Lương y Nguyễn Đức Nghĩa.
Sự thiếu hiểu biết đó, như các chuyên gia cảnh báo, chính là ẩn họa khôn lường cho sức khỏe. Sự việc đáng tiếc vừa xảy ra với một gia đình 4 người tại Thanh Hóa, chính là lời cảnh tỉnh dành cho các bà nội trợ.
Món “cải thiện” nguy hiểm
Gia đình ông Vi Văn Thắng (45 tuổi) và bà Hà Thị Tín (43 tuổi, trú tại xã miền núi Xuân Hòa, huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa) không lạ lẫm gì với cây hoa cà độc. Ở vùng núi này, hoa cà độc mọc hoang khắp nơi. Trưa 17/3, trên đường đi làm rẫy trở về, bà Tín tiện tay hái một giỏ lớn hoa cà gai leo mọc hoang. Tối hôm ấy, bữa cơm gia đình có thêm món lạ “cải thiện”. Được nêm nếm gia vị vừa đủ, bát canh cà gai leo nóng hổi, thơm phức nhanh chóng hết veo. Thế nhưng khi cả gia đình vừa rời mâm cơm thì triệu chứng buồn nôn, khó chịu, khó thở, nôn mửa đã xuất hiện. Cũng may thời điểm xảy ra vụ ngộ độc tại nhà bà Tín, một người hàng xóm tình cờ đi qua phát hiện. Ngay lập tức, các nạn nhân được chuyển đến Trạm xá xã cấp cứu rồi đưa thẳng xuống Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa điều trị.
Cái giá cho sự thiếu hiểu biết quá đắt. Thời điểm chúng tôi có mặt tại bệnh viện, 3 người lớn (ăn nhiều canh hoa cà gai leo nhất – PV) vẫn đang trong tình trạng ngộ độc nặng dẫn đến hôn mê sâu. Cháu gái 2 tuổi không ăn bát canh, song chỉ bú mẹ cũng bị ảnh hưởng. Rất may là theo các bác sĩ, nhờ được phát hiện kịp thời, tình trạng sức khỏe của các nạn nhân đã qua cơn nguy hiểm.
Nói thêm về vụ ngộ độc đáng tiếc này, ông Lương Hồng Hà (Phó chủ tịch UBND xã Xuân Hòa) cảnh báo: “Chuyện của gia đình bà Tín chính là tiếng chuông cảnh báo cho thói quen sử dụng thực phẩm, hoa trái thiếu hiểu biết của một bộ phận bà con. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tích cực tuyên truyền, phổ biến kiến thức cho bà con nhận diện một số loại cây, hoa trái độc trên địa bàn. Tránh nguy cơ vụ việc tương tự lặp lại”.
Sự nguy hiểm khi dùng cây, hoa độc làm thức ăn
Cây hoa cà độc là một vị dược liệu quý trong Đông y. Nhưng do trong cây hoa cà độc chữa nhiều chất ancaloit (hàm lượng toàn phần 0,2-0,5%), việc sử dụng điều trị bệnh cũng phải tuân thủ chặt chẽ chỉ dẫn của thầy thuốc. Lý do là bởi chất ancaloit khi vào cơ thể với hàm lượng lớn thường gây giãn phế quản, giãn đồng tử, giảm nhu động ruột và bao tử, làm khô nước bọt, dịch vị, mồ hôi.
Tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP. HCM), các bác sĩ cũng từng tiếp nhận một số ca cấp cứu do uống nước... trà từ cây hoa cà độc. Trong đó, không ít bệnh nhân đã phải chịu di chứng sức khỏe nặng nề, do quá trình ngộ độc không được phát hiện, cứu chữa kịp thời. Theo lương y Nguyễn Đức Nghĩa (Hội viên Hội Đông y Việt Nam), hoa cà độc có vị cay, tính ôn, có độc, có tác dụng ngừa suyễn, giảm ho, chống đau, chống co giật, phong thấp đau nhức. Lá là vị thuốc ngừa cơn hen, giảm đau bao tử, chống say tàu xe. Ngoài ra còn điều trị phong tê thấp, đau dây thần kinh tọa, đau răng... Người ta thường dùng lá cuộn thành điếu hay thái nhỏ vấn thành điếu thuốc để hút (chữa ho, hen suyễn), dùng lá hơ nóng đắp điều trị đau nhức, tê thấp, hoặc phơi khô tán bột mịn.
Vì cây có độc tính cao nên chỉ dùng theo sự hướng dẫn của thầy thuốc. Khi bị ngộ độc, nạn nhân có hiện tượng giãn đồng tử, mờ mắt, tim đập nhanh, giãn phế quản, môi miệng khô, khô cổ đến mức không nuốt và không nói được. Chất độc tác động vào hệ thần kinh trung ương, có thể gây tử vong do hôn mê. Với đặc tính như vậy thì có thể thấy, dùng hoa cà độc làm thuốc đã phải rất cẩn trọng. Vậy thì, biến độc dược này thành thực phẩm chắc chắn sẽ dẫn đến hậu quả khôn lường. Nói thêm về sự việc, PGS.TS Nguyễn Thị Lâm cảnh báo: “Vụ ngộ độc hoa cà độc nói trên thực sự là một tiếng chuông cảnh tỉnh. Hiện tại, một bộ phận không nhỏ người dân vẫn duy trì thói quen tiêu dùng thực phẩm mà không quan tâm đến hậu quả có thể phải gánh chịu”.
Bà Lâm cũng lấy ví dụ, không chỉ hoa cà độc, các bệnh viện từng chứng kiến không ít người nhập viện do nuốt mật cá trắm đen, mật cá mè. Nhiều bà mẹ vì muốn bồi dưỡng cho con đã mua cóc về làm ruốc bông (hoặc thuê người bán hàng chế biến thủ công – PV). Kết quả, chất độc chưa được làm sạch từ các bộ phận trong cơ thể cóc lưu lại đã khiến trẻ ngộ độc. “Hãy sử dụng thực phẩm, rau xanh, trái cây có nguồn gốc, kiểm định để bảo vệ sức khỏe gia đình. Đừng dại dột đưa các loại thực phẩm lạ, có đặc tính không nằm trong tầm hiểu biết của mình vào cơ thể. Đó chính là cách tốt nhất giúp gia đình bạn tránh khỏi nguy cơ sức khỏe đáng tiếc”, bà Lâm nói.
Xử trí khi ngộ độc thực phẩm
Hầu hết triệu chứng ngộ độc thường có các triệu chứng đặc trưng như: buồn nôn và nôn, đau bụng, tiêu chảy (phân, nước tiểu có thể có máu), có thể sốt hay không sốt (gặp khi nhiễm độc nhiễm khuẩn thức ăn, nhiễm hoá chất bảo vệ thực vật tồn dư trong thức ăn). Trước hết nếu đang ăn, phải ngừng ăn, nếu bệnh nhân tỉnh táo cần nhanh chóng gây nôn để loại bỏ hết thức ăn độc ra ngoài. Đối với trường hợp có biểu hiện co giật, rối loạn ý thức cũng như các trường hợp phát hiện các triệu chứng khác lạ hay nặng cần chuyển bệnh nhân đến cơ sở càng sớm càng tốt.
Lan Anh/Báo Gia đình & Xã hội
Nguồn giadinh.net.vn
http://giadinh.net.vn/song-khoe/nguy-hiem-chet-nguoi-khi-dung-cay-hoa-doc-lam-thuc-an-20160401221233881.htm