Ông Thăng: Đầu tư vào Oceanbank đã mang lại hiệu quả
Phiên xử ông Đinh La Thăng cùng 6 đồng phạm gây thiệt hại 800 tỷ đồng cho PVN chiều 20/3 tiếp tục với phần xét hỏi. Mở đầu, luật sư Phan Trung Hoài, bào chữa cho bị cáo Đinh La Thăng, thẩm vấn thân chủ của mình.
Theo trình bày của ông Thăng, sau khi không được thành lập Ngân hàng Hồng Việt, PVN đứng trước nhiều thách thức, nhiều công việc cần xử lý như bộ máy nhân sự của Hồng Việt, cơ sở vật chất, phần mềm quản lý...
Bị cáo Đinh La Thăng trả lời luật sư chiều 20/3.
“PVN đứng trước thách thức lớn làm sao tìm được ngân hàng để vừa đầu tư có lãi, vừa tiếp nhận nhân sự, bộ máy của Hồng Việt.” - bị cáo Thăng nói.
Nói về thời điểm trước khi ký thỏa thuận hợp tác với Hà Văn Thắm, cựu Chủ tịch HĐQT PVN cho biết, các lãnh đạo của PVN đã làm việc, bàn bạc với nhiều ngân hàng nhưng không đi đến thống nhất. Khi biết Oceanbank chấp nhận những điều kiện PVN đề ra, bị cáo Thăng đã chỉ đạo Ban trù bị thành lập Ngân hàng Hồng Việt xem xét các cơ sở góp vốn, mua cổ phần...
Theo ông Thăng, trước khi ký thỏa thuận hợp tác với Hà Văn Thắm, bị cáo có được nghe báo cáo sơ bộ về hoạt động của Oceanbank, trong đó có báo cáo Oceanbank là ngân hàng bán lẻ tốt nhất, xếp loại A.
Sau khi mời Hà Văn Thắm đến trụ sở bàn bạc, hai bên đã ký Thỏa thuận hợp tác. Theo lời bị cáo Thăng, trong Thỏa thuận nói rõ, hai bên sẽ phối hợp, trình các cơ quan có thẩm quyền xem xét, hướng dẫn trình tự, thủ tục mua cổ phần.
“Đó chỉ là thỏa thuận ban đầu làm căn cứ để báo cáo HĐQT... Thỏa thuận không phải là văn bản pháp lý, không phải là căn cứ để mua cổ phần.” - cựu Chủ tịch HĐQT PVN nói và khẳng định, tất cả các đợt quyết định đầu tư, góp vốn vào Oceanbank đều được thực hiện sau khi có văn bản của Thủ tướng Chính phủ, căn cứ vào sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ.
Được hỏi về đánh giá của bản thân về việc chấp hành pháp luật trong đầu tư ra ngoài công ty mẹ của PVN cũng như trình tự góp vốn vào Oceanbank, ông Thăng khẳng định, trách nhiệm PVN thực hiện theo pháp luật là đương nhiên, các lãnh đạo PVN đều tuân thủ.
“Trình tự, thủ tục PVN thực hiện hoàn toàn đúng và đã thực sự mang lại hiệu quả. Nếu đầu tư có vấn đề thì thì các cơ quan nhà nước đã có văn bản “thổi còi”, nhưng ở đây các cơ quan quản lý, giám sát không có văn bản phản đối gì.” - bị cáo Thăng trình bày.
Cựu Chủ tịch HĐQT Oceanbank Hà Văn Thắm được yêu cầu lên đối chất lời khai. Trước tòa, Hà Văn Thắm khẳng định, PVN yêu cầu nếu PVN góp vốn thì Oceanbank phải tiếp nhận toàn bộ nhân sự, cơ sở vật chất đã chuẩn bị để thành lập ngân hàng Hồng Việt; đồng thời phải bán cổ phần giá thấp cho PVN.
Ông Thăng nhận trách nhiệm cho cấp dưới
Luật sư Phan Trung Hoài tiếp tục đặt câu hỏi với bị cáo Đinh La Thăng để làm rõ về lần góp vốn thứ 3 (100 tỷ đồng) của PVN vào Oceanbank. Theo cáo buộc, sau khi Hà Văn Thắm có văn bản gửi PVN báo cáo về tình hình đăng ký tăng vốn điều lệ, dự kiến điều chỉnh kế hoạch, đề nghị PVN tăng vốn điều lệ ở mức tối đa 20% vào Oceanbank.
Cựu Chủ tịch HĐQT Occeanbank Hà Văn Thắm đối chất lời khai.
Tại thời điểm này, Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 đã có hiệu lực từ ngày 1/1/2011, quy định: “Một cổ đông là tổ chức không được sở hữu vượt quá 15% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng…”. Như vậy, phần vốn của PVN tại Oceanbank đã vượt quá 5% so với quy định.
Lẽ ra Đinh La Thăng với trách nhiệm là Chủ tịch HĐTV phải chỉ đạo việc thoái vốn tại Oceanbank để đảm bảo tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ là 15%. Tuy nhiên, ngày 10/5/2011, Đinh La Thăng lại ký Quyết định giao cho Vũ Thị Thanh Hương làm người đại diện phần vốn của PVN tại Oceanbank với tỷ lệ 20% vốn điều lệ của ngân hàng này.
Trình bày trước tòa, ông Thăng cho biết, trong lần góp vốn này, ông đang đi công tác dài ngày và có ủy quyền điều hành cho Nguyễn Xuân Thắng và Hoàng Xuân Hùng. Cựu Chủ tịch HĐQT PVN khẳng định, bị cáo ủy quyền điều hành chứ không ủy quyền biểu quyết thay một nghị quyết của HĐQT nào cụ thể.
“Việc mua thêm cổ phần tăng vốn của Oceanbank không có chủ trương, chủ trương đã có từ trước đó chứ không phải ký thêm đợt 3 để nâng tỷ lệ lên 20%.” - bị cáo Thăng nói và cho biết, PVN muốn thoái vốn phải có sự đồng ý của Thủ tướng.
Ông Thăng cũng khai rằng, bản thân không biết gì về Nghị quyết số 4266 về việc góp thêm vốn vào Oceanbank; ông không ký, không tham gia biểu quyết, thống nhất Nghị quyết, khi đi công tác về cũng không biết.
“Bị cáo rất tôn trọng báo cáo của anh Xuân Thắng, tuy nhiên bị cáo không được nghe trực tiếp anh Thắng báo cáo. Bị cáo hoàn toàn không biết nghị quyết đó. Nếu biết, bị cáo đã có chỉ đạo dừng thực hiện.
Bị cáo nhận trách nhiệm của người đứng đầu và người ủy quyền điều hành. Bị cáo sẵn sàng nhận trách nhiệm thay cho anh Thắng, anh Sơn, Liêm, Trường, Đức giả sử có vấn đề gì không đúng. Bị cáo xin nhận thay tất cả. “ - ông Thăng nói.
Tiến Nguyên
http://dantri.com.vn/phap-luat/ong-dinh-la-thang-xin-nhan-trach-nhiem-cho-tat-ca-bi-cao-20180320171410558.htm