100 triệu năm trước, những kẻ săn mồi hung dữ, bao gồm cả thằn lằn bay và những kẻ săn mồi trông giống như cá sấu, đã biến Sahara thành nơi nguy hiểm nhất trên Trái Đất.
Ảnh minh họa
Điều này được công bố bởi một nhóm các nhà khoa học quốc tế, nhóm nghiên cứu đã công bố đánh giá lớn nhất trong gần 100 năm qua, về hóa thạch của các động vật có xương sống ở một vùng địa chất thuộc các thành tạo đá kỷ Phấn Trắng ở đông – nam Morocco, vùng địa chất này có tên là Nhóm Kem Kem.
Đánh giá được công bố trên tạp chí ZooKeys này đã “mở ra cánh cửa để bước vào Thời đại Khủng long của châu Phi”, trưởng nhóm nghiên cứu – tiến sĩ Nizar Ibrahim, Giáo sư dự khuyết về sinh học tại Đại học Detroit Mercy kiêm nghiên cứu viên tại Đại học Portsmouth nhận định.
Khoảng 100 triệu năm trước, khu vực này là một hệ thống sông rộng lớn, với đầy các loại động vật dưới nước và trên cạn khác nhau. Các hóa thạch ở Nhóm Kem Kem bao gồm ba nhóm khủng long ăn thịt lớn nhất từng được biết đến: khủng long răng kiếm Carcharodontosaurus (dài hơn 8 mét với bộ hàm khổng lồ và những chiếc răng hình lưỡi cưa dài tới 8 inch (khoảng 20cm), khủng long Deltadromus (dài khoảng 8m, là một thành viên thuộc họ chim ăn thịt với chân sau dài và mảnh khảnh khác thường, một vài loài thằn lằn bay ăn thịt, và những kẻ săn mồi trông giống cá sấu. Tiến sĩ Ibrahim cho biết, đây là nơi nguy hiểm nhất trong lịch sử Trái Đất, đó là nơi mà nếu có người du hành xuyên thời gian đặt chân đến thì anh ta sẽ không thể tồn tại quá lâu.
Theo giáo sư David Martill tới từ Đại học Portsmouth, nhiều kẻ săn mồi đã dựa vào nguồn cung cấp cá dồi dào ở đây. Ông cho biết nơi này chứa đầy những loài cá cực kỳ to lớn, bao gồm cả cá vây tay và cá phổi khổng lồ. Ví dụ như, cá vây tay thời đó có thể lớn gấp 4 – 5 lần so với hiện nay. Ở đó còn có một loài cá mập nước ngọt khổng lồ tên là cá đao với điểm đáng sợ nhất là bộ răng ở trên mõm, chúng trông như những cao dao găm có gai nhưng sáng bóng và tuyệt đẹp.
Các nhà nghiên cứu từ các trường Đại học Detroit, Chicago, Montana, Portsmouth, Leicester, Casablanca và Mc Gill, cũng như Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Pari, đã đưa ra những thông tin chi tiết đầu tiên và minh họa đầy đủ về vách núi giàu hóa thạch vẫn được gọi là “hệ lớp chứa Kem Kem” này. Hiện nay, nhóm nghiên cứu đã xác định khối trầm tích này cũng giống như Nhóm Kem Kem, và bao gồm hai hệ tầng riêng biệt ở Gara Sbaa và Douira.
Để tập hợp bộ dữ liệu và số lượng các bức ảnh hóa thạch đồ sộ có nguồn gốc từ luận văn tiến sĩ của mình, tiến sĩ Ibrahim đã đến xem các bộ sưu tập hóa thạch Kem Kem ở một số châu lục.
Theo giáo sư Martill, việc làm sáng tỏ quá khứ xa xưa của châu Phi là điều hết sức quan trọng, “đây là công trình toàn diện nhất về các hóa thạch động vật có xương sống ở châu Phi trong gần một thế kỷ qua, kể từ khi nhà cổ sinh vật học nổi tiếng người Đức Ernst Freiherr Stromer von Reichenback công bố công trình lớn cuối cùng của ông vào năm 1936”.