại đẹp nhưng không có ứng dụng để vận hành. Chúng tôi sẽ cùng nhau tạo ra những ứng dụng đó. Phương châm vẫn là bảo tồn phải đi kèm phát triển kinh tế để tạo sự bền vững. Hiện tại, chúng tôi đang đề xuất mô hình biến làng Cựu trở thành trung tâm văn hóa sáng tạo mới của tiểu vùng văn hóa phía Nam Hà Nội, quy tụ các nghệ nhân giỏi ở “đất trăm nghề” Phú Xuyên. Việc khôi phục, phát triển nghề may vốn đã mai một tại đây cũng rất quan trọng. Mục tiêu là tạo ra thương hiệu làng Cựu, sản phẩm từ làng Cựu, do người làng Cựu làm ra. Chúng tôi sẽ làm hết sức có thể để dự án sớm được triển khai, mang đến một làng Cựu cũ mà mới. Cũ với những đường nét kiến trúc được bảo tồn, gìn giữ, mới với những chương trình du lịch hấp dẫn”.

Tôi chia tay làng Cựu khi hoàng hôn đã nhuộm vàng những bức tường rêu phong, mái ngói in hằn màu thời gian. Trong ánh sáng cuối ngày, làng Cựu - “phố cổ thu nhỏ” càng thêm trầm mặc, cổ kính. Hy vọng một ngày “gần thôi” - như lời Tiến sĩ Lê Quỳnh Chi, những ngôi nhà cổ sẽ được cải tạo nhưng vẫn giữ được kiến trúc nguyên bản nói riêng và làng Cựu nói chung trở thành một điểm đến thu hút du khách.

 

Hoàng Đức Nhã

Nguồn hanoimoi.com.vn

http://nhipsonghanoi.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Xua-va-nay/823035/hon-cot-kinh-ky-ben-song-nhue



  Các Tin khác
  + Khám phá 22 hang động kỳ vĩ mới được phát hiện tại Quảng Bình (19/04/2024)
  + 18 đời vua Hùng gồm những ai? Tên gọi chính xác của các vị vua là gì? (17/04/2024)
  + Ảnh ấn tượng về các lực lượng tham gia diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (05/04/2024)
  + 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ Đại tướng Phan Văn Giang: Vũ khí cá nhân mới của quân đội tốt hơn AK47 (05/04/2024)
  + Chiêm ngưỡng sắc đỏ của cây hoa gạo trăm tuổi "đẹp nhất" Ninh Bình (03/04/2024)
  + Hoa gạo rực đỏ bên ngôi chùa cổ kính nghìn năm tuổi ở Hà Nội (23/03/2024)
  + Những bông hoa y tế vùng cao và chuyện băng rừng trong đêm đi đỡ đẻ (06/03/2024)
  + Kỷ niệm 80 ngày thành lập QĐNDVN: Sẽ tổ chức Triển lãm Quốc phòng quốc tế và mít tinh cấp Nhà nước (26/01/2024)
  + MŨI NÉ VÀO TOP ĐIỂM BAY KHINH KHÍ CẦU ĐẸP NHẤT THẾ GIỚI (02/04/2023)
  + Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: (12/03/2023)
  + Hàng nghìn người khai hội gò Đống Đa xuân Quý Mão (26/01/2023)
  + Hiệp định Paris - thành quả đấu tranh kiên cường, bất khuất và hy sinh to lớn của quân dân Việt Nam (17/01/2023)
  + Cánh đồng Tà Pạ đẹp lạ như phim, dân mạng đang “phát sốt” tìm xem ở tỉnh nào của miền Tây (23/12/2022)
  + Mây tràn khắp lối, du khách ùn ùn kéo tới Sa Pa check-in khung cảnh bồng bềnh (06/12/2022)
  + Ly kỳ 2 quả núi cùng tên “kẹp” một dòng sông (26/11/2022)
  + Độc đáo bức tường bằng đá ong hàng trăm năm tuổi ở làng cổ Yên Trường (26/11/2022)
  + Cuộc đời cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt qua ảnh (21/11/2022)
  + ĐỘC ĐÁO LỄ HỘI ĐUA THUYỀN ĐỘC MỘC TRÊN SÔNG PÔ KÔ (11/11/2022)
  + NGHỆ NHÂN LÝ THỊ NHIỄN TÂM HUYẾT GÌN GIỮ VĂN HÓA DÂN TỘC CHÂU RO (10/11/2022)
  + “SỨ MÓNG CÁI, VẠI HƯƠNG CANH” (08/11/2022)
Playlist

GIỚI THIỆU
 

Kính thưa quý độc giả 

Website nguoixunghekiev.vn

hoạt động chính thức từ tháng

10/2012. và  phi lợi nhuận.

Trang tin đăng tải tin tức 

của cộng đồng người Việt tại Kiev

và toàn Ucraina, đồng thời lấy tin 

từ các trang báo mạng khác trên

nguyên tắc trích dẫn nguyên bản 

đường nguồn chính. Là những

người làm báo không chuyên nên

chắc chắn sẽ gặp sai sót không

mong muốn, chúng tôi sẽ tiếp thu 

chân thành những góp ý xây dựng 

của quý độc giả để cho trang tin 

ngày càng hoàn thiện hơn, xin gửi

về mục liên hệ trên mặt báo hoặc

Email: hosytruc@gmail.com

ĐT: 093-712-24-57

093-973-97-39

Xin trân trọng cảm ơn.

Biên tập: Hồ Sỹ Trúc

 

 

 
 
 

 

 


QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 4
Total: 60221608

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July