(HNM) - Việc nghiên cứu và chế tạo thành công máy đan giỏ tự động của nhóm sinh viên Viện Cơ khí, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho thấy khả năng sáng tạo, tinh thần dám nghĩ, dám làm, quyết tâm đưa khoa học kỹ thuật vào cuộc sống của họ. Sáng chế hữu ích này sẽ góp phần nâng cao giá trị, hiệu quả sản xuất tại nhiều làng nghề ở Hà Nội.
Tận dụng nguồn phụ phẩm nông nghiệp
Ý tưởng chế tạo máy đan giỏ tự động ra đời xuất phát từ đề xuất của một người thợ thủ công ở làng nghề Phú Vinh (xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ) với Viện Cơ khí, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Ngay sau khi nhận được đề xuất, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Kiên, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ đào tạo, nghiên cứu và đổi mới công nghệ, Phó Trưởng bộ môn Công nghệ chế tạo máy, Viện Cơ khí đã tập hợp 5 sinh viên khóa 61, gồm: Nguyễn Đức Sơn, Nguyễn Ngọc Anh, Nguyễn Công Thương (Chế tạo máy); Nguyễn Hoàng Anh, Đỗ Như Đông (Cơ điện tử) để cùng tìm hiểu và phát triển máy đan giỏ sử dụng nguyên liệu đầu vào là các phụ phẩm nông nghiệp, trong đó chủ yếu là lá sả sau khi chưng cất tinh dầu, lá cói, lá đay, rơm rạ…
Theo sinh viên Nguyễn Đức Sơn, Trưởng nhóm BK Farmers (nhóm của 5 thành viên nêu trên), trong quá trình nghiên cứu, nhóm nhận thấy chiếc máy đan giỏ tương lai này có tính ứng dụng cao. Việc tận dụng triệt để nguồn phụ phẩm nông nghiệp giúp đem lại lợi ích kinh tế trực tiếp cho người nông dân, đồng thời góp phần lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường.
Trong khi đó, sinh viên Nguyễn Ngọc Anh chia sẻ, máy đan giỏ tự động có cơ chế vận hành đơn giản. Máy được thiết kế nhỏ gọn, tiện lắp ráp, bảo dưỡng, vận chuyển hoặc thay thế. Máy có cấu tạo gồm 2 cụm chính, là cụm bện sợi và cụm đan. Nguyên liệu đầu vào khi đi qua cụm bện sợi sẽ được bện thành sợi với kích cỡ phụ thuộc vào số lượng lá cung cấp ở đầu vào, rồi được quấn lại thành các cuộn phôi. Sản phẩm cuối cùng có thể là giỏ, đĩa hoặc bình..., phụ thuộc vào hình dáng và kích thước của thiết bị định hình được sử dụng.
Đặt mục tiêu thương mại hóa sản phẩm
Sau nhiều lần chạy thử và điều chỉnh thiết kế, sản phẩm máy đan giỏ tự động của nhóm BK Farmers đã hoàn thành. Máy có kích thước 1.550x580x840mm (dài/rộng/cao), khối lượng khoảng 80kg, năng suất 30-50 sản phẩm/ngày. Tổng chi phí khoảng 35 triệu đồng/máy.
Sinh viên Nguyễn Hoàng Anh - thành viên của nhóm - cho biết, máy đan giỏ cho năng suất vượt trội, tăng gấp 8-10 lần và chi phí chỉ bằng 15-20% so với chi phí sản xuất thủ công. Chất lượng sản phẩm tương đối ổn định, do không phụ thuộc tay nghề người thợ.
“Máy đan giỏ giải quyết hai bài toán chính. Thứ nhất, tận dụng nguồn phụ phẩm lá sả sau khi chưng cất tinh dầu đang bị bỏ phí hoặc chưa có biện pháp xử lý để mang lại hiệu quả kinh tế. Thứ hai, tự động hóa quá trình đan giỏ thủ công phức tạp song năng suất thấp, chất lượng thiếu ổn định thành hoạt động sản xuất mang lại năng suất và lợi ích kinh tế cao hơn”, Trưởng nhóm Nguyễn Đức Sơn thông tin.
Cũng theo Trưởng nhóm Nguyễn Đức Sơn, thời gian tới, nhóm sẽ chế tạo các phiên bản thử nghiệm, kết hợp sản xuất thực tế tại làng nghề Phú Vinh để đánh giá thêm về hiệu quả. Từ đó, tiến tới tối ưu hóa thiết kế, chi phí để nghiên cứu, tạo ra phiên bản tốt nhất, phát triển thành sản phẩm thương mại.
Quan sát chiếc máy hoạt động với sản phẩm đa dạng, nhiều kích cỡ, anh Nguyễn Văn Sơn ở làng nghề Phú Vinh phấn khởi nhận xét: "Máy đan giỏ tự động sẽ là một thiết bị hỗ trợ cho hoạt động sản xuất mặt hàng thủ công mỹ nghệ, mang lại năng suất và hiệu quả kinh tế cao".
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Đăng Chính, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, sản phẩm máy đan giỏ tự động đã đoạt giải Nhì cuộc thi sáng tạo trẻ Bách khoa năm 2020 dành cho sinh viên khối các trường kỹ thuật trong cả nước. Sản phẩm của nhóm đã hướng tới các sản phẩm ứng dụng, có khả năng khởi nghiệp, phục vụ cuộc sống. Sản phẩm có thể nghiên cứu ở hướng chuyên sâu cao hơn để ứng dụng trong thực tế và thương mại hóa.
Nếu được hỗ trợ, định hướng tốt, những sáng chế như thế này có thể phát triển thành những dự án, lan tỏa thành xu hướng trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của tuổi trẻ Thủ đô, đóng góp vào “Chương trình hỗ trợ thanh niên Thủ đô khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” do Thành đoàn Hà Nội tổ chức nhằm triển khai thực hiện Chương trình số 07-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội (khóa XVII) về “Đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025”.
Có thể thấy, sáng chế của nhóm sinh viên Viện Cơ khí, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội rất hữu ích, thiết thực, thể hiện khả năng sáng tạo của tuổi trẻ, vận dụng tri thức và công nghệ mới để tạo ra sản phẩm hướng đến phục vụ cộng đồng. Nếu thương mại hóa thành công, dự án sẽ tăng năng suất lao động cho các thợ thủ công, góp phần xây dựng Thủ đô ngày càng văn minh, hiện đại.