Thu hồi hàng nghìn tỷ đồng từ các vụ án kinh tế, tham nhũng, trong đó có vụ Trịnh Văn Quyết, vụ Phúc Sơn Thu hồi hàng nghìn tỷ đồng từ các vụ án kinh tế, tham nhũng, trong đó có vụ Trịnh Văn Quyết, vụ Phúc Sơn , Người xứ Nghệ Kiev
Quỳnh Nguyễn
Trong trong giai đoạn xét xử, nhiều bị cáo và gia đình tự nguyện nộp lại hàng nghìn tỷ đồng để khắc phục toàn bộ hậu quả vụ án. Trong đó, với vụ án tại Tập đoàn FLC, bị cáo Trịnh Văn Quyết và gia đình đã nộp hơn 2.500 tỷ đồng; vụ án tại Tập đoàn Phúc Sơn, bị cáo Nguyễn Văn Hậu đã nộp khắc phục toàn bộ thiệt hại hơn 1.179 tỷ đồng.
Ngày 7/7/2025, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực (Ban Chỉ đạo) đã họp Phiên thứ 28 dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Tô Lâm, Trưởng Ban Chỉ đạo. Phiên họp đã thảo luận và đánh giá kết quả công tác 6 tháng đầu năm, đồng thời đề ra nhiệm vụ trọng tâm cho 6 tháng cuối năm 2025.
Tổng Bí thư Tô Lâm, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực phát biểu tại Phiên họp. Ảnh: Ban Nội chính Trung ương
Công tác phòng, chống lãng phí được đẩy mạnh
Ban Chỉ đạo thống nhất đánh giá, dù đối mặt với nhiều nhiệm vụ lớn, cấp bách, công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực (PCTNLPTC) tiếp tục được triển khai quyết liệt, có nhiều chuyển biến mới, hiệu quả hơn, góp phần quan trọng vào công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế được tập trung cao độ, quyết liệt, với nhiều chủ trương, quy định, quan điểm mới được ban hành, vừa phục vụ các nhiệm vụ chính trị, trọng tâm, cấp bách của đất nước, vừa khắc phục những sơ hở, bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật để phòng ngừa tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Ông Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo phát biểu tại Phiên họp. Ảnh: Ban Nội chính Trung ương
Trong 6 tháng đầu năm 2025, Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành hơn 100 văn bản về xây dựng Đảng và PCTNLPTC. Quốc hội đã sửa đổi một số điều của Hiến pháp năm 2013, thông qua 38 luật, ban hành 45 nghị quyết; Chính phủ đã sửa đổi, bổ sung, ban hành mới trên 300 nghị định, nghị quyết, chỉ thị, các bộ, ngành, địa phương ban hành hơn 3.277 văn bản. Nhất là đã ban hành Chiến lược quốc gia về phòng, chống lãng phí đến năm 2035; Hướng dẫn một số nội dung trọng tâm về công tác phòng, chống lãng phí và nhiều cơ chế đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án, công trình nguy cơ gây thất thoát, lãng phí.
Công tác phòng, chống lãng phí được chỉ đạo đẩy mạnh, gắn với khơi thông nguồn lực, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã tập trung chỉ đạo rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, xử lý các dự án, công trình chậm tiến độ, tồn đọng kéo dài, hiệu quả thấp, nguy cơ gây thất thoát, lãng phí.
Nhất là Chính phủ đã tập trung chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với Dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM; các Dự án điện năng lượng tái tạo đã xây dựng nhưng chưa được kết nối, vận hành; 2 dự án đầu tư xây dựng cơ sở 2 Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức và 8 dự án nguy cơ thất thoát, lãng phí lớn theo chỉ đạo của Thường trực Ban Chỉ đạo.
Xử lý kỷ luật 43 người đứng đầu do tham nhũng, tiêu cực
Trong 6 tháng đầu năm, công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh không có vùng cấm.
Công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, lãng phí, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh; các cơ quan chức năng đã tập trung kiểm tra, thanh tra, điều tra, xử lý dứt điểm các vụ án, vụ việc tham nhũng, lãng phí, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp dư luận xã hội quan tâm.
Ông Võ Văn Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương, Ủy viên Ban Chỉ đạo trình bày Báo cáo tại Phiên họp. Ảnh: Ban Nội chính Trung ương
Từ đầu năm 2025 đến nay, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 230 tổ chức đảng và 7.235 đảng viên; Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kỷ luật 11 cán bộ diện Trung ương quản lý.
Ngành Thanh tra, Kiểm toán đã tiến hành nhiều cuộc thanh tra, kiểm toán những lĩnh vực, địa bàn dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, dư luận xã hội quan tâm và các chuyên đề, vụ việc Ban Chỉ đạo giao. Qua thanh tra, kiểm toán đã kiến nghị thu hồi, xử lý tài chính 9.533 tỷ đồng và 617 ha đất; kiến nghị xử lý hành chính 381 tập thể và 1.083 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra 28 vụ việc có dấu hiệu tội phạm để điều tra, xử lý theo quy định.
Nhất là, Thanh tra Chính phủ chỉ trong thời gian ngắn, chưa đầy 3 tháng đã hoàn thành thanh tra, kiến nghị xử lý nhiều sai phạm tại 2 dự án đầu tư xây dựng cơ sở 2 Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.
Trong 6 tháng đầu năm, các cơ quan tiến hành tố tụng đã khởi tố mới 1.776 vụ/4.038 bị can về các tội tham nhũng, kinh tế, chức vụ.
Riêng các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo đã đạt nhiều kết quả quan trọng: Kết thúc điều tra vụ án tại Tập đoàn Thuận An; ban hành cáo trạng truy tố, đưa ra xét xử vụ án tại Tập đoàn Phúc Sơn. Nhiều vụ án trọng điểm đã được đưa ra xét xử sơ thẩm và phúc thẩm như: vụ án Sài Gòn - Đại Ninh, vụ án tại Cục Đăng kiểm Việt Nam, Tập đoàn FLC, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Ngân hàng SCB, vụ án tại Công ty Xuyên Việt Oil, Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam...
Công tác phòng ngừa tham nhũng được triển khai đồng bộ với việc sắp xếp tổ chức bộ máy, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số. Việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia kết nối với các bộ, ngành giúp tăng cường công khai, minh bạch, nâng cao hiệu quả quản lý và giám sát trên dữ liệu.
Công tác thu hồi tài sản tham nhũng tiếp tục được quan tâm chỉ đạo, đạt nhiều kết quả. Riêng các vụ án, vụ việc Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, trong giai đoạn điều tra, đã tạm giữ, kê biên, phong tỏa, thu giữ số tài sản trị giá trên 313 tỷ đồng và nhiều tài sản có giá trị khác.
Đặc biệt, trong giai đoạn xét xử, nhiều bị cáo và gia đình tự nguyện nộp lại hàng nghìn tỷ đồng để khắc phục toàn bộ hậu quả vụ án. Trong đó, với vụ án tại Tập đoàn FLC, bị cáo Trịnh Văn Quyết và gia đình đã nộp hơn 2.500 tỷ đồng. Còn vụ án tại Tập đoàn Phúc Sơn, bị cáo Nguyễn Văn Hậu đã nộp khắc phục toàn bộ thiệt hại hơn 1.179 tỷ đồng.
Trong giai đoạn thi hành án dân sự, các cơ quan đã thu hồi gần 7.000 tỷ đồng, nâng tổng số tiền thu hồi được từ khi thành lập Ban Chỉ đạo đến nay lên 103.854 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 51,57%).
Công tác PCTNLPTC ở địa phương, cơ sở cũng tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực.
Các Ban Chỉ đạo PCTNLPTC cấp tỉnh đã chỉ đạo triển khai khá toàn diện các nhiệm vụ, cả phòng ngừa và phát hiện, xử lý tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Trong 6 tháng đầu năm 2025, các Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đã đưa 53 vụ án, vụ việc tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vào theo dõi, chỉ đạo. Các cơ quan chức năng địa phương đã xử lý kỷ luật 43 người đứng đầu do tham nhũng, tiêu cực, trong đó có 21 trường hợp bị xử lý hình sự; đã khởi tố mới 416 vụ án/1.207 bị can về các tội tham nhũng, tiêu cực.
Nhiều địa phương đã xử lý kỷ luật, khởi tố bị can là cán bộ thuộc diện tỉnh ủy, thành ủy quản lý.