Vương quốc Chăm Pa đã suy tàn, tất cả những gì còn lại là đền tháp cổ xưa hoang tàn như tháp Mỹ Khánh ở Huế, tháp Bánh Ít ở Quy Nhơn, tháp Nhạn ở Tuy Hòa… Nhưng xuôi theo dải đất Chăm Pa từ Bắc tới Nam, đến vùng Ninh Thuận, Bình Thuận mà xa xưa mang tên Panduranga, những làng Chăm vẫn sống, duy trì văn hóa, thờ phụng và gọi tháp bằng tên gọi của những vị vua thần, là Po Rome, Po Tam, Po SahInu…
Trong số những di tích còn sót lại đó, ngôi tháp mang tên vua thần Po Klong Garai là quần thể linh thiêng và tráng lệ nhất.
Tháp Po Klong Garai là lăng tưởng nhớ ngài Klong Garai, một vị vua đã được thần thoại hóa. Theo truyền thuyết, mẹ vua là người không rõ lai lịch, được hai vợ chồng già nhặt về từ một bọc vải trên đập Nha Trinh. Bà mang thai vì uống nước trên một tảng đá lớn trong rừng rồi sinh ra một người con xấu xí, khắp mình ghẻ lở và đặt tên là Po Ong. Lớn lên, Po Ong đi chăn trâu và khi ngủ được rồng quấn quanh người, mọi vết ghẻ lở biến mất. Khi nhà vua lúc bấy giờ băng hà, con voi trắng trong triều chạy ra ngoài, tới quỳ phục trước Po Ong và mời ông về triều. Từ đó, dân chúng tôn ông lên làm vua lấy tên Po Klong Garai.
Tháp Po Klong Garai được xây dựng trên đỉnh núi Trầu, cách thành phố Phan Rang, tỉnh Ninh Thuận 5 km về phía tây bắc. Đây là một trong những quần thể tháp Chăm lớn và còn nguyên vẹn nhất tới nay.
Tháp được vua Jaya Simhavarman III (Chế Mân) xây vào cuối thế kỷ 13. Hiện nay, còn lại 3 ngôi tháp gồm tháp cổng, tháp lửa và tháp chính. Một miếu nhỏ phía tây được người Chăm mới lập sau giải phóng (1975) thờ vợ vua là bà Bia Kol.
Vẻ đẹp của Po Klong Garai không tập trung vào mỗi ngọn tháp mà là một tổng thể hài hòa với hướng nhìn lên đỉnh núi.
Ba ngọn tháp tiếp nối liên tục theo trục ngang, hướng đông - tây. Từ xa, từng lớp mái nổi dần lên mô phỏng núi Meru trùng điệp cùng các họa tiết lá nhĩ.
Đáng chú ý nhất trong kiến trúc tháp là hệ thống điêu khắc trên mái tháp chính. Mọi tháp Chăm đều có mái mô phỏng núi Meru trong thần thoại Ấn Độ. Tại Po Klong Garai, từng lớp mái chồng lên nhau xen lẫn tượng điêu khắc ẩn hiện từ 4 phía, hay phù điêu người ngồi ẩn vào trong từng hốc lá đề và tượng tiên nhô ra tại các góc.
Tượng và nóc tháp xếp lớp, đổ bóng lên nhau, vừa có thứ tự chính phụ, vừa đan xen ma mị. Phù điêu Shiva đang múa trên cửa tháp chính và có thể nhìn xuyên qua cửa tháp cổng.
Mỗi năm người Chăm tổ chức lễ hội trên tháp 3 lần, là lễ Mở cửa tháp, lễ Kate thờ thần Cha và lễ Cambun thờ thần Mẹ. Trong những ngày này, cửa tháp chính được mở, người dân từ các làng Chăm trong vùng nô nức lên làm lễ. Những ngày khác, tháp Po Klong Garai là một điểm tham quan du lịch và công viên cây xanh thu hút du khách mọi miền.
(Theo Vnexpress)
Nguồn quehuongonline.vn
http://quehuongonline.vn/dat-nuoc-con-nguoi/truyen-thuyet-ve-cau-be-ghe-cuoi-voi-trang-bao-phu-thap-cham-20161222095542942.htm