Trước 30/8, các phường dọc sông Tô Lịch, Hà Nội phải cải tạo xong 2 bên bờ Trước 30/8, các phường dọc sông Tô Lịch, Hà Nội phải cải tạo xong 2 bên bờ , Người xứ Nghệ Kiev
Thành An Thứ ba, ngày 08/07/2025
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Trọng Đông và Dương Đức Tuấn chỉ đạo từ nay đến trước ngày 30/8, các phường dọc hai bên bờ sông Tô Lịch phải triển khai xong toàn bộ việc cải tạo, chỉnh trang 2 bên sông như: lát vỉa hè, làm lan can, trồng cây xanh, thảm cỏ.
Chỉ đạo được nêu rõ tại cuộc họp về tình hình cải tạo, chỉnh trang, vệ sinh môi trường hai bên sông Tô Lịch, ngày 7/7. Hai lãnh đạo UBND TP Hà Nội còn yêu cầu các phường dọc sông Tô Lịch cũng phải đẩy mạnh tuyên truyền người dân giữ gìn vệ sinh, để rác đúng nơi quy định.
“Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội sớm triển khai đặt thùng rác dọc 2 bên bờ sông, góp phần giữ gìn vệ sinh môi trường trên địa bàn”.
Lãnh đạo UBND TP Hà Nội yêu cầu các phường dọc hai bên bờ sông Tô Lịch phải triển khai xong toàn bộ việc cải tạo, chỉnh trang 2 bên sông như: lát vỉa hè, làm lan can, trồng cây xanh, thảm cỏ. Ảnh: Anh Tài.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Trọng Đông nhấn mạnh, trước mắt việc lấy nước từ hồ Tây phải đảm bảo đủ công suất, không làm biến đổi thủy văn môi trường nước. Cùng với đó, phối hợp với đập dâng khu vực hạ nguồn Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá, tạo ra được nguồn nước bổ trợ thêm vào sông Tô Lịch.
Nhấn mạnh đến việc lấy nước từ sông Hồng bổ cập cho hồ Tây và sông Tô Lịch, ông Đông lưu ý phải được kiểm soát, đánh giá chặt chẽ về tổng mức đầu tư, chi phí thành phần, khai thác vận hành, chi phí vận hành duy tu bảo dưỡng. Đặc biệt, khi bổ cập nước vào hồ Tây, phải kiểm soát chặt chẽ các điều kiện môi trường thủy văn, không làm ảnh hưởng đến môi trường sinh thái của hồ.
Báo cáo tại cuộc họp, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Phi Thường cho biết đã hoàn thành giai đoạn 1 của công tác nạo vét bùn từ đường Hoàng Quốc Việt đến cầu Khương Đình, với chiều dài khoảng 7km, tổng khối lượng gần 50.000 m³. Giai đoạn 2, từ cầu Khương Đình đến chùa Long Quang (5km), cũng sẽ được hoàn thành trong tháng 8 năm nay, nạo vét thêm khoảng 11.800 m³ bùn.
Sau hơn 4 tháng thi công, công trình đập tràn giữ nước đầu tiên trên sông Tô Lịch đã hình thành với kiến trúc lạ mắt, gây sự chú ý của người dân. Ảnh: Phạm Hưng.
Một trong những nguyên nhân chính khiến sông Tô Lịch ô nhiễm trầm trọng nhiều năm qua là do hàng trăm cửa xả nước thải chưa qua xử lý đổ thẳng ra sông. Để xử lý tận gốc, Sở Xây dựng đã chỉ đạo đấu nối 63 cửa xả còn lại, trong đó đã hoàn thành 19 cửa, đang thi công 42 cửa và sẽ hoàn tất toàn bộ trong tháng 7.
Riêng khu vực từ đập dâng đến cuối sông (ngã ba Tô Lịch – sông Nhuệ), còn lại khoảng 73 cửa xả chưa được xử lý, cần có dự án riêng gắn với hệ thống xử lý nước thải Yên Xá.
Đối với công tác chỉnh trang vệ sinh môi trường, cây xanh 2 bên sông, Sở Xây dựng đã chỉ đạo Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP Hà Nội và các nhà thầu thực hiện công tác duy trì cây cảnh, cây mảng, thảm cỏ trên tuyến đường Láng và dọc bờ sông Tô Lịch thường xuyên, liên tục, đảm bảo tần suất theo quy định.
"Về phương án bổ cập nước sông Tô Lịch, trước mắt, sử dụng nguồn nước từ Nhà máy xử lý nước thải Hồ Tây. Về lâu dài, Sở đang phối hợp với đơn vị tư vấn nghiên cứu phương án lấy nước bổ cập từ sông Hồng", Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội thông tin.
Sông Tô Lịch dài gần 14km, chảy qua nhiều quận nội thành như Ba Đình, Đống Đa, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Hoàng Mai. Từng là dòng sông gắn bó mật thiết với lịch sử và văn hóa Thăng Long – Hà Nội, nhưng suốt nhiều năm qua, Tô Lịch lại trở thành “điểm nóng” về ô nhiễm môi trường.
Sau sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, Hà Nội còn 126 phường, xã, hiện nay một số phường dọc sông Tô Lịch như: Nghĩa Đô, Ngọc Hà, Yên Hòa, Giảng Võ, Láng, Thanh Xuân, Khương Đình, Đống Đa, Định Công, Hoàng Liệt...