Thủ tướng nói về 8.000 tỷ đồng quỹ vắc xin và ATM gạo, ATM oxy chống dịch Thủ tướng nói về 8.000 tỷ đồng quỹ vắc xin và ATM gạo, ATM oxy chống dịch , Người xứ Nghệ Kiev
Dân trí
Các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đóng góp cho quỹ vắc xin hơn 8.000 tỷ đồng, Chính phủ đã sử dụng hơn 2.000 tỷ đồng để mua vắc xin; có những cây ATM gạo, ATM oxy để hỗ trợ Chính phủ và nhân dân.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã cho biết như vậy khi chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ với các doanh nhân, đại diện doanh nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp và bộ, ngành, địa phương diễn ra sáng nay (8/8). Hội nghị là dịp để lắng nghe, chia sẻ, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
Hiện nay, tình hình dịch bệnh vẫn tiếp tục diễn biến rất phức tạp, nghiêm trọng do chủng mới Delta có tốc độ lây lan nhanh và nguy hiểm hơn. Đồng thời, nhiều quốc gia đã có chiến lược chuyển sang trạng thái "sống chung với dịch" để đưa ra các giải pháp phát triển kinh tế trong và sau đại dịch, tránh lỡ nhịp và giảm cạnh tranh, thu hút đầu tư phát triển kinh tế.
Ở Việt Nam, nhiều địa phương đang phải thực hiện giãn cách xã hội. Hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp bị đình trệ, thua lỗ. Đời sống nhân dân nói chung và công nhân nói riêng gặp khó khăn… Thủ tướng bày tỏ sự chia sẻ và thấu hiểu là không ít doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động, đóng cửa, rút khỏi thị trường, nêu rõ Hội nghị hôm nay tập trung vào 8 từ "đánh giá - giải pháp - thiết thực - hiệu quả".
"Chính phủ cảm ơn các doanh nhân, doanh nghiệp đã có nhiều đóng góp trong thời gian qua. Chính phủ rất quan tâm, chia sẻ và luôn đồng hành, hỗ trợ các doanh nghiệp, doanh nhân khi gặp khó khăn. Đây là thời điểm "lửa thử vàng- gian nan thử sức", "chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo" để vượt qua khó khăn, dự báo, nắm bắt cơ hội để phát triển doanh nghiệp và góp phần phát triển đất nước với tầm nhìn xa, trông rộng, gắn với dự báo tình hình trong thời gian tới.
Trong thời gian qua, tôi đánh giá cao cộng đồng doanh nghiệp bằng bản lĩnh, trí tuệ vẫn duy trì được sản xuất, kinh doanh, không đứt gãy chuỗi sản xuất, bảo đảm cuộc sống của người lao động, góp phần vào tăng trưởng kinh tế những năm qua và 7 tháng đầu năm. Nhưng tôi cũng rất chia sẻ, thấu hiểu với nhiều lĩnh vực kinh doanh dù nỗ lực đến đâu cũng không tránh được sự thua lỗ, thậm chí phá sản nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước, của nhân dân, đặc biệt là các ngành hàng không, du lịch...", Thủ tướng phát biểu.
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, Chính phủ thấu hiểu, chia sẻ, cảm thông những khó khăn chồng chất khó khăn của các doanh nghiệp trong thời gian vừa qua. Chính vì vậy, trong khả năng của mình, Chính phủ, các Bộ ngành, địa phương đã rất cố gắng tạo điều kiện tốt nhất hỗ trợ các doanh nghiệp về cơ chế chính sách để duy trì, phục hồi và phát triển sản xuất.
Trong thời gian tới, các doanh nghiệp vẫn tiếp tục phải đối mặt với rất nhiều khó khăn và thách thức và cần có giải pháp tháo gỡ để phục hồi sản xuất. Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần chung là phải đánh giá thực chất, khách quan, toàn diện những khó khăn, thách thức của doanh nghiệp; phân tích kỹ nguyên nhân, bài học kinh nghiệm và tìm cho được các giải pháp tháo gỡ cụ thể, thiết thực, hiệu quả trong tình hình cấp bách hiện nay cũng như lâu dài.
Thủ tướng bày tỏ đánh giá rất cao và cảm ơn các doanh nghiệp mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn nhưng đã cố gắng "chung tay, góp sức" hỗ trợ đồng bào gặp khó khăn, hỗ trợ cho cuộc chiến chống dịch Covid-19. Các doanh nhân đã thể hiện nét đẹp truyền thống của người Việt Nam "thương người như thể thương thân", tinh thần "tương thân tương ái", "một miếng khi đói bằng một gói khi no".
Ngay sau khi quỹ vắc xin được thành lập đến nay, số tiền các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đóng góp đã lên tới hơn 8.000 tỷ đồng. Chính phủ đã sử dụng hơn 2.000 tỷ đồng của quỹ để mua vắc xin và sẽ công khai, minh bạch việc sử dụng quỹ vắc xin.
Hiện nay các doanh nghiệp vẫn tiếp tục đóng góp để hỗ trợ mua vắc xin, thuốc, cơ sở khám chữa bệnh, vật tư, trang thiết bị y tế, hỗ trợ lực lượng tuyến đầu chống dịch... Thậm chí có những doanh nhân còn sáng tạo cây ATM gạo, ATM oxy và bằng nhiều hình thức khác nhau để hỗ trợ Chính phủ và nhân dân.
"Chính phủ và cá nhân tôi rất cảm động và cảm nhận sâu sắc, các doanh nhân đã hỗ trợ nhân dân bằng cả tấm lòng và trái tim, đã viết nên nét văn hóa doanh nhân rất đẹp, rất nhân văn, thiết thực và hiệu quả. Tôi mong tinh thần ấy, nhiệt huyết ấy sẽ được các anh chị em doanh nghiệp, doanh nhân tiếp tục phát huy trong thời gian tới, để góp phần Chiến thắng đại dịch Covid-19, để xây dựng đất nước Việt Nam giàu đẹp và mang lại hạnh phúc, ấm no cho nhân dân" - Thủ tướng nhấn mạnh
Bối cảnh hiện nay đặt ra yêu cầu và nhiệm vụ to lớn cho Chính phủ, các bộ ngành, địa phương, Thủ tướng cho biết cần có các biện pháp chống dịch quyết liệt, kịp thời và hiệu quả để trước hết là bảo vệ sức khỏe, tính mạng và ổn định đời sống của nhân dân; cần giữ vững và phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, nỗ lực cao nhất để không đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng.
Thời gian tới, Chính phủ sẽ có phương án gặp doanh nghiệp theo từng lĩnh vực, từng nhóm ngành nghề để bàn sâu hơn, có giải pháp phù hợp hơn. Chính phủ luôn đồng hành, quan tâm, hỗ trợ và giúp đỡ doanh nghiệp lúc khó khăn, trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ.