Bí ẩn cái chết của người đầu tiên được ghép tim lợn Bí ẩn cái chết của người đầu tiên được ghép tim lợn , Người xứ Nghệ Kiev
Thứ sáu, ngày 24/06/2022
Đầu năm nay, David Bennett trở thành người đầu tiên được phẫu thuật cấy ghép tim lợn. Nhưng chỉ hai tháng sau, bệnh nhân 58 tuổi đã qua đời.
Đến nay, các bác sĩ vẫn chưa thể làm sáng tỏ hoàn toàn cái chết của ông Bennett. Đã có nhiều giả thuyết được đưa ra về vụ việc. Dù nguyên nhân cái chết của ông Bennett còn là bí ẩn, các nhà khoa học cho rằng vẫn nên tiến hành thêm các thử nghiệm lâm sàng cấy ghép nội tạng lợn cho người, theo Wall Street Journal.
Vì sao bệnh nhân tử vong?
Ca cấy ghép tim của ông Bennett được tiến hành tại Bện viện Y Đại học Maryland, thành phố Baltimore của Mỹ hồi tháng 1.
Mục tiêu của ca cấy ghép là kéo dài sự sống cho bệnh nhân. Trước đó, ông Bennett đã trải qua nhiều tuần sống phụ thuộc vào máy móc do tim và phổi đã ngừng hoạt động.
Trong nghiên cứu được công bố hôm 22/6 trên tạp chí y khoa New England Journal of Medicine, các nhà khoa học cho rằng ông Bennett tử vong do trụy tim. Tuy nhiên, nhóm tác giả không giải thích được vì sao trái tim lợn cấy ghép lại trở nên dày hơn và mất khả năng bơm máu sau 7 tuần.
Muhammad M. Mohiuddin, giáo sư ngành phẫu thuật Đại học Maryland và là một trong các tác giả của nghiên cứu, cho hay nguyên nhân dẫn tới trụy tim vẫn còn là "bí ẩn".
Các nhà nghiên cứu cho rằng một trong những giải thích khả dĩ là trái tim lợn bị kháng thể tấn công. Trước đó, ông Bennett được tiêm kháng thể để điều trị nhiễm trùng.
Một nguyên nhân tiềm tàng khác có thể là bệnh nhân đã ngưng sử dụng thuốc ức chế miễn dịch, đây là loại thuốc được dùng để ngăn cơ thể đào thải trái tim lợn.
Việc ngưng sử dụng thuốc là bắt buộc bởi lượng hồng cầu trong máu của ông Bennett giảm mạnh. Điều này khiến trái tim dễ bị tổn thương và có nguy cơ bị cơ thể đào thải cao hơn.
Bên cạnh đó, một lý do khả thi khác là trái tim lợn cấy ghép cho bệnh nhân đã bị suy yếu bởi một loại virus có tên cytomegalo trên lợn được phát hiện khoảng 20 ngày sau ca phẫu thuật.
Hiện chưa có bằng chứng ông Bennett bị nhiễm virus nói trên. Tuy nhiên, virus có trong tim lợn có thể gây ra triệu chứng viêm, góp phần dẫn đến hàng loạt biến chứng khiến bệnh nhân tử vong.
Các nghiên cứu liên quan cấy ghép nội tạng lợn vào khỉ cho thấy khả năng kéo dài sự sống trên vật chủ bị hạn chế nếu xuất hiện virus cytomegalo trên lợn.
Các nhà khoa học tiến hành thí nghiệm về ghép tạng chéo giữa các loài cho biết thực tế cơ thể ông Bennett không lập tức đào thải trái tim lợn, cũng như bệnh nhân đã sống thêm 2 tháng sau ca phãu thuật, cho thấy việc tiếp tục triển khai các thử nghiệm lâm sàng là hợp lý.
"Cuộc sống ngắn ngủi của ông Bennett nên thúc đẩy các bước thí nghiệm lâm sàng, thay vì cản trở bước tiến khoa học vì ông ấy tử vong. Trước đây, câu hỏi cản bước tiến toàn bộ ngành ghép tạng là nội tạng lợn có hỗ trợ sự sống con người được không. Câu trả lời giờ là có", Allan Kirk, trưởng khoa phẫu thuật Đại học Y Duke, nhận định.
Cần tiếp tục thí nghiệm trên người?
Cơ quan Quản lý dược phẩm và thực phẩm (FDA) Mỹ đang xem xét nghiên cứu của Đại học Maryland. FDA cho biết việc cấp phép nghiên cứu cấy ghép tạng được xem xét theo từng vụ việc.
Đại học Maryland và công ty Revivicor - đơn vị cung cấp trái tim lợn cho ông Bennett - hy vọng có thể dàn xếp một cuộc họp với quan chức FDA trong hè này để thảo luận về khả năng thử nghiệm lâm sàng ghép tạng động vật.
Trong một diễn biến khác, Đại học Alabama cũng đang chờ FDA cấp phép khởi động thử nghiệm lâm sàng ghép tạng động vật cho người.
Trước đó, Đại học Alabama tuyên bố đã cấy ghép thành công một cặp thận của lợn vào cơ thể một người chết não.
Trong cuối tháng 6, FDA sẽ thành lập một ủy ban tư vấn cộng đồng để lắng nghe các ý kiến về cấy ghép tạng động vật. Giáo sư Allan Kirk cho biết ông hy vọng FDA sẽ ủng hộ cấp phép, trên cơ sở dữ liệu thí nghiệm trong vài năm qua, bao gồm trường hợp của bệnh nhân Bennett.
"Có một số câu hỏi sẽ không được trả lời nếu chỉ thử nghiệm trên linh trưởng không phải con người. Cách duy nhất để giải đáp các câu hỏi là cấy ghép trên người", giáo sư Kirk cho biết.
Ca cấy ghép của ông Bennett được cộng đồng ghép tạng theo dõi sát sao, bởi hiện nay tạng động vật được kỳ vọng sẽ giúp khỏa lấp sự thiếu hụt nguồn cung nội tạng người.
Theo dữ liệu của Mạng lưới chia sẻ nội tạng, luôn có hơn 100.000 bệnh nhân tại Mỹ trong danh sách chờ ghép tim, thận và các nội tạng khác. Mỗi năm, hơn 6.000 người tử vong trước khi có cơ hội được ghép tạng.
Những tiến bộ gần đây về biến đổi gene đã mang tới hy vọng cho các nhà nghiên cứu về khả năng sử dụng nội tạng lợn ghép cho con người.
Trái tim lợn ghép cho ông Bennett chứa 10 biến đổi gene nhằm khiến nó tương thích hơn với cơ thể con người. Trái tim lợn cũng được xét nghiệm virus và các mầm bệnh khác trước khi cấy ghép.
Theo giáo sư Mohiuddin, sẽ có thêm các xét nghiệm phức tạp hơn với các ca cấy ghép tạng trong tương lai. Ông Mohiuddin khẳng định các bác sĩ sẽ không ghép tạng nếu phát hiện có virus.
"Sẽ cần kiểm tra kỹ con lợn hiến tạng và bệnh nhân tiếp nhận. Tuy nhiên, để có thể thu được dữ liệu về an toàn trong cấy ghép, chúng ta cần thử nghiệm trên người", giáo sư Jay Fishman, giám đốc chương trình bệnh truyền nhiễm trong ghép tạng tại Bệnh viện Tổng hợp Massachusetts, cho biết.
Trong khi đó, nhà nghiên cứu Karen Maschke của Trung tâm nghiên cứu Hastings, cho rằng cần có sự cân bằng giữa yếu tố khoa học và đạo đức trong cấy ghép tạng động vật. Trong khi một số người phản đối lấy tạng từ động vật vì yếu tố đạo đức, có những người không hiểu hết những rủi ro liên quan công nghệ mới như cấy ghép tạng động vật cho người.
"Đến một mốc nào đó, chúng ta sẽ phải thử nghiệm trên người. Nếu không có thử nghiệm, chúng ta sẽ không thể giải đáp hết các câu hỏi", bà Maschke nói.