Kênh Bến Nghé - điển hình của các công trình chỉnh trang đô thị, bảo vệ môi trường của Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Hoàng Thạch Vân
|
Cách đây đúng 40 năm, với ý chí “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước…” của cả dân tộc, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta mà đỉnh cao là cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 – Chiến dịch Hồ Chí Minh - toàn thắng. Tổ quốc thống nhất, Bắc – Nam sum họp một nhà, cả nước tiến hành xây dựng Chủ nghĩa xã hội.
Cùng với miền Nam, ngày 30/4/1975, Sài Gòn giải phóng, rồi sau đó được đổi tên thành Thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM). Qua 40 năm xây dựng, hội nhập và phát triển, TPHCM đã đạt được những thành tựu to lớn, toàn diện; hệ thống chính trị không ngừng được củng cố; chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế, khoa học - công nghệ, quản lý đô thị… ngày càng phát triển; khối đại đoàn kết toàn dân tộc được phát huy và tăng cường; chất lượng cuộc sống người dân được nâng lên… đóng góp to lớn cho sự phát triển của đất nước.
Theo ông Lê Thanh Hải - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM - Thành phố luôn quán triệt, nắm vững chủ trương của Đảng, bám sát thực tiễn, tìm trong thực tiễn lời giải cho những vấn đề mới phát sinh đặt ra, không ngừng đổi mới tư duy, thí điểm các cách làm mới, mô hình mới. Thành phố luôn quan tâm chăm lo đời sống cho nhân dân, nhận thức đúng vai trò, vị trí của mình là nơi hội tụ và lan tỏa, vì cả nước, của cả nước, đẩy mạnh hợp tác kinh tế - văn hóa - xã hội với các tỉnh, thành trong cả nước, phát triển nhanh và bền vững.
Với vai trò đầu tàu, là động lực, có sức hút của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có vị trí chính trị quan trọng của cả nước, TPHCM ngày càng được khẳng định trong việc định hướng phát triển kinh tế, hội nhập ra thế giới. Tuy chỉ chiếm 0,6% về diện tích tự nhiên và 8,8% dân số cả nước nhưng đến năm 2014, TPHCM đã đóng góp 21,7% GDP cả nước, 30,3% tổng thu ngân sách Nhà nước, 29,8% khu vực dịch vụ, 29,8% khu vực công nghiệp xây dựng, 21,4% giá trị kim ngạch xuất khẩu, 20,7% giá trị kim ngạch nhập khẩu, 22,3% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ. Nếu trước thời kì đổi mới, trong 10 năm (1979-1985), GDP của Thành phố chỉ tăng bình quân 2,7%/năm, thì đến giai đoạn 1991-2010, Thành phố là một trong số ít các địa phương dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 2 con số trong suốt 20 năm qua. Từ năm 2011 đến nay, TP.HCM cũng đạt mức tăng trưởng kinh tế xấp xỉ 10%/năm, gấp 1,6 lần mức bình quân chung của cả nước. GDP bình quân đầu người liên tục tăng nhanh, từ khoảng 700 USD giai đoạn 1995-1996 đến năm 2014 đạt mức 5.131 USD, bằng 2,5 lần so với bình quân đầu người của cả nước.
Cùng với thành quả kinh tế, sau 40 năm, đời sống của nhân dân TP.HCM không ngừng được cải thiện, an sinh xã hội luôn được đảm bảo, thu nhập từng bước được nâng lên. Thành phố cũng là nơi khởi xướng và thực hiện tốt các phong trào xóa đói giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng, xây dựng nhà tình nghĩa, nhà tình thương, chương trình bảo trợ bệnh nhân nghèo, chăm lo cho công nhân, người lao động… mang lại kết quả thiết thực, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc.
Theo nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, điều rất đáng mừng qua 40 năm, TPHCM đã đạt được những thành tựu to lớn, nhìn thành phố “ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”. Điều đó chứng minh TPHCM thành công trong việc phát huy lợi thế của thành phố lớn với nhiều trung tâm quan trọng về chính trị, kinh tế, an ninh quốc phòng, văn hóa, khoa học. Từ hoạt động thực tiễn phong phú của chặng đường lịch sử 40 năm, có thể rút ra nhiều bài học quý báu. Nổi bật là bài học về sự phát huy tính năng động, sáng tạo. TPHCM đã vượt qua khó khăn, đóng góp to lớn vào sự nghiệp chung của cả nước. Năng động và sáng tạo đã trở thành truyền thống và thế mạnh của TPHCM.
TPHCM có đủ thế và lực để tiếp tục phát huy vai trò, vị trí to lớn của mình trong sự nghiệp chung của cả nước. Tuy vậy, bên cạnh những thành tích đã đạt được, TPHCM cũng đang đứng trước những khó khăn thách thức cần phải có quyết tâm cao để vượt qua trên con đường phát triển nhanh, bền vững. Đó là quy hoạch và quản lý đô thị chưa xứng tầm với thành phố văn minh, hiện đại, hạ tầng kỹ thuật và xã hội chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế và cải thiện dân sinh; hiệu quả sản xuất kinh doanh và năng lực cạnh tranh chưa cao; tiềm năng khoa học và công nghệ chưa được phát huy đúng mức; các tệ nạn xã hội và tội phạm diễn biến phức tạp; việc xây dựng hệ thống chính trị chưa ngang tầm với nhiệm vụ trong thời kỳ mới, chưa tiến hành đồng bộ với việc cải cách bộ máy hành chính, chống tiêu cực và tham nhũng.
Nhận thức sâu sắc ý nghĩa to lớn sự hy sinh của các anh hùng, liệt sĩ và các thế hệ đi trước, nhân dân Thành phố, đặc biệt là tuổi trẻ Thành phố quyết tâm tiếp tục vun bồi, nuôi dưỡng lòng tự hào, tự tôn dân tộc, lòng yêu nước nồng nàn, yêu hơn Thành phố mang tên Bác, trân trọng, giữ gìn và tiếp tục vận dụng sáng tạo các bài học lịch sử, kinh nghiệm 40 năm xây dựng, phát triển và hội nhập, vượt mọi khó khăn, thử thách, nỗ lực phấn đấu xây dựng TPHCM văn minh, hiện đại với vai trò đô thị đặc biệt, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đóng góp ngày càng lớn với khu vực và cả nước; từng bước trở thành trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ của đất nước và khu vực Đông Nam Á; góp phần tích cực đưa đất nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.
Tùng Chi
* Chùm ảnh “Thành phố Hồ Chí Minh: Ngày ấy – Bây giờ”:
Đúng 11h30 ngày 30/4/1975, xe tăng Quân Giải phóng băng qua cánh cổng sắt,
đánh chiếm Dinh Tổng thống của Chính quyền Sài Gòn. Ảnh: Mai Hưởng - TTXVN
|
Các tầng lớp nhân dân Sài Gòn tham dự mít tinh và diễu hành qua lễ đài và trên đường phố mừng chiến thắng, ngày 15/5/1975. Ảnh: TTXVN
|
Chợ Bến Thành sau ngày giải phóng lại trở lại đông vui,
hoạt động buôn bán rất tấp nập. Ảnh: Văn Bảo - TTXVN
|
Bến Bạch Đằng, TPHCM sau ngày giải phóng. Ảnh: TTXVN
|
Nhà máy dệt Vinatexco sản xuất bình thường ngay sau ngày giải phóng.
Ảnh: Quang Khanh - TTXVN
|
Cầu Phú Mỹ. Ảnh: st
|
Chế biến thủy sản xuất khẩu. Ảnh: Hoàng Thạch Vân
|
Chợ Bến Thành ngày nay. Ảnh: Hoàng Thạch Vân
|
Đời sống văn hóa, tín ngưỡng của người dân được quan tâm.
Ảnh: Giỗ Tổ Hùng vương tại TPHCM
|
Khu chế xuất (KCX) Tân Thuận được thành lập năm 1991,
là KCX đầu tiên của Việt Nam, tạo nên dấu ấn quan trọng
trong phát triển kinh tế - xã hội của TPHCM nói riêng và cả nước nói chung
|
Công ty sản xuất công nghệ cao chính xác Nidectosok ở KCX Tân Thuận
|
Bắn pháo hoa ngày Tết trên sông Sài Gòn. Ảnh: Hoàng Thạch Vân
|
Nhà thờ Đức Bà. Ảnh: st
|
Khu trung tâm thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Trần Trọng Anh Tú
|
Hầm Thủ Thiêm là một đường hầm vượt qua sông Sài Gòn. Ảnh: Ngô Thị Thu Ba
|