Trước năm 1954, phụ nữ trong các gia đình trí thức, tư sản hễ bước ra khỏi nhà, dù chỉ là đi chợ vẫn mặc áo dài. Chưa kể, một số gia đình quen buôn bán, giao thiệp, phụ nữ ở nhà còn mặc cả áo dài tiếp khách.
Ba ái nữ nhà học giả Nguyễn Văn Vĩnh
bên đàn dương cầm
|
Đối với tầng lớp lao động ở đất Hà thành, dẫu nghèo nàn, rách rưới nhưng áo quần luôn sạch sẽ, ngay ngắn, đúng màu vải, màu chỉ. Thế mới có câu "áo rách khéo vá hơn lành vụng may".
Sự thanh lịch toát lên từ trang phục đến bước đi
|
Với riêng áo dài, phụ nữ Hà Nội xưa thường chuộng áo dài được xẻ tà một cách tinh tế sao cho đủ độ thướt tha nhưng không hở hang, bất nhã. Màu vải được chị em lựa chọn thường nhã nhặn, mềm mại.
Áo dài theo lối cách tân
|
Đi kèm với trang phục, phụ nữ Hà thành rất khéo vấn tóc, trang điểm làm nổi bật vẻ quý phái, khoan thai. Một trong những bí quyết chính là việc nói không với lối trang điểm lòe loẹt, đua đòi. Có nhà văn từng viết: “Riêng khuôn mặt, phụ nữ Hà Nội xưa nay vẫn hấp dẫn lạ lùng trong mọi con mắt, mọi trái tim từ người thợ đến nhà thơ”.
Tứ đại mỹ nhân Hà thành trong trang phục áo dài đen - trắng
|
Cùng với kiểu áo dài truyền thống, vào những năm 1930, họa sĩ Nguyễn Cát Tường (Le Mur) đã sáng tạo kiểu may mới ôm sát đường cong cơ thể người phụ nữ nhằm tạo nên vẻ gợi cảm khi mặc với quần xa tanh trắng, đi giày cao, một tay cắp ô và quàng vai thêm chiếc bóp. Tuy nhiên, lối tân này đã bị một số dư luận tẩy chay và cho là "lai căng".
Cô Hòa Vân trong bộ y phục tân thời mùa Thu của họa sĩ Cát Tường
|
Bên cạnh sự quý phái của người phụ nữ đất kinh kỳ, không thể không nhắc đến sự lịch lãm của đấng mày râu. Thời kỳ trước giải phóng Thủ đô, nam giới Hà Nội đã bắt đầu làm quen với các kiểu Âu phục, trong đó có veston. Sự du nhập của Âu phục được chắt lọc qua nét hào hoa, thanh lịch vốn có đã làm nên một vẻ đẹp văn hóa trong lịch sử thời trang của thủ đô.
Veston thời kỳ này được may đứng dáng, rộng rãi với một hàng khuy sang trọng. Do có tiền công may đắt nênloại trang phục này thường được dùng trong tầng lớp trung lưu, thượng lưu. Tuy nhiên, ở tầng lớp bình dân, veston vẫn được mặc vào dịp trọng đại như cưới hỏi.
Hình ảnh thời trẻ của cố nhạc sĩ, ca sĩ Duy Khánh
|
Giá may một bộ veston thời bao cấp khoảng 70 - 100 đồng, trong khi lương tháng của một công nhân viên chức chỉ 50 đồng. Di đó, nhiều chú rể Hà Nội cũng không có tiền để thửa cho mình một bộ cánh bảnh bao mà phải mượn của bạn bè hoặc thuê ngoài tiệm.
Trang phục của nam giới Hà thành trong đám cưới năm 1954
|
Sau này, khoảng những năm 50 tới đầu thập niên 90, nổi danh đất kinh kỳ là nhà may Tiến Thành, ở số nhà 46 Lê Thái Tổ… Chủ nhà may không ai khác chính là NSƯT Tiến Đạt, con trai của nghệ nhân may veston Tiến Thành. Ông cũng là một người được công chúng biết tới với các vai diễn giám đốc hoặc vai phản diện trong phim truyền hình hoặc kịch nói.
NSƯT Tiến Đạt là truyền nhân của cha mình, nghệ nhân may veston Tiến Thành
|
Theo thời gian, trước những xô bồ của cuộc sống, nhiều giá trị đã bị cuốn trôi, song vẫn còn đó các thế hệ nơi Hà Nội 36 phố phường nối tiếp nhau giữ hồn túy đất Thăng Long. Họ vẫn hòa nhập với thời cuộc với các loại trang phục trẻ trung, hiện đại nhưng cũng không rời xa nét thanh lịch còn vương vấn.
(Theo Góc Hà Nội xưa)
Nguồn quehuongonline.vn
http://quehuongonline.vn/dat-nuoc-con-nguoi/ngam-trang-phuc-cua-nguoi-ha-noi-truoc-giai-phong-20160111153354763.htm