1. Thực hiện Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân Thủ đô Hà Nội đã nổ súng mở đầu cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trên quy mô cả nước. Với tinh thần quả cảm, ý chí kiên cường, quân và dân Hà Nội đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh giao phó. Đó là tiêu diệt, tiêu hao một phần sinh lực địch; kìm hãm, giam chân một đội quân mạnh hơn hẳn ta về vũ khí, trang bị và khả năng cơ động trong một thời gian tương đối dài; bảo vệ được cơ quan đầu não kháng chiến, tạo điều kiện thuận lợi để Thủ đô và các địa phương khác triển khai thế trận kháng chiến lâu dài. 60 ngày đêm kháng chiến ở Thủ đô Hà Nội đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu về lãnh đạo và thực hành chiến tranh nhân dân ở thành phố, trong đó có nội dung rất quan trọng là nghệ thuật tổ chức, sử dụng lực lượng phát huy sức mạnh toàn dân đánh giặc.
|
Các chiến sĩ vệ quốc quân và nhân dân Thủ đô chiến đấu trong những ngày đầu Toàn quốc kháng chiến. Ảnh tư liệu |
Để thực hiện nhiệm vụ Trung ương giao, Thành ủy Hà Nội đã tổ chức tuyên truyền, khơi dậy lòng yêu nước, ý thức dân tộc, lòng căm thù quân xâm lược, giáo dục cho mọi cán bộ, đảng viên cùng quân, dân toàn thành phố về sức mạnh to lớn của nhân dân, về quyết tâm và chủ trương kháng chiến của Đảng; tập trung xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, động viên mọi tầng lớp nhân dân tham gia các tổ chức quần chúng, tham gia học tập chính trị, quân sự và sẵn sàng tham gia lực lượng vũ trang (LLVT) chiến đấu bảo vệ Thủ đô, bảo vệ Tổ quốc. Ngoài ra, Thành ủy Hà Nội còn chú trọng xây dựng các tổ chức Đảng, chính quyền, tổ chức các hội quần chúng cứu quốc để làm hạt nhân tổ chức, tập hợp lực lượng tham gia kháng chiến.
Cùng với đó, Hà Nội đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng LLVT, xây dựng các khu an toàn cho các cơ quan trung ương và thành phố ở vùng ngoại thành. Trong những ngày chuẩn bị kháng chiến, ngoài lực lượng Vệ quốc đoàn trung ương và Công an xung phong trực thuộc Sở Công an Bắc Bộ, Thành ủy Hà Nội đã trực tiếp xây dựng và lãnh đạo LLVT Thủ đô, gồm: Tự vệ chiến đấu cứu quốc Hoàng Diệu, Tự vệ xí nghiệp, Tự vệ thành và dân quân tự vệ ngoại thành… Hơn 300 đội viên Đội Tự vệ cứu quốc Hoàng Diệu, được sinh hoạt tập trung như một đơn vị quân đội, giáo dục và huấn luyện khá toàn diện, luôn đi đầu trong các cuộc đấu tranh trên đường phố và góp phần quan trọng vào việc xây dựng LLVT ở các xí nghiệp và trên các khu phố. UBND thành phố chủ trương ở mỗi xã ngoại thành, tổ chức thành 1 trung đội hoặc 1 đại đội dân quân tự vệ. Khi kháng chiến bùng nổ, đây là lực lượng nòng cốt tham gia bảo vệ quê hương và sẵn sàng tham gia phục vụ chiến đấu trong nội thành.
Trước ngày Toàn quốc kháng chiến, tại Hà Nội, quân Pháp có khoảng hơn 6.500 tên, đóng giữ ở 45 điểm, nhằm tạo ra một thế trận chia cắt các lực lượng và có thể nhanh chóng đánh úp ta, chiếm cả thành phố. Trong khi đó, lực lượng quân sự của ta ở Hà Nội chỉ có 5 tiểu đoàn Vệ quốc đoàn (101, 77, 212, 145, 523), 1 đại đội cảnh vệ, 4 trung đội pháo ở các pháo đài Láng, Xuân Canh, Thổ Khối, Xuân Tảo. Ngay sau khi nhận nhiệm vụ từ Thường vụ Trung ương Đảng và Bộ Tổng chỉ huy, Bộ Chỉ huy mặt trận Hà Nội (Chiến khu XI) đã nhanh chóng nắm âm mưu của địch, nắm chắc lực lượng ta, nhất là lực lượng tự vệ thành, lên kế hoạch tác chiến…
Bộ Chỉ huy mặt trận Hà Nội chủ trương: Nắm quyền chủ động tập trung lực lượng, bất ngờ tập kích các vị trí quân Pháp, tiêu hao, tiêu diệt một bộ phận địch, sau đó tổ chức khu tác chiến dài ngày trong thành phố; đặt chướng ngại vật ngăn chặn đánh địch chiếm các phố và tỏa ra các cửa ô; kết hợp trong ngoài cùng đánh. Thành ủy, Ủy ban Kháng chiến và Bộ Chỉ huy mặt trận Hà Nội đã chia Hà Nội thành 3 liên khu. Liên khu 1 là khu vực trung tâm, lực lượng có Tiểu đoàn 101, 5 đội cảm tử đánh tăng, 1 tổ du kích đặc biệt, 1 đại đội tự vệ cứu quốc Hoàng Diệu, 7 đội tự vệ thành của 7 khu hành chính, 1 trung đội công an xung phong. Liên khu 2 là khu vực Nam Hà Nội, có 2 tiểu đoàn (77, 212), 4 đội cảm tử đánh tăng, một số trung đội Công an xung phong. Liên khu 3 là khu vực Tây - Nam thành phố, có 2 tiểu đoàn (145, 523), 4 đội cảm tử đánh tăng, một số tổ du kích đặc biệt, 5 đội tự vệ thành của 5 khu hành chính.
Thường vụ Trung ương quyết định thành lập Đảng ủy mặt trận, Ủy ban Kháng chiến thành phố. Đồng chí Nguyễn Văn Trân được cử làm Bí thư Đảng ủy mặt trận kiêm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến TP Hà Nội; đồng chí Vương Thừa Vũ, Chỉ huy trưởng Chiến khu mặt trận làm Phó Chủ tịch. Các đơn vị Vệ quốc đoàn, Tự vệ chiến đấu cứu quốc Hoàng Diệu, Tự vệ thành, Tự vệ xí nghiệp, Công an xung phong, Dân quân tự vệ ngoại thành đã phối hợp chặt chẽ, phân bố lực lượng phòng thủ phù hợp khả năng của mình…
Khi có lệnh nổ súng, các LLVT Hà Nội trong thế bố trí xen kẽ với địch đã nhanh chóng, đồng loạt nổ súng tiến công tiêu diệt nhiều vị trí quân Pháp, rồi sau đó dựa vào hệ thống chướng ngại, vật cản, các tổ, đội chiến đấu thực hiện chiến thuật “cài then cửa” đã ngăn chặn tiêu hao, tiêu diệt quân địch, làm giảm tốc độ cơ động tiến công của quân Pháp. Nhân dân các khu phố nơi chiến sự xảy ra sẵn sàng mang bàn ghế, giường tủ cùng các vật dụng trong nhà… ra dựng chiến lũy; tham gia đào hào giao thông, ngả cây, dựng chướng ngại vật để ngăn cản xe quân địch; sẵn sàng nhường nhà, đục tường nhà cho Vệ quốc quân và tự vệ dựa vào đó để tổ chức thành các ổ đề kháng, đường cơ động, nơi triển khai thế trận đánh địch và tổ chức tập kích bất ngờ vào các vị trí bố trí của quân Pháp. Những người được lệnh sơ tán đã chấp hành nghiêm mệnh lệnh của Ủy ban Kháng chiến, tạo điều kiện cho LLVT chiến đấu.
Trước khí thế sục sôi căm thù quân Pháp giết hại dã man đồng bào ta, đã có nhiều thanh, thiếu niên, phụ nữ trốn ở lại để được tham gia phục vụ chiến đấu và chiến đấu. Hà Nội đã thực sự bước vào trận chiến mới, trận chiến quyết liệt với lòng quả cảm của toàn LLVT và nhân dân Thủ đô, với tinh thần “Sống chết với Thủ đô”, “Thà chết không chịu quay lại làm nô lệ”. Hà Nội sục sôi bước vào trận chiến với quyết tâm cao nhất. Quân, dân Hà Nội đã giành quyền chủ động và phá âm mưu đánh úp ta cũng như thế trận phản công của quân Pháp làm cho chúng lúng túng trong đối phó.
(Còn nữa)
Đại tá, ThS Mai Văn Quang (Viện Lịch sử quân sự Việt Nam)
Nguồn hanoimoi.com.vn
http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Chinh-tri/857441/bai-13-nghe-thuat-to-chuc-su-dung-luc-luong-o-mat-tran-ha-noi
|