Trang chủ Liên hệ       Thứ sáu, Ngày 24/01/2025
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
  -  Pháp luật và cuộc sống
  -  Giáo dục
  -  Sân khấu - Điện Ảnh - Thời Trang-Ca Nhạc
Văn Nghệ
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Văn hóa - Xã hội >
  Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn: "Dịch bệnh đã đánh một đòn quá kinh khủng lên tất cả chúng tôi!" Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn: "Dịch bệnh đã đánh một đòn quá kinh khủng lên tất cả chúng tôi!" , Người xứ Nghệ Kiev
 

Thanh An | 

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn: "Dịch bệnh đã đánh một đòn quá kinh khủng lên tất cả chúng tôi!"
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn

"Cuộc chiến tranh chống lại giặc Covid-19 lần này có quá nhiều sang chấn tâm lý nghiêm trọng đến với ngành y tế", Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nói.

 

"NGƯỜI CHẾT TRONG NGÀY ĐANG NHIỀU HƠN SỐ BỆNH NHÂN CHẾT SUỐT TỪNG ẤY NĂM LÀM BÁC SĨ CỦA TÔI" 

Từ trận địa căng thẳng bậc nhất giữa thành phố Hồ Chí Minh, đồng nghiệp của tôi đã thốt lên như thế. Cuộc chiến tranh chống lại giặc Covid-19 lần này có quá nhiều sang chấn tâm lý nghiêm trọng đến với ngành y tế. Từ nhân viên làm việc trực tiếp tại cơ sở điều trị cho tới cán bộ lãnh đạo nói chung, những cái chết đã gây áp lực rất lớn tới sức khỏe tinh thần, tâm lý và thể chất anh chị em...”, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn - trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt về phòng chống COVID-19 (Bộ Y tế tại TP.HCM) - chia sẻ với phóng viên về những khó khăn mà nhân viên y tế đang phải đối diện, chiến đấu và vượt qua để giữ được cân bằng, bước đến đích cuối là cứu chữa bệnh nhân Covid-19.

Thanh An: Thưa Thứ trưởng, đã có không ít nhân viên y tế tại các cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19 phản ánh về điều kiện sinh hoạt, làm việc của họ. Ông có thể cung cấp thông tin tổng quan nhất về vấn đề này chứ?

PGS.TS. Nguyễn Trường Sơn: Trước tiên phải nói rõ rằng anh chị em nhân viên y tế (NVYT) từ các địa phương khác về hỗ trợ TP HCM cũng như anh chị em nvyt tại chỗ luôn rất quyết tâm, sẵn sàng ở lại cống hiến và chung tay với thành phố trong cuộc chiến chống dịch.

Đương nhiên, mọi cuộc chiến sẽ luôn luôn xuất hiện và tồn tại thử thách, hy sinh. Tình hình dịch bệnh đang có quá nhiều yếu tố gây căng thẳng cho cục diện trận chiến: diễn biến phức tạp, kéo dài, số lượng bệnh nhân đông, ca bệnh nặng tăng nhanh, số lượng NVYT được phân về các đơn vị có giới hạn... Quá tải trong công việc cho anh chị em là sự thật đang diễn ra mỗi ngày. Bất cập, thiếu thốn phải khẳng định có chứ không phải không.

Dễ thấy nhất là điều kiện sinh hoạt, ăn ở của NVYT tại cơ sở điều trị đang gặp khó khăn. Mặc dù chính quyền các cấp trên địa bàn thành phố đã rất cố gắng để chăm sóc, hỗ trợ nhưng tình hình dịch diễn biến căng thẳng không thể tránh khỏi thiếu sót. Ta biết để tổ chức cho ngần ấy con người nơi ăn chốn ngủ với nhiều sự khác biệt vùng miền rõ ràng rất khó để tất cả các bên có thể thích ứng được ngay.

Quan trọng hơn, công việc của NVYT thời điểm này cực kỳ căng thẳng trong khi môi trường làm việc lại chưa thực sự đảm bảo... Tôi biết chứ, có nhiều bác sĩ phải phụ trách cả 140 - 150 bệnh nhân mỗi ngày. Bộ phận điều dưỡng, hộ lý, kỹ thuật hỗ trợ, tình nguyện viên... tất cả mọi người đều đang phải cố gắng hết sức cho một đích đến chưa thể hẹn trước ngày giờ cụ thể.

Tất cả những điều đó đã và đang tác động rất lớn lên thể xác lẫn tâm thần của anh chị em.

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn: Dịch bệnh đã đánh một đòn quá kinh khủng lên tất cả chúng tôi! - Ảnh 2.

Nhân viên y tế đi lấy mẫu bệnh phẩm. (Ảnh: Tiến Tuấn)

Thanh An: Có vẻ như thử thách lần này quá kinh khủng, vượt xa mọi cấp độ mà NVYT từng phải đối diện thưa ông?

PGS.TS. Nguyễn Trường Sơn: Đúng đấy!

Cái này gọi là bất ngờ thì không phải. Mình có dự trù. Các nhà chuyên môn đã cố gắng bắt kịp thống kê về số lượng bệnh nhân tăng nhanh của thế giới giai đoạn này. Tuy nhiên diễn biến tại hiện trường cho thấy một thực tế hoàn toàn khác.

Số lượng bệnh nhân tăng lên rất nhanh. Ở một số nơi như thành phố HCM lúc chúng tôi mới bước vào nắm bắt tình hình chỉ ghi nhận vài chục ngàn ca. Bây giờ đã tăng thành hơn 300.000 bệnh nhân. Kể cả Bình Dương thời điểm đầu khoảng 1.000 bệnh nhân vậy mà chỉ sau 3 tháng diễn biến tăng nhanh đến hơn 100.000 bệnh nhân rồi.

Số liệu tăng một cách rất khủng khiếp làm cho ngành y tế dù cố gắng chuẩn bị, thu xếp mọi nguồn lực để đáp ứng thì vẫn cực kỳ vất vả và căng thẳng. Đã thế, dịch bệnh còn đánh một đòn quá kinh khủng lên tất cả anh chị em chúng tôi.

Hồi dịch tấn công Đà Nẵng, tử vong cỡ khoảng 35 ca, anh chị em đã thấy đau lòng lắm rồi. Một ngày tử vong 4 ca là như sát muối vào ruột rồi. Rất đau xót. Đến bây giờ số lượng tử vong lên đến hàng trăm ca một ngày như vậy... Không chỉ với riêng y bác sĩ trực tiếp điều trị hay cán bộ lãnh đạo đâu, nó là sang chấn tâm lý nghiêm trọng cho mọi nhân viên trong ngành. Thành ra những cái chết thời gian qua đã gây áp lực rất lớn tới tinh thần, tâm lý anh chị em.

KHI BỆNH VIỆN CHỊ - EM XUẤT HIỆN, BÂY GIỜ CHÚNG TA CÓ THỂ XUNG PHONG

Thanh An: Bị choáng váng rồi nhưng các ông vẫn phải làm việc tiếp chứ? Vậy bây giờ phải làm thế nào cho hiệu quả, cho ít choáng váng thưa ông?

PGS.TS. Nguyễn Trường Sơn: Những cú đánh choáng váng đó thường chỉ gây tác động ở giai đoạn đầu thôi.

Khi NVYT bị sốc thì người quản lý phải bình tĩnh hết sức có thể. Vừa tổ chức lực lượng cầm cự vừa xem xét lại, đánh giá lại tình hình. Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ đã phải ngồi cùng thành phố HCM rất nhiều đêm dài để tìm hiểu nguyên nhân, phân tích các yếu tố tác động và từ đó đề ra phương án mới.

Ví dụ như lúc đó Tp. HCM chia đơn vị điều trị Covid-19 ra thành 5 tầng. Mặc dù phân rất chi tiết nhưng việc chuyển bệnh nhân từ tầng này đến tầng khác gặp quá nhiều khó khăn. Chúng tôi đã đề nghị chỉnh lại, rút gọn thành 3 tầng thôi cho đỡ tản mát và chồng chéo. Cùng với đó là tạo ra sự kết hợp giữa các bệnh viện, các cơ sở y tế vốn hoạt động độc lập với nhau thành hệ thống bệnh viện "Chị - Em". Tức là một bệnh viện chịu trách nhiệm Hồi sức tích cực thuộc Tầng 3 sẽ làm Chị cho vài Em - cơ sở điều trị F0 từ nhẹ, trung bình đến nặng ở dưới tầng 2. Rồi bệnh viện Tầng 2 đương nhiên làm Chị cho vài Em dã chiến ở dưới Tầng 1.

 

THÁP ĐIỀU TRỊ COVID-19 Ở TP. HCM

Tầng 1: Triển khai gói chăm sóc sức khỏe F0 tại nhà và tại các cơ sở cách ly tập trung của các quận, huyện, TP Thủ Đức cho các F0 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ.

Tầng 2: Tiếp nhận, thu dung các F0 cần cấp cứu, điều trị từ nhẹ, trung bình đến nặng, có kèm hoặc không kèm theo bệnh lý nền tại các BV dã chiến và BV điều trị COVID -19, các BV chuyển đổi công năng...

TP. HCM hiện có 74 BV điều trị COVID-19 gồm 24 BV dã chiến (15 BV cấp thành phố, 8 BV quận - huyện), 41 BV đa khoa và 9 BV Trung ương với gần 50.000 giường.

Tầng 3: Hồi sức chuyên sâu các trường hợp F0 nặng, nguy kịch tại 8 BV tuyến cuối của TP và Bộ Y tế tăng cường cho TP.

Bao gồm: BV Bệnh Nhiệt đới, BV Chợ Rẫy, BV Quân y 175 và 5 Trung tâm hồi sức quốc gia với tổng số gần 4.000 giường.

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Bộ Y tế

Củng cố lại đội hình và đội ngũ là mục tiêu chúng tôi đặt ra và kiên trì làm trong suốt thời gian qua để đến bây giờ chúng ta có thể xung phong. Thực tế lúc này mọi người đang bước vào cuộc chiến với tâm thế hết sức chủ động. Mình gọi là đã quen trận rồi.Ngay khi có sự tổ chức kết nghĩa đó, hệ thống các bệnh viện Chị - Em đã tổ chức Telehealth khám bệnh từ xa, các nhóm liên lạc qua Viber, Zalo... trao đổi công việc hỗ trợ nhau thường xuyên. Họ cũng đồng thời bố trí bác sĩ ở tuyến trên xuống tuyến dưới trực tiếp hội chẩn. Đặc biệt hoạt động chuyển viện, tiếp nhận các ca nặng đã được tổ chức lại một cách thông suốt và an toàn hơn trước rất nhiều.

Hợp tác giữa các bệnh viện tuyến trên - tuyến dưới, hội chẩn, công tác đảm bảo an toàn cho người bệnh khi triển khai điều trị F0 tại nhà... tất cả mọi hoạt động đó đã gần như trở thành thường quy. Anh chị em cũng sẵn sàng thích nghi, đáp ứng được với hoàn cảnh mới, không còn những bỡ ngỡ, bàng hoàng như lúc đầu. Nói chung bây giờ hệ thống điều trị của chúng ta mới gọi là tương đối ổn.

Như vậy là mình đi qua giai đoạn sơ khai, ngổn ngang và rút được kinh nghiệm để thời điểm này tổ chức hoạt động điều trị cho tốt và tốt hơn nữa. Chứ nhân viên y tế chưa bao giờ và không bao giờ rút lui nhé.

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn: Dịch bệnh đã đánh một đòn quá kinh khủng lên tất cả chúng tôi! - Ảnh 5.

Nhân viên y tế đi lấy mẫu bệnh phẩm. (Ảnh: Tiến Tuấn)

CHẮC CHẮN CÓ ĐƯỜNG DÂY NÓNG GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ TÂM LÝ CHO CHÍNH CHÚNG TÔI

Thanh An: Nhưng nhân viên y tế cũng chỉ là người lao động bình thường thôi thưa ông. Họ không được phép rút lui ư, khi mà chính họ bị tổn thương, mất mát?

PGS.TS. Nguyễn Trường Sơn: Chúng ta đang trong một cuộc chiến, bạn hiểu chứ?

Bạn chỉ không được ra khỏi nhà, không được đi du lịch, ít công việc và ít thu nhập hơn... nhưng chưa đối diện với sự sống và cái chết. Nhân viên y tế lúc này phải đứng vào vị trí là người chiến sĩ, trực tiếp xông vào các trận địa là bệnh viện để chiến đấu với bệnh tật, giành lại sự sống cho bệnh nhân.

Bản thân tôi phải đứng vào vị trí của những người chỉ huy từng trận đánh cụ thể, mình phải tuân theo nguyên tắc chỉ huy. Nguyên tắc đó rõ ràng không cho phép chiến sĩ của mình rời khỏi vị trí chiến đấu khi nhiệm vụ vẫn cần họ. Bạn có thể trách tôi cũng được, nhưng đây là chiến tranh.

Anh chị em đang làm việc trong từng buồng bệnh, tôi biết họ hiểu mình. Bởi dù nguyên tắc là như vậy nhưng tùy vào hoàn cảnh, tình huống, tình trạng của mỗi một cá nhân cụ thể chúng ta sẽ đưa ra từng quyết định có tình có lý. Không ai máy móc một cách duy ý chí rằng cứ rời khỏi vị trí là bị xử lý đâu. Tất cả mọi vấn đề xảy ra đều phải giải quyết dựa trên cơ sở tình lý chứ không bao giờ có chuyện kỷ luật một cách máy móc.

Cho nên tôi nghĩ trong hoàn cảnh này cả xã hội nên biết rằng bất kỳ người y bác sĩ nào cũng đều đang chịu đựng rất nhiều áp lực, không chỉ về thể xác, công việc mà còn bao ngổn ngang chuyện gia đình, chuyện riêng tư nữa. Rất rất nhiều áp lực.

Về phía người lãnh đạo, chúng tôi cố gắng tập trung giải quyết cho anh chị em thoải mái tâm lý, bớt vất vả, thêm chút khỏe mạnh để tập trung điều trị cho người bệnh.

Ngoài ra, chúng tôi đã yêu cầu tất cả các cơ sở khám chữa bệnh Covid-19 cố gắng triển khai các hoạt động hỗ trợ tâm lý, giải quyết vướng mắc khó khăn mà NVYT gặp phải. Tuy nhiên đến điểm này có nơi giải quyết tốt, có những nơi giải quyết chưa tốt. Do đó, hệ thống đường dây giải quyết tâm lý cho NVYT đã được đặt ra để bàn. Chắc chắn sẽ có đường dây nóng để giải quyết vấn đề tâm lý cho chính chúng tôi. Thứ hai nữa, những hoàn cảnh thực sự khó khăn về sức khỏe, gia đình... thì phải được quan tâm, giải quyết ngay.

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn: Dịch bệnh đã đánh một đòn quá kinh khủng lên tất cả chúng tôi! - Ảnh 7.

Nhân viên y tế tiến hành phun khử khuẩn. (Ảnh: Tiến Tuấn)

Thanh An: Đến thời điểm này bộ phận điều trị bệnh nhân Covid-19 đang thực sự cần được đáp ứng những gì thưa ông?

PGS.TS. Nguyễn Trường Sơn: Bộ phận điều trị bây giờ tâm thế rất sẵn sàng. Cơ sở vật chất cũng đã được đáp ứng tương đối đầy đủ. Chính sách điều trị F0 tại nhà đã giảm tải rất nhanh cho các bệnh viện. Nên số lượng bệnh nhân nhập viện đã không còn là gánh nặng quá lớn cho các cơ sở thu dung điều trị Covid-19.

Cái chúng tôi cần bây giờ là sự thông cảm, khích lệ của người dân, của các cấp chính quyền. Sự tuân thủ, hợp tác của bệnh nhân đối với y lệnh của y bác sĩ.

Đồng thời chúng tôi cần phải có đủ vũ khí. Thuốc men, vật tư y tế, trang thiết bị chuyên dụng, điều kiện bảo hộ an toàn cho NVYT trong quá trình làm việc... chính là vũ khí của chúng tôi khi chiến đấu với bệnh tật. Đừng để y bác sĩ nhìn thấy bệnh nhân diễn biến nặng lên mà không có bất kỳ vũ khí nào trong tay để hành động. Đây có lẽ là điều ngành y tế đang cần nhất lúc này.

Có nội dung này hết sức quan trọng ,lúc nào lực lượng điều trị bệnh nhân Covid-19 cũng cần chính là sự vào cuộc của các tổ chức chính trị xã hội. Sự chung tay hỗ trợ của đoàn thanh niên, hội phụ nữ, các tổ chức tôn giáo... vào các công việc không y tế tại cơ sở điều trị là hết sức cần thiết. Được như vậy, tất cả các đơn vị thu dung điều trị sẽ có thêm sức mạnh của cộng đồng, sức mạnh của xã hội. Chắc chắn NVYT cũng sẽ yên tâm để tập trung vào công tác điều trị bệnh nhân hơn rất nhiều.

Tôi và đồng chí Bí thư thành ủy đã thống nhất với nhau về vấn đề này. Chúng tôi đã cùng có các gạch đầu dòng cụ thể tất cả mọi vấn đề. Trên cơ sở đó, thành phố và Ban chỉ đạo sẽ tổ chức các đoàn kiểm tra đến tận từng cơ sở điều trị để nắm bắt tình hình thực tế. Từ đó chỉnh sửa theo tinh thần đã đáp ứng tốt rồi thì bây giờ phục vụ tốt hơn.

Thanh An: Xin cảm ơn những thông tin ông vừa chia sẻ!

Để giúp TP.HCM và các địa phương miền Nam sớm khống chế dịch bệnh, điều trị tốt nhất cho bệnh nhân, Bộ Y tế đã kêu gọi và điều động khoảng 17.000 y bác sĩ, NVYT từ các bệnh viện tuyến trung ương và 35 tỉnh thành trong cả nước. Đội ngũ này đang ngày đêm sát cánh với lực lượng y tế tại chỗ thực hiện các hoạt động phòng, chống dịch, xét nghiệm, tiêm chủng, chăm sóc và điều trị người nhiễm COVID-19.

Tại các cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19, một tua làm việc trung bình của bác sĩ, điều dưỡng đang kéo dài từ 8-10 tiếng/ngày trong điều kiện mặc bảo hộ liên tục đã gây mất nước và điện giải. NVYT thường xuyên phải trực cấp cứu đến 12 tiếng/ngày…

Trong khi đó việc chăm lo đời sống nvyt còn nhiều bất cập như khẩu phần ăn trong các suất cơm hộp phát cho nvyt không được điều chỉnh phù hợp với lực lượng hỗ trợ đến từ miền Bắc vào nên ảnh hưởng sức khỏe chống dịch. Trường hợp nvyt bị nhiễm COVID-19 trong quá trình công tác được điều chuyển tới khu vực người bệnh, suất ăn được chuyển sang tiêu chuẩn suất ăn người bệnh 80 ngàn đồng/ngày... Kết hợp với nhiều bất cập khác đã và đang ảnh hưởng đến tinh thần của NVYT không may nhiễm bệnh.

Để đảm bảo sức sức khỏe và khả năng chiến đấu của nvyt, nâng cao tinh thần phục vụ người bệnh và chất lượng điều trị, Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại Tp. Hồ Chí Minh đề nghị Ban Chỉ đạo phòng, chống COVID-19 TP.HCM có các giải pháp kịp thời.

Cụ thể như: Đảm bảo thời gian nghỉ sau khi kết thúc ca trực cho nvyt, không để nvyt làm việc liên tục trong thời gian dài mà không có ngày nghỉ; Đề nghị đơn vị cung cấp thực phẩm điều chỉnh chế độ ăn đảm bảo dinh dưỡng; Nhân viên y tế không may mắc COVID-19 phải được đảm bảo chế độ như thường ngày…

Nguồn: Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại TP. Hồ Chí Minh

 
 
 

  Các Tin khác
  + TikToker nổi tiếng có hơn 1 triệu người theo dõi bị khởi tố (24/01/2025)
  + Thủ tướng triệu tập lãnh đạo Vingroup, Sungroup, Novaland… dự hội nghị quan trọng dự kiến cuối tháng 1 (24/01/2025)
  + Chủ tịch nước Lương Cường: Tết là sum vầy, đoàn viên và Tết là để trở về (20/01/2025)
  + Đi xe máy đèo theo chó sẽ bị xử phạt (20/01/2025)
  + Tin vui: Trước Tết Nguyên Đán 2025, người hưu trí sẽ nhận khoản tiền, là khoản gì? (17/01/2025)
  + Cà Mau: Chồng chém vợ rồi tự sát trên đường ra tòa ly hôn về (17/01/2025)
  + Triệt phá vụ cho vay nặng lãi với số tiền lên đến 300 tỷ đồng (17/01/2025)
  + Thủ đoạn lừa hàng loạt người đi xuất khẩu lao động, chiếm đoạt trên 3 tỷ đồng của nam thanh niên Cần Thơ (17/01/2025)
  + TIN NÓNG 24 GIỜ QUA: Đâm chết người tại cây xăng; tuyên án vụ cựu Chủ tịch Nhà xuất bản Giáo dục (17/01/2025)
  + Cựu Bộ trưởng Mai Tiến Dũng được đề nghị cho hưởng án treo, cựu Vụ trưởng đề nghị án bằng thời gian tạm giam (17/01/2025)
  + Cựu Bí thư Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến nói rất buồn và cay đắng (17/01/2025)
  + Hai vụ án oan sai: Kỷ luật phó giám đốc công an và viện phó VKS tỉnh (14/01/2025)
  + Ông Uông Việt Dũng làm Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam (02/01/2025)
  + 8 sĩ quan Việt Nam lên đường nhận nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc (02/01/2025)
  + Thống nhất phương án hợp nhất, sáp nhập các cơ quan thuộc Chính phủ (02/01/2025)
  + Bán vé tàu Tết và tổ chức chạy thêm chặng dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 (06/12/2024)
  + Thủ tướng phê duyệt danh sách thành viên Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp (06/12/2024)
  + Chủ tịch nước Lương Cường: Xây dựng ngành tòa án tinh - gọn - mạnh (02/12/2024)
  + An Giang: Rắn độc bò vào nhà dân vì nhiều người phóng sinh trăn, rắn trên núi? (02/12/2024)
  + TPHCM xin ý kiến việc đặt tên lãnh đạo Đảng, Nhà nước cho các đoạn quốc lộ (02/12/2024)
Playlist

GIỚI THIỆU
QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 2
Total: 66585405

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July