(HNM) - Chuẩn bị cho Toàn quốc kháng chiến, Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức chăm lo xây dựng tiềm lực quân sự, quốc phòng đất nước, trọng tâm là xây dựng lực lượng vũ trang ba thứ quân, đặc biệt là phát triển tổ chức và nâng cao sức mạnh chiến đấu của bộ đội chủ lực (BĐCL).
Từ chỗ sau Cách mạng Tháng Tám chỉ có 2 chi đội, đến tháng 11-1946, BĐCL cả nước đã phát triển lên hơn 50 trung đoàn, chi đội và một số tiểu đoàn. Xét tương quan lực lượng, địch hơn hẳn ta về vũ khí trang bị, được huấn luyện kỹ thuật, chiến thuật tác chiến của chiến tranh hiện đại. Thế nhưng, BĐCL của ta có tinh thần chiến đấu cao, phối hợp với lực lượng vũ trang tại chỗ và toàn dân quyết tâm bảo vệ vững chắc nền độc lập dân tộc vừa giành được.
|
Cảm tử quân Hà Nội ôm bom ba càng đón đánh xe tăng quân Pháp trong ngày đầu Toàn quốc kháng chiến (tháng 12-1946). Ảnh tư liệu |
Sau khi đánh chiếm Hải Phòng, Lạng Sơn (ngày 20-11-1946), thực dân Pháp xúc tiến kế hoạch mở rộng chiến tranh xâm lược ra cả nước… Trước tình hình đó, ngày 13-12-1946, Trung ương Quân ủy và Bộ Quốc phòng - Tổng Chỉ huy triệu tập hội nghị các khu trưởng (từ Khu 4 trở ra) giao nhiệm vụ cho các trung đoàn, tiểu đoàn BĐCL ở từng chiến khu sẵn sàng chiến đấu. Các tiểu đoàn bộ binh 77, 101, 145, 212, 523; 1 đại đội cảnh vệ, 4 trung đội pháo binh (Khu 11) có nhiệm vụ phối hợp với 13 đội quyết tử, 36 tổ du kích đặc biệt, tự vệ chiến đấu cứu quốc Hoàng Diệu, tiêu diệt một bộ phận quân Pháp ở Hà Nội, giam chân chúng trong một thời gian, tạo điều kiện cho cả nước bước vào kháng chiến.
Trung đoàn 33 (Khu 2) phối hợp với tự vệ chiến đấu tiến công địch ở TP Nam Định. Trung đoàn 44 (Khu 3) phối hợp với tự vệ, du kích tiêu diệt địch ở thị xã Hải Dương, cầu Phú Lương và Lai Vu, đánh phá giao thông đường 5. Trung đoàn Bắc Bắc (Khu 12) tiến công địch ở thị xã Bắc Giang và Bắc Ninh. Trung đoàn 57, Trung đoàn Trần Cao Vân (Khu 4) phối hợp với lực lượng vũ trang địa phương đánh địch ở các thành phố Vinh (Nghệ An), Huế (Thừa Thiên), tạo thế cô lập Huế với Đà Nẵng. Các trung đoàn 96, 93 (Khu 5) phối hợp với tự vệ chiến đấu và tự vệ thành tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch trong TP Đà Nẵng. Các trung đoàn 81, 82 (Nam Trung Bộ) và 13 đội tự vệ thành (Nam Bộ), phối hợp với các đội cảm tử tiến công địch, phát triển chiến tranh du kích, buộc chúng phải phân tán lực lượng đối phó, không thể đưa quân tăng viện ra Bắc.
Thực hiện quyết tâm của Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng mở rộng (từ ngày 18 và 19-12-1946), Bộ Quốc phòng quyết định “mở tổng tiến công” vào các vị trí quân Pháp ở các TP Hà Nội, Nam Định, Vinh, Huế, Đà Nẵng và các thị xã Hải Dương, Bắc Giang, Bắc Ninh… Chấp hành mệnh lệnh, 20 giờ 3 phút ngày 19-12-1946, Hà Nội nổ súng mở đầu cho cuộc kháng chiến toàn quốc, quân dân các thành phố, đô thị Bắc vĩ tuyến 16 cũng nổ súng tấn công quân Pháp.
Tại Hà Nội, dưới sự chỉ huy trực tiếp của Bộ Quốc phòng - Tổng chỉ huy, sau khi pháo binh bắn hiệu lệnh, các tiểu đoàn 77, 101, 145, 212, 523 là chủ lực Khu 11 phối hợp với công an xung phong, tự vệ chiến đấu đồng loạt tiến công vào 30 vị trí và 60 ổ đề kháng của địch. Bị đánh bất ngờ, địch tổ chức phản kích, ta đánh chặn quyết liệt ở phố Hàng Đậu, Bắc Bộ Phủ, Nhà hát Lớn, Tòa thị chính… Sau vài ngày chiến đấu, ta điều chỉnh thế trận, giãn ra các cửa ô, tạo thế cho các trung đoàn 37 (Hà Đông), 35 (Sơn Tây), 22 (Thái Nguyên - Phúc Yên) chi viện, thực hiện trong ngoài cùng đánh diễn ra ở Ô Chợ Dừa, Kim Mã, Ngọc Hà, Yên Phụ, Kim Liên, Ô Cầu Dền. Tiếp đó, nhiều trận đánh ác liệt diễn ra ở Nhà Xôva, Trường Ke, chợ Đồng Xuân… Với tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, BĐCL Chiến khu 11 phối hợp với các lực lượng vũ trang và nhân dân Hà Nội đã tổ chức gần 200 trận chiến đấu trong 60 ngày đêm, làm cho địch bị tổn thất nặng nề, góp phần giam chân chúng nhiều ngày trong thành phố, tạo điều kiện cho các cơ quan Trung ương Đảng, Chính phủ cùng nhân dân rút ra vùng tự do, lên căn cứ địa Việt Bắc an toàn; đồng thời giúp cho quân và dân cả nước có thời gian chuẩn bị kháng chiến lâu dài.
Phối hợp với Thủ đô Hà Nội và các thành phố, thị xã Bắc vĩ tuyến 16, BĐCL cùng với tự vệ và nhân dân Nam Trung Bộ, Nam Bộ liên tục tiến công vào các vị trí địch đóng giữ, đẩy mạnh chiến tranh du kích, đánh phá bình định, khiến chúng phải phân tán lực lượng đối phó. Do đó, thực dân Pháp không thể huy động được quân ra Bắc ứng cứu cho lực lượng đang bị vây hãm dài ngày trong các thành phố.
Cuộc chiến đấu của BĐCL phối hợp với các lực lượng vũ trang và được sự hỗ trợ của nhân dân ở đô thị Bắc vĩ tuyến 16, đã làm thất bại âm mưu và thủ đoạn của địch định đánh úp các cơ quan đầu não kháng chiến ở Thủ đô Hà Nội, tiêu diệt lực lượng vũ trang của ta; tạo điều kiện cho Đảng, Chính phủ và nhân dân cả nước chuyển mọi hoạt động sang thời chiến, xây dựng thế và lực chuẩn bị kháng chiến lâu dài.
Như vậy, thành công của mở đầu kháng chiến toàn quốc là minh chứng cho kết quả của chủ trương xây dựng BĐCL của Đảng, sự quan tâm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự giúp đỡ của các cấp, các ngành. Những đơn vị BĐCL đã nối tiếp truyền thống anh dũng, kiên cường của cha anh, được Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh giáo dục, rèn luyện nên nhanh chóng trưởng thành về mọi mặt.
Trong những ngày bám trụ thành phố, chiến đấu chống quân Pháp xâm lược, BĐCL đã vận dụng nhiều cách đánh, trong đó kết hợp chiến đấu phòng ngự với tiến công tập kích vị trí địch, đánh địch vận động trên đường phố, phá hoại cơ sở hậu cần, kỹ thuật, phá hoại giao thông, tiêu hao một bộ phận sinh lực địch, buộc chúng phải phân tán lực lượng đối phó. Đây là đợt hoạt động quân sự lớn, đồng loạt, rộng khắp đầu tiên của BĐCL phối hợp với các lực lượng vũ trang địa phương cùng nhân dân đã đạt mục tiêu đề ra. Kinh nghiệm về xây dựng tổ chức biên chế, huấn luyện và phát huy vai trò của BĐCL trong Toàn quốc kháng chiến là tri thức quý giá cần tiếp tục được nghiên cứu, tổng kết, góp phần nâng cao sức mạnh chiến đấu của BĐCL trong giai đoạn hiện nay.
Dương Đình Lập - Trần Quốc Dũng
Nguồn hanoimoi.com.vn
http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Chinh-tri/857024/bai-9-xay-dung-phat-trien-nang-cao-suc-chien-dau-cua-bo-doi-chu-luc
|