Nhân dịp Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước CH XHCN Việt Nam Hồ Đắc Minh Nguyệt có chuyến công tác tại Kharkov trong các ngày 7 và 8 tháng 9, phóng viên báo điện tử “Người Việt Kharkov” đã đề nghị Đại sứ trả lời phỏng vấn và được Đại sứ vui vẻ nhận lời. Dưới đây là toàn văn cuộc phỏng vấn.
ĐS Hồ Đắc Minh Nguyệt tại Lễ kỷ niệm 67 năm Quốc khánh
nước CH XHCN Việt Nam. Kiev, ngày 5/9/2012.
- PV: Trước hết, xin cám ơn Đại sứ đã dành thời gian cho báo chí cộng đồng. Đề nghị Đại sứ cho độc giả biết đôi điều về các hoạt động đối ngoại của đoàn công tác Đại sứ quán tại Kharkov.
- Đại sứ Hồ Đắc Minh Nguyệt (ĐS HĐMN): Hoạt động chính của đoàn công tác Đại sứ quán tại Kharkov là tham gia Diễn đàn Kinh tế Quốc tế mang chủ đề “Đổi mới công nghệ - Đầu tư - Sáng kiến Kharkov”, theo lời mời của Chủ tịch chính quyền nhà nước Ucraina tại tỉnh Kharkov Mikhail Dobkin. Diễn đàn có sự tham gia của lãnh đạo nhiều bộ, ngành trung ương, như: Phó thủ tướng - Bộ trưởng Bộ chính sách xã hội Ucraina Sergei Tigipko, Chủ tịch Liên đoàn các nhà cung cấp việc làm Ucraina Dmitry Firtash, Chủ tịch Cơ quan quản lý dự án và đầu tư quốc gia Vladislav Kaskiv, Chủ tịch danh dự Tập đoàn AVEC - Chủ nhiệm Tiểu ban Quốc hội Ucraina về các vấn đề đảm bảo quyền và tự do của con người Alexandr Feldman…, cùng lãnh đạo các tổ chức, cơ quan hữu quan và rất nhiều doanh nghiệp lớn. Điển hình như Công ty Mỹ “Shell Ukraine Exploration and ProductionLLC” - doanh nghiệp đang có các dự án hợp tác với Kharkov trong lĩnh vực thăm dò và khai thác khí đốt, nhằm đảm bảo về khí đốt cho Ucraina. Về phía các cơ quan đại diện ngoại giao, có Đại sứ Việt Nam, Đại sứ Iraq, Phó đại sứ Belarus, Tổng lãnh sự Ba Lan, Tổng lãnh sự Nga, Lãnh sự danh dự Israel ở Kharkov và Phó tỉnh trưởng một tỉnh của Iraq kết nghĩa với tỉnh Kharkov. Phải nói rằng Diễn đàn đã được tổ chức thành công, đặc biệt là trong bối cảnh Ucraina vẫn còn có nhiều khó khăn, trong đó có cả những sức ép về ngoại giao từ bên ngoài.
- PV: Được biết Đại sứ đã được mời phát biểu tại Diễn đàn. Vậy Đại sứ có thể cho biết đôi chút về bài phát biểu của mình?
- ĐS HĐMN: Trong số các đoàn nước ngoài dự Diễn đàn, đoàn Việt Nam là hùng hậu nhất, gồm Đại sứ dẫn đầu, thành phần đoàn gồm Tham tán thương mại Nguyễn Quốc Thành, hai Bí thư thứ nhất Nguyễn Quang Lâm và Lê Thị Biên. Ngoài ra, đi cùng đoàn còn có Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại Việt Nam tại Ucraina Nguyễn Thị Hương Lan và Phó giám đốc Nguyễn Tiến Phúc. Trong phần khai mạc Diễn đàn hết sức long trọng, chỉ có Đại sứ Việt Nam được mời phát biểu chào mừng. Điều đó chứng tỏ sự quan tâm, đánh giá cao của phía Ucraina về quan hệ hữu nghị hợp tác với Việt Nam. Trong bài phát biểu của mình, tôi đã nhấn mạnh về sự gần gũi giữa Kharkov và Việt Nam, mặc dù hai bên cách nhau rất xa về địa lý. Bởi vì ở Kharkov có một cộng đồng Việt Nam gần năm nghìn người sinh sống, làm việc và học tập từ hơn hai mươi năm nay và đã có những đóng góp nhất định cho sự nghiệp phát triển chung của thành phố và tỉnh Kharkov. Tôi cũng cảm ơn về sự quan tâm của chính quyền tỉnh và thành phố Kharkov dành cho cộng đồng Việt Nam từ trước đến nay, nhờ vậy mà đại bộ phận người Việt Nam ở đây đã coi Kharkov như ngôi nhà thứ hai của mình. Kharkov có quan hệ hợp tác và kết nghĩa với một số tỉnh của Việt Nam, như Khánh Hòa, thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội. Hai bên còn có nhiều tiềm năng chưa khai thác hết, như lĩnh vực du lịch, giáo dục đào tạo, đầu tư bất động sản, sản xuất máy móc, thiết bị công nghiệp… cần tiếp tục tăng cường hợp tác hơn nữa trong thời gian tới.
- PV: Bên cạnh hoạt động ngoại giao với phía bạn, Đại sứ và các cán bộ trong đoàn công tác đã dành sự quan tâm đối với cộng đồng Việt Nam tại Kharkov, qua việc tham gia Lễ phát động quyên góp ủng hộ các nạn nhân chất độc da cam và chương trình từ thiện “Trái tim cho em” và Lễ khen thưởng học sinh có thành tích xuất sắc trong học tập, năm học 2011-2012. Đại sứ đánh giá như thế nào về các hoạt động này, cũng như về những điểm được và chưa được của cộng đồng Việt Nam tại Kharkov?
- ĐS HĐMN: Sau chương trình làm việc tại Diễn đàn Kinh tế Quốc tế Kharkov, tôi cùng các cán bộ Đại sứ quán và Đoàn công tác của Ban bí thư Trung ương Đảng đã tham gia hoạt động giao lưu, sinh hoạt cộng đồng tối 7/9, do Hội người Việt Nam tỉnh Kharkov tổ chức. Buổi lễ diễn ra trong không khí vừa trang nghiêm, vừa tình cảm và sôi động, đã để lại cho tôi và các vị khách từ trong nước những ấn tượng hết sức sâu sắc. Như lời đồng chí Hoàng Thanh Khiết - Trưởng đoàn công tác Ban bí thư Trung ương Đảng đã nói với tôi, giống lời đồng chí phát biểu tại buổi lễ, rằng mô hình của cộng đồng Việt Nam ở Kharkov cần được báo cáo về trong nước để phổ biến, nhân rộng trong kiều bào ở nước ngoài. Sắp tới, trong những ngày từ 26 đến 29 tháng 9, Ủy ban nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài sẽ tổ chức Hội nghị kiều bào và doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài lần thứ II tại thành phố Hồ Chí Minh. Tôi nghĩ rằng đây là dịp rất thuận lợi và phù hợp để đại diện cộng đồng ta báo cáo về những gì đã làm được và giới thiệu với các đại biểu từ các nước khác về mô hình tổ chức, hoạt động của cộng đồng Việt Nam ở Kharkov. Hy vọng lãnh đạo cộng đồng sẽ cử đoàn đại biểu về dự và chuẩn bị một số bài tham luận theo chủ đề để trình bày tại Hội nghị. Tôi cho rằng chúng ta hoàn toàn có quyền tự hào nói về những gì đã làm được ở Kharkov. Mặc dù, dĩ nhiên, bên cạnh những thành tựu còn có những khó khăn, chúng ta cũng không né tránh điều đó.
- PV: Xin cám ơn Đại sứ về những nhận xét tốt đẹp dành cho cộng đồng Việt Nam ở Kharkov. Tuy nhiên, mỗi địa phương đều có đặc thù riêng của mình. Vì vậy, liệu rằng mô hình tổ chức cộng đồng ở Kharkov có phải là hình mẫu phù hợp cho các nơi khác hay không?
- ĐS HĐMN: Điều quan trọng nhất ở đây là chúng ta phải nói lên được những yếu tố làm nên thành công của cộng đồng Việt Nam ở Kharkov. Tôi nghĩ, yếu tố đầu tiên chính là con người. Cộng đồng chúng ta có những con người tâm huyết với cộng đồng, luôn hỗ trợ cho cộng đồng cả về trí lực và vật lực. Đó là điều hết sức may mắn cho bà con người Việt ở Kharkov. Có thể cộng đồng Việt Nam ở những nơi khác chưa có được may mắn như vậy, nhưng tôi nghĩ rằng dân tộc Việt Nam chúng ta dù ở đâu cũng có những người tốt, người tài, những người tâm huyết với cộng đồng, với đất nước. Vấn đề là chúng ta có biết khơi dậy nhiệt huyết của mọi người và sử dụng đúng lúc đúng chỗ hay không. Vì vậy, tôi mong rằng Kharkov sẽ chuẩn bị thật tốt cho việc tham gia Hội nghị kiều bào và doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài lần thứ II, cả về đội hình và nội dung. Theo tôi được biết, ông Lê Viết Lam - Chủ tịch Hội người Việt Nam toàn Ucraina đã đăng ký dự Hội nghị này. Các doanh nghiệp ở Kharkov cũng có thể đăng ký tham gia các hội thảo chuyên đề trong khuôn khổ Hội nghị.
- PV: Tại buổi gặp gỡ với cộng đồng, Đại sứ đã trực tiếp phát động quyên góp ủng hộ nạn nhân chất độc da cam và chương trình từ thiện “Trái tim cho em”. Đại sứ có thể cho biết rõ hơn về mục đích cụ thể của đợt vận động này?
- ĐS HĐMN: Đợt vận động quyên góp lần này là tiếp tục chương trình vận động bắt đầu từ năm 2011, nhân kỷ niệm 50 năm thảm họa chất độc da cam-dioxin tại Việt Nam. Trong năm ngoái, chương trình này đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của người dân trong nước và kiều bào ở nước ngoài. Hơn 6 tỷ đồng tiền quyên góp đã được chuyển cho các nạn nhân chất độc da cam. Đợt vận động năm nay hướng tới thực hiện các mục đích cụ thể: xây dựng ít nhất 3 cơ sở chăm sóc nạn nhân chất độc da cam, tạo ít nhất 2000 việc làm, cấp 2000 suất học bổng cho con em các nạn nhân. Bởi vì chất độc da cam-dioxin gây tác hại không chỉ cho những người trực tiếp tham gia chiến tranh, mà còn ảnh hưởng tới cả các thế hệ thứ hai, thứ ba. Đó thực sự là thảm họa, không phải của một cá nhân, mà của rất nhiều gia đình người Việt Nam. Vì vậy, mục đích của chương trình vận động quyên góp này mang ý nghĩa nhân đạo rất cao, được Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội nạn nhân chất độc da cam và Bộ ngoại giao dành cho sự quan tâm đặc biệt. Bộ ngoại giao đã giao nhiệm vụ cho các Đại sứ quán tổ chức quyên góp, không chỉ trong cộng đồng kiều bào và cán bộ, nhân viên cơ quan đại diện, mà còn phải tranh thủ vận động cả chính quyền sở tại nơi mình làm việc tham gia nữa. Như mọi người đã biết, chúng ta đang tiếp tục đấu tranh đòi phía Mỹ phải chịu trách nhiệm trước các nạn nhân chất độc da cam-dioxin. Trong cuộc đấu tranh này, chúng ta đã và đang nhận được sự ủng hộ của bạn bè quốc tế, như Pháp, Đức và một số nước khác. Các nhà khoa học quốc tế đã tổ chức nhiều hội thảo để chứng minh tác hại của chất diệt cỏ mà quân đội Mỹ từng sử dụng trong cuộc chiến tranh tại Việt Nam, đối với sức khỏe con người. Về phần chúng ta được may mắn là những người lành lặn, hãy cố gắng chia sẻ để giảm bớt phần nào những mất mát về thể chất và tinh thần của các nạn nhân.
- PV: Câu hỏi cuối cùng: Đại sứ có điều gì nhắn gửi tới cộng đồng Việt Nam tại Kharkov?
- ĐS HĐMN: Kharkov trong những năm vừa qua đã thực hiện rất tốt hoạt động quyên góp nhân đạo. Tiền quyên góp được trao đến tận các địa chỉ cần thiết. Trong tất cả các đợt vận động, như quyên góp ủng hộ quân và dân huyện đảo Trường Sa, ủng hộ đồng bào bị bão lụt trong nước, hay chương trình từ thiện “Cuộc sống vẫn tươi đẹp”…, cộng đồng người Việt ở Ucraina, mà đặc biệt là ở Kharkov, luôn tham gia tích cực, đóng góp rất nhiệt tình. Dù người nhiều, người ít, nhưng tôi cho rằng điều quan trọng nhất là mọi người đã coi việc làm từ thiện là hoạt động thường xuyên. Đó là điều cảm nhận được rất rõ ở Kharkov. Có lẽ rằng, dù làm ăn gì thì trong một năm mình cũng nên có đóng góp cho các công việc từ thiện, nhân đạo. Từ thiện là công việc phải làm thường xuyên, không cần ai kêu gọi, mà nó phải trở thành thói quen, thành tình cảm của mỗi con người Việt Nam chúng ta. Theo tôi, đó là điều hết sức quan trọng và cần thiết trong cuộc sống.
- PV: Xin chân thành cảm ơn Đại sứ!
PV báo điện tử “Người Việt Kharkov” thực hiện.
|