Xe lôi - “đặc sản” của Châu Đốc, An Giang
|
Nhiều người đến An Giang và đi trong ngày, bởi nơi đây chẳng nhộn nhịp như bến Ninh Kiều để dạo đêm, chẳng đặc biệt như Cà Mau là được chạm tay vào cực Nam của Tổ quốc...
Thế nhưng chính những điều bình dị thường đọng lại lâu và sâu sắc cho những ai một lần đến An Giang, lạc về Châu Đốc hay Tri Tôn vào một ngày mùa nước nổi.
Châu Đốc là nơi tập trung nhiều tài xế xe lôi nhất, và cũng là nơi hiếm hoi mà xe lôi được phép hoạt động rộng rãi sau khi có quy định bãi bỏ xe thô sơ ra khỏi phương tiện lưu thông.
Trải qua bao nhiêu thăng trầm của thời gian, xe lôi như một nét văn hóa đặc trưng của Nam Bộ, thong dong đủ để hít hà mùi của xôi Xiêm, mùi của bún mắm, mùi của đường thốt nốt.
Tất cả đặc sản của Châu Đốc hòa vào không khí mời chào du khách, thích ăn món gì thì cứ thoải mái bảo bác tài xế xe lôi ghé lại. Thế nên người ta mới dặn nhau về miền Tây phải vững lập trường, vì những câu chào hàng ngọt lịm dễ quên lối về.
Quả đúng điệu miền Tây khi chị bán me gọi mời: "Em ơi, mua me chị nha, me của chị ngọt như đường thốt nốt vậy đó". Đến me cũng ngọt như đường thì lòng người còn ngọt ngào thân thiện đến nhường nào cơ chứ.
Tháng Mười Một là lúc rừng tràm Trà Sư đẹp nhất. Rừng tràm Trà Sư xanh mướt một màu, trong lành và yên bình quá đỗi. Nước được phủ màu xanh non của bèo, trời được điểm màu xanh lá của cây, xung quanh là chim cò ríu rít.
Xuồng ba lá rẽ từng làn nước chạy dọc theo rừng tràm, chầm chậm để cảm nhận hết vẻ đẹp của một hệ sinh thái điển hình ở vùng ngập nước phía Tây sông Hậu. Buổi sáng là thời điểm thích hợp tham quan rừng tràm vì sẽ bắt gặp rất nhiều loài chim rời tổ đi tìm mồi.
Đi hết rừng tràm bằng thuyền sẽ đến đường bộ dẫn lên đài quan sát. Nhìn từ trên cao xuống mới cảm thấy choáng ngợp trước sự sắp đặt của thiên nhiên. Nếu Tây Bắc là sự hùng vĩ của núi non thì ở Nam Bộ là sự uyển chuyển của sông ngòi.
Nhờ ưu đãi của thiên nhiên mà ẩm thực của nơi đây cũng rất phong phú. Đến An Giang nhất định phải thưởng thức lẩu cá linh, vị ngọt và chua hòa quyện cùng nhau, thêm chút hương của bông điên điển ngon đến mức không thể chối từ.
Cũng là thiếu sót nếu không kể tên món gà hấp lá chúc hay cá lóc nướng trui ăn kèm rau sống với bánh tráng..., một bữa trưa hoàn hảo giữa rừng tràm.
Rời Trà Sư ghé đến Búng Bình Thiên, một hồ nước ngọt dù phù sa có hòa vào hồ bao nhiêu cũng không làm đổi màu xanh ngắt tự nhiên vốn có của hồ. Hồ được điểm xuyết bởi màu hồng của sen và vàng của hoa nhút.
Đi thuyền giữa lòng hồ cũng là một trải nghiệm khó quên. Lúc này có thể hít hà được mùi hoa sen tỏa hương giữa làn nước mát.
Người dân nơi đây vẫn thường giăng lưới để bắt cá, những mẻ lưới đầy ắp cá linh màu trắng bạc, nguồn sống dồi dào của những con người sông nước, chính điều này cũng làm nên tính cách phóng khoáng của con người Nam Bộ.
Điểm đến tiếp theo là Tri Tôn, ngắm nhìn cánh đồng Tà Pạ - một tấm thảm ngút ngàn dệt nên từ lúa. Một bên là lúa vàng rực chờ gặt, bên thì mạ mới lên xanh rì, xen giữa là những cây thốt nốt cao vút.
Đứng trên đỉnh đồi nhìn xuống, ngắm trọn tầm mắt là huyện Tri Tôn trù phú. Hoàng hôn dần buông, cũng là lúc khói chiều thấp thoáng trên những mái nhà.
Văng vẳng tiếng đàn trâu lộc cộc bước về sau một ngày đi cày mệt nhọc. Đẹp và yên ả, mọi ngôn từ đều không thể diễn tả hết cái thanh bình nơi đây, chỉ có thể đến để cảm nhận cuộc sống êm đềm của An Giang.
(Tuổi trẻ Online)
Nguồn quehuongonline.vn
http://quehuongonline.vn/dat-nuoc-con-nguoi/ban-sac-viet-binh-di-an-giang-20171229174304462.htm