Sự tích và tục cúng tiễn Táo Quân về trời có nguồn gốc từ câu chuyện chuyện 2 ông 1 bà từ việc thờ 3 vị thần: Thổ công, Thổ địa, Thổ Kỳ của lão giáo xứ tàu… Được Việt hóa thành sự tích Táo quân (Thần đất, Thần nhà, Thần bếp) Hoặc sự tích Trầu cau, sự tích ông đầu rau (kiềng 3 chân)… Và tiếp chảy trong dòng cuộc bể dâu cứu nước và giữ nước, như vẫn còn có một sự tích được nối vào cuối thế kỷ 20, qua thế kỷ 21 nó được kể lại thành câu chuyện với câu mở đầu rằng… Ngày xửa ngày xưa
Vâng, ngày xửa ngày xưa, vào khoảng những năm cuối thế kỷ 20… Có đôi vợ chồng trẻ sống với nhau rất hạnh phúc sau lũy tre làng. Người chồng tên Bắc, ngày ngày lo cày ruộng, trồng khoai gieo lúa, người vợ tên Nam ở nhà lo chăn tằm, dệt vải …
Cuộc sống an lành cứ vậy cho đến khi giặc ngoại xâm tràn vào chia cắt đất nước. Người chồng cùng các thanh niên trai tráng tự nguyện tòng quân, cầm vũ khí ra trận chiến đấu giải phóng quê hương. Họ hẹn nhau khi đất nước hòa bình sẽ trở về. Vậy nhưng năm tháng dầm dã trong binh lửa chiến tranh… Tin tức anh Bắc từ mặt trận thưa dần, thưa dần rồi biệt tăm… Chị Nam ở nhà ngày ngày thay chồng chăm sóc bố mẹ già… Trông mong, thương nhớ con trai bao nhiêu, lại thương nàng dâu ngoan hiền hiếu thảo bấy nhiêu… Nhưng rồi tuổi mòn sức kiệt, các cụ cũng lần lượt quy tiên... Nhưng trước khi nhắm mắt xuôi tay… người Mẹ chồng gọi người con đến gần nói trong nước mắt: Chiến tranh sống chết khó lường. Chồng con đã nhiều năm không tin tức… Có thể hòn tên mũi đạn đã không còn. Bố Mẹ hiểu lòng còn một dạ thờ chồng, chăm nuối Bố, Mẹ… Vậy bố Mẹ cũng mãn nguyện rồi. Nay Bố Mẹ đi xa, con còn trẻ, phận đàn bà có thì có cữ… Sau này, nhắm có người đàn ông hợp tâm hợp tình thì đi bước nữa… Chồng con nơi chín suối có thiêng chắc cũng vui lòng…
Nghe Mẹ chồng dặn vậy, nhưng sau khi bố mẹ qua đời… nàng Nam vẫn nuốt nước mắt vào trong, một mình chiếc bóng hương khói thờ Bố Mẹ, vọng chồng. Cứ vậy cho đến ngày nọ, một người đàn ông trong bộ quân phục sờn màu, ngồi trên chiếc xe lăn tìm đến nhà, cho biết tên mình là Trung, là đồng đội của anh Bắc, xin được thắp nén hương trên bàn thờ gia đình đồng đội. Dừng lại rất lâu trước tấm hình thờ anh Bắc, Trung chậm rãi từng lời với câu chuyện về một trận đánh mà anh cùng hứng chịu một trái pháo với Bắc. Khi tỉnh dậy trong quân y viện với hai cái chân bị cắt cụt, Trung chỉ còn nhớ lại chi tiết cuối cùng, khi tiếng rít của những trái pháo cấp tập vào đội hình, chỉ thấy Bắc uồm người lên người Trung, cũng là khi lửa khói bùng lên rồi chuyển thành màu đỏ bầm và Trung ngất đi. Tiếp đến, sau một chặng dài với hàng chục lần phẫu thuật… Rồi được chuyển về tuyến sau, cho đến nay, theo địa chỉ còn nhớ được… Trung đã có mặt tại nhà người đồng đội từng che đạn, hy sinh cho mình được sống, những mong thắp cho bạn nén hương… Rồi sau cuộc gặp gỡ đầm nước mắt, là thành lệ thường, một tháng đôi lần, Trung đều đặn về thắp hương cho bạn, và thay bạn thắp hương cho Bố Mẹ bạn. Ngẫm thương chồng bao nhiêu, lại thương người thương binh bạn chồng bấy nhiêu. Để rồi năm qua tháng lại, cảm cái tình của người đồng đội của chồng, lại thêm sự vun vào của bà con xóm giềng họ mạc… họ quyết định nắm tay nhau đến trước bàn thờ Bố Mẹ, thắp nén hương xin được thay Bắc hương khói phụng thờ Bố Mẹ, tổ tiên.
Cuộc sống mới của hai người cứ vậy xuôi theo dòng đời… Dẫu không giàu có, nhưng đủ đầy ân nghĩa. Duy có điều lạ, ngoài thu nhập từ công việc đồng áng của Nam, và khoản phụ cấp thương binh thương binh nặng của Trung… Mỗi tháng họ đều đặn nhận qua bưu điện một khoản tiền của một người nào đó dấu tên, dấu địa chỉ. Dẫu muốn biết để có lời ân tạ người có lòng thương giúp… Hai vợ chồng Nam, Trung tìm mọi cách kiếm tìm tung tích ân nhân… Nhưng rồi vẫn biệt vô âm tín. Mãi cho đến một ngày nọ… Họ nhận được một giấy báo mời đến một trung tâm nuôi dưỡng thương binh nặng. Theo lời mời, sau một chặng dài tàu xe, họ tới nơi và được đại diện trung tâm đưa cho một sổ tiết kiệm cùng bức thư thay di chúc trao tặng số tiền cho vợ chồng Nam, Trung và ký tên cuối thư… không ai khác, đó chính là Bắc, người chồng cũ của Nam.
Qua câu chuyện của những người thương binh cùng sống ở trung tâm, kể lại. Thì ra, trong trận pháo hôm đó, ngoài người duy nhất bị thương nặng được cáng ra… Số còn lại được chuyển về nghĩa trang mặt trận để chôn cất. Nhưng như một phép màu, khi gói liệm… những người lính phát hiện vẫn có một người thở hắt ra nên được cứu sống. Người đó chính là Bắc. Vậy nhưng tuy được cứu sống, song do hứng chịu phần lớn sự công phá của trái pháo, gương mặt Bắc bị biến dạng, và không còn đủ các cơ phận… như một người bình thường.
Sau này, khi vết thương lành, sức khỏe tạm ổn, Bắc đề nghị trung tâm đưa về quê thăm gia đình. Thế nhưng khi về đến gần làng, phần hay tin bố mẹ không còn, phần biết tin vợ đã tái giá với một thương binh nặng, lại chính là là đồng đội của mình… Bắc nhờ người phục vụ đưa ra đồng thắp hương cho các cụ rồi trở lại trung tâm… âm thầm, đều đặn chuyển số tiền phụ cấp thương binh của mình về cho vợ và người đồng đội…
Lại nói, Nam và Trung sau khi biết rõ nguồn cơn… cả hai đã không cầm lòng. Sau đó, phần thương cảm người chồng, người đồng đội, lại trong tình trạng vô sinh… Vợ chồng Nam, Trung về quê, bán hết nhà cửa, cùng nhau rước bài vị ông bà, Bố Mẹ lên trung tâm, tình nguyện làm nhân viên của trung tâm chăm sóc những người đồng đội thương binh, và cũng để được gần gũi khói hương cho người chồng, người đồng đội. Số tiền Bắc để lại cùng tài sản sau khi rời quê, họ phát nguyện đưa vào quỹ hỗ trợ nuôi dưỡng thương bện binh của trung tâm.
Tương truyền đến khi về già, theo sở nguyện của hai người… phần mộ của Nam, Trung được an táng bên mộ Bắc… quây quần, xoắn xuýt bên nhau. Chuyện ân tình thấm đậm vào nhân gian, họ được hóa linh nối tiếp sự tích táo quân hay là câu chuyện hai ông một bà lo chuyện trong nhà, ngoài nước…
Ngày xửa ngày xưa...
Ngày xửa ngày xưa....
|