Nghệ nhân Trần Văn Thịnh giờ là một trong số ít những nghệ nhân vẽ truyền thần còn lại hiện nay ở Hà Nội
|
Vào những năm 60 của thế kỷ trước, nghề vẽ truyền thần ở khu phố cổ Hà Nội phát triển cực thịnh với hàng trăm cửa hàng vẽ truyền thần ở dọc các tuyến phố Hàng Ngang, Hàng Đào và Hàng Đường. Những người hoài cổ đất Hà thành vẫn nhắc đến tài hoa của nghệ nhân Nguyễn Lục với những nét vẽ truyền thần như lột tả được hết hồn cốt của nhân vật.
Theo tiến trình thời gian cùng với sự phát triển của Khoa học công nghệ in ấn, máy ảnh, nên nghề truyền thần tưởng như đã mai một. Những hình ảnh các nghệ nhân cặm cụi ngồi bên giá vẽ truyền thần ở phố cổ vì thế cũng ngày càng ít dần.
Người sành chơi tranh đất Hà Thành vẫn còn mê đắm với những nét vẽ truyền thần của những nghệ nhân ở phố cổ. Chính vì thế, dòng tranh vẽ truyền thần vẫn có người chơi và vẫn còn lại một số ít nghệ nhân ở phố cổ như ông Nguyễn Bảo Nguyên ở số 47 Hàng Ngang, ông Trần Văn Thịnh ở số 24 Hàng Đường vẫn đang miệt mài những nét cọ với nghề.
Có tâm với nghề thì nghề không bạc. Có lẽ mang tâm niệm như thế nên nghệ nhân Trần Văn Thịnh đã vững tay cọ dù trải qua bao thăng trầm, biến đổi. Ông bảo: “Một ngày không được cầm bút vẽ, không được pha mực vẽ thì trong người cảm thấy khó chịu và bứt rứt lắm”.
Ông Thịnh kể lại rằng, lên 6 tuổi ông đã được bố truyền lại cho nghề vẽ truyền thần. Ông vẫn nhớ như in lời dặn dò của bố là ông Cả Nghệ rằng: “Nghề này không mang lại sự giàu có nhưng dạy cho con người tính kiên trì, mà kiên trì là cái gốc của mọi nghề, mọi sự thành công. Nếu sau này con không theo nghề vẽ truyền thần nữa nhưng con phải học được tính kiên trì để làm hành trang cho cuộc đời”.
Có những chi tiết đòi hỏi người vẽ phải dùng kính lúp để hình dung ra nét vẽ
|
Vào những năm 80, 90 của thế kỷ trước, mưu sinh bằng nghề vẽ truyền thần ở phố cổ tưởng như đã lâm vào ngõ cụt, bởi khách hàng bị hút vào những bức ảnh màu, những bức ảnh kỹ thuật số với công nghệ Photoshop có thể làm được nhiều hiệu ứng mới lạ. Thời đó, có khi cả tháng không có một khách hàng, nhớ nghề ông Thịnh lại sưu tầm những bức ảnh nổi tiếng thời đó về vẽ truyền thần lại.
Và rồi trào lưu chơi ảnh cắt ghép từ Photoshop cũng lắng xuống. Những người có mắt thẩm mỹ họ cũng nhận ra rằng, chỉ có những bức tranh truyền thần đen trắng mới có thể mang đến cái thần thái, cái tinh anh của nhân vật.
Vào năm 1999, có ông Nguyễn Bình ở Đống Đa mang đến một tấm ảnh đen trắng cũ nát, đã mất hết chi tiết nhờ ông truyền thần lại. Bằng kinh nghiệp lâu năm, ông đã mất cả tháng để phục chế lại từng chi tiết. Đến khi ông Bình đến nhận tranh mới bái phục rằng, ông đã vẽ lại giống 100% bức ảnh trước khi bị hỏng.
Cách đây vài năm, nghề vẽ truyền thần ở phố cổ còn lại hai người là Nguyễn Bảo Nguyên ở số 47 Hàng Ngang và ông Trần Văn Thịnh ở số 24 Hàng Đường. Nhưng từ đầu năm trở lại đây, ông Nguyễn Bảo Nguyên tuổi cao, sức yếu đã không còn đủ sức khỏe để vẽ được nữa, thành ra cả phố cổ Hà Nội chỉ còn mỗi ông Thịnh vẽ tranh truyền thần.
Ông Thịnh bảo: “Cụ Nguyên là nghệ nhân tài hoa nhưng không thể cưỡng lại được tuổi tác nên khi có khách hàng cụ lại giới thiệu sang cửa hàng của tôi”.
Phố cổ Hà Nội giờ là địa điểm du lịch ưa thích của người nước ngoài, nên nghề vẽ truyền thần trở thành một bộ môn nghệ thuật mới lạ dành cho du khách.
Ông Thịnh kể lại rằng, tháng trước có một người Iran dẫn con trai đến xin ông dạy cho con nghề vẽ truyền thần. Khi đó, sức khỏe ông chưa tốt nên ông không dám nhận và hẹn một thời gian sau.
Giờ đây tuy đã thảnh thơi với cuộc sống, với cơm áo gạo tiền nhưng ông Thịnh lại có những trăn trở thầm kín. Ông đang cố gắng truyền tình yêu nghề vẽ truyền thần cho đứa con gái duy nhất để nghề vẽ truyền thần không bị mất đi. Ông bảo: “Nếu không có thế hệ tiếp nối nghề vẽ truyền thần, tôi cảm thấy như có tội với các bậc tiền nhân, nên bây giờ ai muốn học tôi cũng dạy, miễn sao nghề này không bị mất đi”./.
(Theo TTXVN)