Thăng Long khi ấy trở thành Kinh đô độc nhất vô nhị trên thế giới thời bấy giờ. Bất kỳ kinh đô của nước nào khi ấy cũng đều được bảo vệ bởi những vòng thành và hệ thống hào. Vì thế, các nhà sử học cho rằng, kế sách của Nguyễn Quyện, bề ngoài là chống nhà Mạc đến cùng, nhưng thực chất lại ngầm giúp nhà Mạc có điều kiện dễ dàng hơn khi muốn lấy lại Thăng Long. Tuy vậy, trong suốt 157 năm Thăng Long không được bảo vệ theo lối “tam trùng thành quách”, nhà Mạc cũng không thể lấy lại được vương quyền. Ngôi báu vẫn thuộc về nhà Lê, với sự chia sẻ quyền lực của chúa Trịnh.
Thành Đại La
|
Thành Đại Đô do chúa Trịnh sai đắp có quy mô nhỏ hơn nhiều so với thành lũy dưới thời nhà Mạc. Những vùng đất rộng lớn như quanh khu vực Hồ Tây và khu “thập tam trại” trở thành khu vực ngoại thành. Thành Đại Đô thời Trịnh Doanh đã cắt hẳn những vùng rộng lớn ấy ra khỏi Kinh thành.
Căn cứ vào những dấu tích của các cửa ô và con đê bao quanh phía Đông Kinh thành, vốn tồn tại tới tận cuối thế kỷ XIX, các nhà sử học đưa ra nhận định, mặt Đông của Đại Đô thành chạy dọc từ Yên Phụ tới Bến Nứa, dọc theo khu vực phố Nguyễn Hữu Huân, Lý Thái Tổ, Lê Thánh Tông, Hàng Chuối ngày nay, nối với mặt thành phía Nam. Mặt thành phía Nam chạy qua ô Cầu Dền, ô Chợ Dừa. Mặt phía Tây cũng được đắp lại, lấy mặt là ô Yên Hoa (Yên Phụ) mà không chạy qua Nhật Chiêu (Nhật Tân) như thành nhà Mạc. Nói cách khác, thành Đại Đô gần như có hình tam giác, ôm trọn khu vực Hoàng thành dành cho vua, hoàng tộc và triều đình, cùng khu vực phủ Chúa Trịnh vốn nằm phía Đông hồ Hoàn Kiếm ngày nay.
Theo mô tả của Lê Hữu Trác về thành Đại Đô vào năm 1782 – 1783 trong tác phẩm Thượng Kinh ký sự thì đó là “một dãy thành đất không cao lắm, bên cạnh là một tường nhỏ, mặt trên là đường xe ngựa đi, ở mé ngoài là hàng rào tre kín. Dưới chân tường là hào sâu. Trong hào thả chông, xem ra rất kiên cố. Thành có ba vọng canh, nơi nào cũng có lính xếp hàng, gươm súng sáng quắc”. Đoạn thành mà Lê Hữu Trác mô tả là cửa Vũ Quan (nay thuộc khu ô Chợ Dừa).
Như trên đã nói, Đại Đô có 8 cửa, mỗi cửa gồm 2 cửa ô bên phải và bên trái. Như vậy, Đại Đô được thông với bên ngoài bằng 16 cửa ô. Hầu hết 16 cửa ô ấy đều đã bị phá hủy. Tuy vậy, may mắn là cửa ô Quan Chưởng (trước gọi là ô Đông Hà), vẫn còn được lưu giữ đến ngày nay. Cửa ô này hiện nằm trên phố Ô Quan Chưởng, đầu phố Hàng Chiếu, gần dưới chân cầu Chương Dương.
(Theo Hoangthanhthanglong.vn)
Nguồn quehuongonline.vn
http://quehuongonline.vn/dat-nuoc-con-nguoi/chua-trinh-tai-thiet-thanh-dai-la-20160510141654462.htm