Trang chủ Liên hệ       Thứ sáu, Ngày 26/04/2024
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Sức khỏe & Đời sống >
  Vì sao Việt Nam không có ca tử vong do Covid-19? Vì sao Việt Nam không có ca tử vong do Covid-19? , Người xứ Nghệ Kiev
 

30/05/2020

 

(HNMO) - Trang tin CNN của Mỹ ngày 30-5 đã đăng tải bài viết của tác giả Nectar Gan đánh giá về thành công của Việt Nam trong việc khống chế đại dịch Covid-19. Báo Hànộimới điện tử xin giới thiệu cùng bạn đọc bài viết này.

Cuộc sống người dân Việt Nam đang dần trở lại bình thường. Ảnh: Getty Images

Khi thế giới nhìn vào những hình mẫu thành công trong ứng phó với đại dịch Covid-19 ở châu Á, nhiều người quan tâm và dành sự ngợi khen cho Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) và Hong Kong (Trung Quốc). Tuy nhiên, vẫn còn một quốc gia đạt được nhiều thành công khác, đó là Việt Nam.

Việt Nam với dân số 97 triệu người đến thời điểm này vẫn chưa có bất kỳ ca tử vong nào do Covid-19, dù có đường biên giới dài với Trung Quốc và đón hàng triệu lượt du khách đến từ quốc gia tỷ dân. Tính đến ngày 30-5, Việt Nam mới chỉ ghi nhận 328 trường hợp nhiễm bệnh, thấp hơn nhiều so với các quốc gia cùng khu vực.

Đây là điều đáng kinh ngạc dù Việt Nam là quốc gia có mức thu nhập trung bình thấp và sở hữu hệ thống y tế còn hạn chế. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam có 8 bác sĩ trên mỗi 10.000 dân, chỉ bằng 1/3 so với Hàn Quốc.

Sau 3 tuần áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt trên phạm vi toàn quốc, Việt Nam đã dỡ bỏ các biện pháp hạn chế này vào cuối tháng 4 vừa qua và không ghi nhận thêm trường hợp lây nhiễm nào trong cộng đồng trong hơn 40 ngày. Cùng với đó, các doanh nghiệp và trường học đã mở cửa trở lại, trong khi các hoạt động thường nhật dần trở lại bình thường.

Trước hoài nghi về những số liệu chính thức đầy khó tin của Việt Nam, bác sĩ bệnh truyền nhiễm Guy Thwaites, người làm việc tại một trong những bệnh viện điều trị cho bệnh nhân Covid-19 được chỉ định bởi Chính phủ Việt Nam, cho biết, các con số phù hợp với tình hình thực tế.

“Tôi đến các khu khám bệnh mỗi ngày, biết về những trường hợp nhiễm bệnh và không thấy ca tử vong nào. Nếu có những ca lây nhiễm cộng đồng không được báo cáo hoặc không được kiểm soát, chúng ta sẽ thấy những ca này tại bệnh viện. Điều này chưa từng xảy ra”, bác sĩ Guy Thwaites cho biết.

Làm thế nào mà Việt Nam dường như đi ngược với tình hình dịch bệnh toàn cầu và gần như đã giành chiến thắng? Câu trả lời, theo các chuyên gia y tế cộng đồng, đó là nhờ vào sự kết hợp của nhiều yếu tố, từ hành động nhanh chóng và kịp thời của chính phủ trong ngăn chặn sự bùng phát, truy vết và kiểm dịch nghiêm ngặt, cho tới những nỗ lực tuyên truyền đầy hiệu quả.

Hành động từ sớm

 Việt Nam cách ly từ sớm những trường hợp nghi nhiễm tại các địa điểm do Chính phủ chỉ định. Ảnh: Getty Images

Việt Nam bắt đầu chuẩn bị ứng phó với dịch bệnh từ nhiều tuần trước khi chính thức phát hiện ca nhiễm đầu tiên. Vào thời điểm Trung Quốc và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) duy trì quan điểm không có bằng chứng rõ ràng về sự lây nhiễm từ người sang người, Việt Nam đã chủ động đối phó với mọi nguy cơ.

“Chúng tôi không chỉ chờ các hướng dẫn từ WHO mà đã sử dụng dữ liệu thu được từ bên ngoài cũng như trong nước và quyết định hành động sớm", bác sĩ Phạm Quang Thái, Phó Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, cho biết.

Ngay từ đầu tháng 1-2020, Việt Nam đã thực hiện biện pháp quét thân nhiệt đối với các du khách đến từ Vũ Hán tại sân bay quốc tế Nội Bài ở Hà Nội. Những trường hợp có triệu chứng sốt đều được cách ly và giám sát chặt chẽ.

Đến giữa tháng 1, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã yêu cầu các cơ quan chính phủ thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt nhằm ngăn dịch bệnh lây lan vào Việt Nam, tăng cường cách ly y tế ngay tại các cửa khẩu biên giới, sân bay và bến cảng.

Ngày 23-1, Việt Nam chính thức ghi nhận những ca nhiễm Covid-19 đầu tiên với 2 công dân Trung Quốc tại Việt Nam, trong đó 1 người đến từ thành phố Vũ Hán. Chỉ 1 ngày sau đó, Việt Nam đã hủy toàn bộ chuyến bay đi và đến từ Vũ Hán.

Khi đất nước bước vào kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tuyên bố cuộc chiến chống Covid-19. “Chống dịch như chống giặc”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên họp ngày 27-1. Ba ngày sau đó, Việt Nam thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, trùng với thời điểm WHO công bố tình trạng y tế khẩn cấp quốc tế.

Ngày 1-2, Việt Nam ban bố tình trạng dịch bệnh toàn quốc dù mới chỉ phát hiện 6 ca nhiễm. Tất cả chuyến bay giữa Việt Nam và Trung Quốc đều bị hủy, trong khi việc cấp thị thực cho công dân Trung Quốc cũng bị ngừng chỉ sau đó 1 ngày.

Cũng trong tháng 2, Việt Nam tiếp tục mở rộng các biện pháp kiểm soát du lịch, cách ly người nhập cảnh và ngừng cấp thị thực khi dịch bệnh bắt đầu lan rộng ngoài phạm vi Trung Quốc. Đến cuối tháng 3, Việt Nam đã đóng cửa biên giới với toàn bộ người nước ngoài.

Việt Nam cũng nhanh chóng thực hiện các biện pháp phong tỏa chủ động. Ngày 12-2, Việt Nam phong tỏa toàn bộ xã Sơn Lôi (huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc) với hơn 10.000 dân trong 20 ngày sau khi phát hiện 7 ca nhiễm. Đây cũng là lệnh phong tỏa quy mô lớn đầu tiên được tiến hành bên ngoài Trung Quốc. Các trường học dự kiến mở cửa trở lại vào tháng 2 sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán cũng được yêu cầu tiếp tục đóng cửa và khôi phục hoạt động vào tháng 5.

Theo bác sĩ Guy Thwaites, phản ứng nhanh chóng là nguyên nhân chính đằng sau sự thành công của Việt Nam. “Những hành động vào cuối tháng 1 và đầu tháng 2 đã vượt lên trước nhiều quốc gia khác. Chúng có tác dụng vô cùng hữu ích, giúp Việt Nam kiểm soát được tình hình", bác sĩ Guy Thwaites nói.

Truy vết trường hợp tiếp xúc người bệnh

 Nhân viên y tế thực hiện xét nghiệm cho người dân. Ảnh: Getty Images

Những hành động sớm đầy quyết liệt đã giúp ngăn chặn hiệu quả sự lây lan trong cộng đồng và giữ số ca nhiễm bệnh tại Việt Nam ở con số 16 tính đến ngày 13-2. Trong 3 tuần tiếp theo, Việt Nam không phát hiện thêm ca nhiễm mới cho tới khi xuất hiện làn sóng dịch bệnh thứ 2 trong tháng 3, với các ca nhiễm là người Việt Nam trở về từ nước ngoài.

Nhà chức trách đã ngay lập tức truy tìm những trường hợp tiếp xúc với người nhiễm bệnh và tiến hành cách ly bắt buộc trong thời gian 14 ngày.

Mỗi bệnh nhân được xác nhận nhiễm vi rút SARS-CoV-2 phải cung cấp danh sách người tiếp xúc trong vòng 14 ngày trước đó cho giới chức y tế. Các thông báo cũng được đăng tải rộng rãi trên báo chí và truyền hình để cảnh báo người dân về thời gian và lịch trình di chuyển của bệnh nhân, đồng thời kêu gọi người dân thực hiện xét nghiệm nếu có mặt tại thời điểm hoặc địa điểm đó.

Khi Bệnh viện Bạch Mai ở Hà Nội, một trong những bệnh viện lớn nhất Việt Nam, trở thành điểm nóng dịch bệnh với hàng chục ca lây nhiễm trong tháng 3, Việt Nam đã phong tỏa khu vực này và truy tìm gần 100.000 người có liên quan tới bệnh viện, bao gồm y, bác sĩ, bệnh nhân, người viếng thăm và những trường hợp tiếp xúc gần.

“Bằng cách truy vết người tiếp xúc, chúng tôi đã xác định được hầu hết những người liên quan và yêu cầu họ tự cách ly tại nhà. Nếu có bất kỳ triệu chứng nào, họ có thể đến các trung tâm y tế để xét nghiệm miễn phí”, bác sĩ Phạm Quang Thái nói.

Việt Nam tiến hành hết sức tỉ mỉ việc truy vết những trường hợp tiếp xúc với người nhiễm bệnh, từ những ca tiếp xúc trực tiếp, cho đến những người tiếp xúc gián tiếp. “Đó là một trong những điều khác biệt trong cách Việt Nam phản ứng với dịch bệnh. Tôi không nghĩ có bất cứ quốc gia nào khác tiến hành cách ly với mức độ như vậy”, bác sĩ Guy Thwaites nói.

Tất cả những trường hợp tiếp xúc trực tiếp đều buộc phải cách ly tại các trung tâm y tế, khách sạn hoặc doanh trại quân đội do Chính phủ quản lý. Một số ca tiếp xúc gián tiếp được yêu cầu tự cách ly tại nhà. Theo một nghiên cứu của 20 chuyên gia y tế cộng đồng tại Việt Nam đến ngày 1-5, khoảng 70.000 người đã được cách ly tại các cơ sở của Chính phủ và khoảng 140.000 trường hợp khác tự cách ly tại nhà hoặc khách sạn.

Nghiên cứu cũng cho thấy, trong 270 bệnh nhân đầu tiên nhiễm Covid-19 tại Việt Nam, chỉ 43% tổng số ca xuất hiện triệu chứng. Điều này cho thấy hiệu quả của biện pháp truy vết và cách ly nghiêm ngặt. Nếu không chủ động tìm kiếm những người có nguy cơ lây nhiễm, dịch bệnh có thể đã âm thầm lây lan trong cộng đồng từ nhiều ngày trước khi được phát hiện.

Hiệu quả tuyên truyền

 Áp phích tuyên truyền về đại dịch Covid-19 trên đường phố Việt Nam. Ảnh: Getty Images

Ngay từ đầu, Chính phủ Việt Nam đã cung cấp những thông tin minh bạch với người dân về dịch bệnh. Các trang web, đường dây nóng và ứng dụng điện thoại đã được thiết lập để cập nhật những diễn biến mới nhất về tình hình dịch bệnh và khuyến cáo y tế tới người dân. Bộ Y tế cũng thường xuyên gửi khuyến cáo qua các tin nhắn điện thoại.

Bác sĩ Phạm Quang Thái cho biết, vào những ngày cao điểm, đường dây nóng quốc gia có thể nhận 20.000 cuộc gọi, chưa tính đến hàng trăm cuộc gọi khác đến đường dây nóng các tỉnh, thành phố.

Bộ máy tuyên truyền quy mô lớn của Việt Nam cũng được huy động nhằm nâng cao nhận thức về dịch bệnh thông qua hệ thống loa phường, áp phích trên đường phố, báo chí và mạng xã hội. Hồi cuối tháng 2, Bộ Y tế đã công bố một video âm nhạc dựa trên một bài hát được yêu thích tại Việt Nam để hướng dẫn người dân cách rửa tay và các biện pháp vệ sinh khác. Bài hát ngay lập tức trở thành hiện tượng và thu hút hơn 48 triệu lượt xem trên Youtube.

Bác sĩ Guy Thwaites cho biết, kinh nghiệm phong phú của Việt Nam trong đối phó với sự bùng phát của bệnh truyền nhiễm như đại dịch SARS năm 2002-2003 và sau đó là cúm gia cầm đã giúp Chính phủ và người dân chuẩn bị tốt hơn để đối phó với đại dịch Covid-19.

“Người dân Việt Nam cảnh giác hơn nhiều so với các quốc gia phát triển hoặc những quốc gia ít khi đối mặt với bệnh truyền nhiễm. Việt Nam hiểu những điều như vậy cần được nhìn nhận nghiêm túc và tuân thủ hướng dẫn của Chính phủ về cách phòng, chống dịch bệnh lây lan", bác sĩ Guy Thwaites nói.


Nguồn hanoimoi.com.vn

http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Suc-khoe/968791/vi-sao-viet-nam-khong-co-ca-tu-vong-do-covid-19



  Các Tin khác
  + Đi bộ sau bữa ăn có tốt không? (19/04/2024)
  + 8 loại trái cây tốt cho người bị tiểu đường (19/04/2024)
  + 3 loại cây này đặt trong nhà bếp, vừa hút khói dầu, khử khí độc, vừa kích hoạt tài lộc, mang may mắn đến (19/04/2024)
  + Trồng 6 cây gia vị này trong nhà vừa có rau ăn, vừa đuổi muỗi hiệu quả, thư giãn, giảm căng thẳng (19/04/2024)
  + 5 loại lá trong vườn, có thể ăn sống, lại có nhiều lợi ích cho sức khỏe (19/04/2024)
  + Cách ngâm nước dâu tằm không lo mốc hỏng hay nổi váng, chỉ 5 phút là có cốc nước chua chua ngọt ngọt (10/04/2024)
  + Nước ép hoa quả và 6 điều kiêng kỵ không nên làm (10/04/2024)
  + Muỗi sợ nhất thứ này, lấy nó cắm vào quả chanh rồi để trong phòng là muỗi chạy sạch (07/04/2024)
  + Loại lá là ẩm thực núi rừng, nay lên phố thành đặc sản bán với giá 180.000 đồng/kg (04/04/2024)
  + Loại quả ‘cháy hàng’ mùa hè, chị em thành phố săn lùng với giá 70.000 đồng/kg (04/04/2024)
  + 5 loại cá ngọt thịt, ít xương: Bảo bối cho bữa cơm gia đình (30/03/2024)
  + Sáng dậy uống cốc nước này còn hơn nhân sâm tổ yến, là "thần dược" kiểm soát mỡ máu, huyết áp, lại cực rẻ (30/03/2024)
  + 3 loại rau giàu Protein hơn thịt, nhiều canxi gấp 2 lần xương: Không bị nuôi hóa chất, bổ như nhân sâm, tổ yến (30/03/2024)
  + Trong máy giặt có "chiếc hộp nhỏ" công dụng vô cùng lợi hại: Không biết dùng quá phí (29/03/2024)
  + Loại trái cây ngon ngọt giúp kiểm soát đường huyết, đẩy lùi ung thư, giá chỉ vài chục nghìn đồng (23/03/2024)
  + Nước luộc rau muống chuyển màu xanh đậm có phải rau nhiễm chì không? (23/03/2024)
  + Hoa chuối có nhiều công dụng bất ngờ với sức khỏe mà cả nam nữ đều cần nhưng nhiều người chưa biết dùng (23/03/2024)
  + Chảo mất hết lớp chống dính đừng vứt đi: Nhỏ vài giọt này vào, chảo phục hồi như mới, không còn lo dính (23/03/2024)
  + Rã đông thịt đừng ngâm nước: Đầu bếp khách sạn mách mẹo nhỏ rã đông sau 5 phút và trông như thịt mới mua (23/03/2024)
  + 4 loại dầu ăn không tốt cho sức khỏe nên hạn chế (12/03/2024)
Playlist

GIỚI THIỆU
 

Kính thưa quý độc giả 

Website nguoixunghekiev.vn

hoạt động chính thức từ tháng

10/2012. và  phi lợi nhuận.

Trang tin đăng tải tin tức 

của cộng đồng người Việt tại Kiev

và toàn Ucraina, đồng thời lấy tin 

từ các trang báo mạng khác trên

nguyên tắc trích dẫn nguyên bản 

đường nguồn chính. Là những

người làm báo không chuyên nên

chắc chắn sẽ gặp sai sót không

mong muốn, chúng tôi sẽ tiếp thu 

chân thành những góp ý xây dựng 

của quý độc giả để cho trang tin 

ngày càng hoàn thiện hơn, xin gửi

về mục liên hệ trên mặt báo hoặc

Email: hosytruc@gmail.com

ĐT: 093-712-24-57

093-973-97-39

Xin trân trọng cảm ơn.

Biên tập: Hồ Sỹ Trúc

 

 

 
 
 

 

 


QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 1
Total: 60390809

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July