Thủ tướng vào "vùng đỏ" gọi điện thoại, kiểm tra đường dây nóng y tế Thủ tướng vào "vùng đỏ" gọi điện thoại, kiểm tra đường dây nóng y tế , Người xứ Nghệ Kiev
Dân trí
Đến khu nhà trọ tại Bình Dương kiểm tra việc chống dịch Covid-19, Thủ tướng nhờ người dân gọi điện tới số điện thoại khẩn cấp của phường để được hỗ trợ y tế. Khoảng 10 phút sau, đội y tế có mặt…
Sáng 27/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra khu tập kết, chuẩn bị các gói thực phẩm hỗ trợ người dân tại chợ đầu mối nông sản thực phẩm Đông Phú, phường Thuận Giao, TP Thuận An, tỉnh Bình Dương; thăm các hộ gia đình đang thuê trọ và kiểm tra việc sẵn sàng hỗ trợ nhân dân về an sinh xã hội, y tế và bảo đảm an ninh, an toàn tại khu dân phố Bình Quới A, phường Bình Chuẩn.
Phục vụ dân tại cơ sở còn lúng túng
Tại đây, Thủ tướng nhắc lại và chỉ đạo chính quyền địa phương khi tăng cường giãn cách, ngay từ cấp xã, phường phải làm bằng được việc bảo đảm cho người dân không thiếu ăn thiếu mặc, đáp ứng lương thực, thực phẩm; đưa dịch vụ y tế đến gần dân nhất ngay tại xã, phường, thị trấn; bảo đảm an dân, an ninh, trật tự an toàn xã hội.
Thủ tướng cũng yêu cầu chính quyền kêu gọi, vận động, thuyết phục, đề nghị người dân chia sẻ khó khăn, tích cực, chủ động cộng tác, thực hiện các biện pháp đã đề ra.
Đốc thúc chính quyền cơ sở tập trung chống dịch, Thủ tướng nhấn mạnh, đây là nơi gần dân nhất, hiểu dân nhất.
Báo cáo Thủ tướng, lãnh đạo địa phương cho biết đang triển khai nhiều hình thức cung ứng thực phẩm cho người dân, cũng như vận động thanh niên, phụ nữ... tham gia phòng chống dịch, bảo đảm cung ứng thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác.
Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế, trao đổi với người dân, Thủ tướng nhận định, việc triển khai tại cơ sở vẫn còn những lúng túng.
Tại khu nhà trọ Bình Quới A (phường Bình Chuẩn), người dân chia sẻ với Thủ tướng, đã ở nhà hơn một tháng, tuy có bất tiện nhưng vẫn phải chấp hành giãn cách để góp phần đẩy lùi dịch bệnh. Từ ngày 23/8, khi tăng cường giãn cách, người dân vẫn được tiếp tế thực phẩm.
Tại đây, Thủ tướng đã trực tiếp kiểm tra, đề nghị người dân gọi điện tới số điện thoại khẩn cấp của phường để được hỗ trợ y tế. Nội dung, cách thức, thái độ trả lời của tổng đài viên y tế được ghi nhận là phù hợp, nhẹ nhàng, tạo thiện cảm cho người dân. Khoảng 10 phút sau, đội y tế của tỉnh tăng cường xuống các xã, phường đã có mặt và sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ nhân dân.
Thủ tướng ghi nhận sự có mặt kịp thời này và cho rằng việc tăng cường lực lượng y tế từ tỉnh xuống xã phường là một cách làm tốt.
Báo cáo Thủ tướng, đội y tế tăng cường cho biết đội ứng trực 24/24 và mỗi ngày tiếp nhận, xử lý khoảng 5-6 cuộc gọi từ người dân cần hỗ trợ. Tuy nhiên, Thủ tướng yêu cầu phường phải chủ động hơn nữa trong đáp ứng nhu cầu của người dân.
Điều trị F0 tại chỗ phù hợp với "vùng đỏ"
Tiếp tục dành ưu tiên cho công tác phòng chống dịch, Người đứng đầu Chính phủ tới thăm, động viên đội ngũ y bác sĩ đang làm việc tại trạm y tế lưu động của phường Bình Chuẩn, nơi đang thu dung, điều trị cho bệnh nhân Covid-19 của 4 phường. Được thành lập từ ngày 23/7, trạm y tế đã tiếp nhận 997 F0, trong đó hơn 700 người đã được xuất viện, còn khoảng 200 người đang tiếp tục điều trị, chỉ có 15 ca nặng phải chuyển lên tuyến trên.
Đội ngũ bác sĩ tại đây cho biết, phường Bình Chuẩn là "vùng đỏ", có nhiều ca bệnh. Do đó, việc tiếp nhận, điều trị F0 ngay tại xã, phường là hết sức phù hợp với tình hình thực tiễn, nếu không sẽ gây quá tải cho tuyến trên. Những ngày qua, mỗi ngày trạm tiếp nhận, xử lý kịp thời 10-15 cuộc gọi của người dân.
Lãnh đạo địa phương khẳng định việc Chính phủ quyết định chuyển việc chăm sóc y tế về xã phường là quyết định vô cùng đúng đắn vào lúc này.
Cũng trong sáng 27/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính đến kiểm tra tình hình sản xuất, kinh doanh và chống dịch tại Công ty TNHH Saigon Stec (TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) - doanh nghiệp chuyên cung cấp module máy ảnh cho máy tính bảng, điện thoại… Công ty đang thực hiện có hiệu quả mô hình "3 tại chỗ" với 2.000 công nhân trong tổng số 6.600 công nhân vẫn duy trì làm việc.
Báo cáo với Thủ tướng, các công nhân đều bày tỏ ủng hộ mô hình "3 tại chỗ", đặc biệt công nhân được đãi ngộ rất tốt, mức lương bằng 400% so với bình thường.
Thủ tướng động viên người lao động tại nhà máy tiếp tục khắc phục khó khăn, cùng công ty duy trì sản xuất trên cơ sở bảo đảm an toàn. "Nếu để đứt gãy chuỗi sản xuất, mất việc thì sẽ khó tìm lại việc làm" - người đứng đầu Chính phủ phân tích.
Báo cáo Thủ tướng, lãnh đạo doanh nghiệp đánh giá cao mô hình "3 tại chỗ" với sự ủng hộ, hỗ trợ từ chính quyền địa phương. Sắp tới, Công ty sẽ triển khai thêm phương án "1 cung đường - 2 điểm đến", dự kiến sẽ đưa thêm 3.000 công nhân trở lại làm việc và tiến tới đủ 6.600 công nhân.
Tiếp nhận các kiến nghị, Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Bình Dương hỗ trợ doanh nghiệp về mọi mặt để tiếp tục duy trì sản xuất, bảo đảm việc làm và cuộc sống cho công nhân.
Thủ tướng khẳng định, Chính phủ sẽ quan tâm nhiều mặt tới hoạt động của các doanh nghiệp, tạo điều kiện và hỗ trợ các doanh nghiệp duy trì sản xuất an toàn, trong đó có vấn đề tiêm vắc xin cho công nhân đồng thời đề nghị lãnh đạo các doanh nghiệp FDI góp thêm tiếng nói, tác động các đối tác ở các nước có liên quan tới hoạt động của công ty như Mỹ, Nhật quan tâm ủng hộ việc cung ứng vắc xin cho Việt Nam.
Ông phân tích, phòng chống dịch Covid-19 và duy trì chuỗi cung ứng, sản xuất đều là những vấn đề toàn cầu, do đó, cần cách tiếp cận toàn cầu, các bên liên quan phải có trách nhiệm với nhau vì lợi ích của tất cả các bên. Việc cung ứng vắc xin cho Việt Nam không chỉ vì lợi ích của Việt Nam mà còn vì lợi ích chung của các đối tác, góp phần vào việc phòng chống dịch và duy trì chuỗi cung ứng trên phạm vi toàn cầu.