Lớp băng ở Bắc Cực đang dần mỏng đi nhanh gấp đôi so với suy đoán trước đây, điều này làm dấy lên những lo ngại mới về tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu cũng như khả năng gia tăng thời tiết khắc nghiệt và lũ lụt ở các vùng ven biển trên thế giới.
Ngay cả ở đây, tác động của biến đổi khí hậu cũng có thể cảm nhận được.
Ông Dmitry Lobusov, chỉ huy tàu "50 Let Pobedy" (50 Năm Chiến thắng) nằm trong hạm đội tàu phá băng của Nga đã nhìn thấy rõ điều đó ngay trước mắt.
"Đầu những năm 2000, băng cứng và dày hơn"
Sau gần 30 năm lênh đênh trên biển, phần lớn ở Bắc Cực, ông Lobusov đã tận mắt chứng kiến những thay đổi do hiện tượng nóng lên toàn cầu gây ra.
"Vào những năm 1990 và đầu những năm 2000, băng cứng hơn và dày hơn", người thủy thủ dày dạn kinh nghiệm này nói với AFP. Theo ông, ở đây từng có rất nhiều lớp băng lâu năm, ám chỉ băng hình thành trên bề mặt các đại dương ở hai cực và tồn tại qua nhiều mùa khí hậu khắc nghiệt.
"Nhưng giờ đây, chúng tôi hầu như không thấy loại băng đó nữa", ông cho biết thêm.
Vị chỉ huy này giải thích, lớp băng lâu năm dày hơn và chắc hơn do nó hình thành trong nhiều năm nên khiến tàu phá băng khó cắt hơn. Nhưng ngày nay, phần lớn lớp băng bao phủ được hình thành chỉ trong thời gian ngắn và nhanh chóng tan chảy vào mùa hè.
Các nhà khoa học cho biết, không còn nghi ngờ gì nữa, đây là hậu quả do hiện tượng thay đổi khí hậu.
Trong một báo cáo vào tháng 3, Cơ quan khí tượng Rosgidromet của Nga, lớp băng ở Bắc Cực hiện mỏng hơn từ 5 - 7 lần so với những năm 1980 và trong những tháng mùa hè, vùng biển này ngày càng không có lớp băng.
Lớp băng ở Bắc Cực hiện mỏng hơn từ 5 - 7 lần so với những năm 1980. Ảnh: World Atlas
Vào tháng 9/2020, lớp phủ băng ở Bắc Cực của Nga đạt mức thấp nhất là 26.000km vuông, mức kỷ lục tại thời điểm đó trong năm, báo cáo cho biết. Khí hâu ở nước Nga, vốn có 1/3 trong số đó nằm trong vòng Bắc Cực, đang ấm lên nhanh hơn mức trung bình toàn cầu, với nhiệt độ đã tăng nửa độ mỗi thập kỷ qua, kể từ năm 1976.
Viktor Boyarsky, một nhà thám hiểm dày dạn 70 tuổi, đang du hành trên tàu phá băng, cho biết khu vực này đang mắc kẹt trong một vòng luẩn quẩn khi lớp băng đang tan dần "cho phép" các vùng nước ấm hơn của Đại Tây Dương tràn vào lưu vực Bắc Cực.
"Đó là phản ứng dây chuyền. Ít băng hơn đồng nghĩa với nhiều nước hơn và nhiệt cao hơn", ông nói khi đứng trong lớp sương mù bao phủ các thềm băng ở Bắc Cực.
Cháy rừng ở nơi lạnh nhất Trái đất có người sống
Mùa hè 2021, nước Nga còn chứng kiến một hiện tượng thiên nhiên đáng ngại khác. Đó là cháy rừng.
Những vụ cháy rừng quy mô khổng lồ hoành hành khắp Siberia ở mức độ kỷ lục, lớn hơn toàn bộ các vụ cháy rừng khắp thế giới vào mùa hè năm nay gộp lại.
Những vụ cháy rừng quy mô khổng lồ hoành hành khắp Siberia ở mức độ kỷ lục. Ảnh: AP
Cháy rừng tại đây xảy ra một phần là do các đợt sóng nhiệt cực đoan và tình trạng hạn hán kỷ lục mà các nhà khoa học cho là do sự nóng lên của Trái đất liên quan tới biến đổi khí hậu.
Khu vực trầm trọng nhất là cộng hòa Sakha, cách Moscow 3000 dặm về phía Đông, một trong những khu vực lạnh nhất trên Trái đất có người sinh sống. Cháy rừng đã kéo dài từ cuối xuân và ở mức lớn nhất từng thấy.
Lượng khói khổng lồ bay dạt tới tận Alaska và Bắc Cực. Giới chức địa phương đang nỗ lực khống chế những cơn hỏa nộ nhưng họ thiếu cả về nhân lực và vật lực.
Sviatoslav Kolesov, chỉ huy một nhóm cứu hộ chữa cháy ở Sakha, cho hay: "Tôi đã làm việc từ năm 1988 và chưa từng thấy một mùa hè nào như vậy. Tình hình hiện tại thật điên rồ. Có quá nhiều đám cháy và đa phần đều lớn".
Trước thực trạng này, Tổng thống Vladimir Putin đã thay đổi quan điểm về tình trạng biến đối khí hậu trong những năm gần đây, và yêu cầu chính phủ xây dựng kế hoạch cắt giảm lượng khí thải carbon xuống dưới mức của Liên minh châu Âu vào năm 2050.
Tổng thống Putin cho biết ông rất lo lắng về một loạt thảm họa thiên nhiên "hoàn toàn chưa từng có" ở Nga.
Mã đỏ cho toàn nhân loại
Hồi đầu tháng 9, Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (IPCC) đã ra báo cáo cho biết ngưỡng tăng nhiệt 1,5 độ C mà thế giới muốn giữ sẽ bị phá vỡ vào năm 2050, dù nhân loại có cố giảm thiểu ô nhiễm khí thải tới mức nào.
Tới nay, khi Trái đất mới ấm lên 1,1 độ C, hàng loạt thảm họa thiên nhiên chết người chưa từng thấy đã quét qua thế giới vào mùa hè này, từ sóng nhiệt nóng tới mức chảy nhựa đường ở Canada cho tới mưa lớn kinh hoàng ở Trung Quốc và cháy rừng không thể khống chế nổi khắp Hi Lạp, California, Siberia.
Báo cáo của IPCC là "mã đỏ với nhân loại", Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres nói.
"Hồi chuông cảnh báo kêu vang và bằng chứng thì không thể phủ nhận được: khí nhà kính phát thải từ hoạt động đốt nhiên liệu hóa thạch và phá rừng đang nuốt lấy hành tinh chúng ta và đặt hàng tỉ con người vào nguy cơ cận kề".
"Chúng ta chỉ là khách"
Sau nhiều năm lênh đênh trên biển, thuyền trưởng tàu phá băng Lobusov cho biết, những thay đổi ở Bắc Cực là không thể phủ nhận.
Cùng với lớp băng mỏng hơn ở Bắc Cực, ông cho biết, Bắc Cực hiện bị bao phủ bởi sương mù vào mùa hè. "Tôi nghĩ đó cũng là tác động của sự ấm nóng lên trên toàn cầu, khiến không khí có thêm độ ẩm".
Ông cũng đã nhìn thấy các sông băng đang thu hẹp lại ở Bắc Cực, như trên quần đảo Franz Josef Land gồm hơn 190 hòn đảo. Ông nói: "Nhiều sông băng đang rút dần về phía trung tâm của các hòn đảo so với vị trí của chúng trên bản đồ. Không nghi ngờ gì nữa, đây là ảnh hưởng của nhiệt độ đang tăng lên".
Con tàu "50 Let Pobedy" của ông Lobusov, thuộc hạm đội tàu phá băng do tập đoàn năng lượng nguyên tử nhà nước Nga Rosatom vận hành, đã đến Bắc Cực 59 lần. Và trong chuyến đi này, tàu có chở theo một nhóm thanh thiếu niên đã giành chiến thắng trong cuộc thi du lịch trên tàu.
Khi con tàu dài 160 m này đi qua bờ biển của Prince George Land - một hòn đảo thuộc quần đảo Franz Josef Land, họ thấy một con gấu Bắc Cực lang thang trên băng. "Những con gấu là chủ nhân ở đây, đây là nhà của chúng", ông Lobusov nói và nhấn mạnh: "Chúng ta chỉ là khách".