Giá trị của một dân tộc là nền tảng tinh thần được hình thành trong lịch sử lâu dài trong một cộng đồng, đó là truyền thống dựng nước, giữ nước, đó là những phương châm về đạo lý, lẽ sống của xã hội… Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là sự kế thừa, phát triển những giá trị dân tộc Việt Nam trong thời đại ngày nay. Những giá trị cơ bản đó có thể được khái quát như sau:
Trước hết, đó là chủ nghĩa yêu nước, là ý chí kiên cường, bất khuất trong đấu tranh chống các thế lực xâm lược. Cho dù sức mạnh của chúng lớn đến đâu, sự tàn bạo của chúng như thế nào và âm mưu thâm hiểm ra sao…, cũng không thể khuất phục được dân tộc ta. Phát triển chủ nghĩa yêu nước, ý thức về độc lập dân tộc, Hồ Chí Minh đã gắn truyền thống đó với khái niệm về bình đẳng và quyền của mỗi dân tộc. Trong Tuyên ngôn độc lập, Người viết: “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.
Một trong những tư tưởng lớn của Người là gắn liền độc lập dân tộc với tự do, dân chủ và hạnh phúc của nhân dân. Người nói: “Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc, tự do thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”. Vào lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước diễn ra ác liệt, Người nói: “ Không có gì quý hơn độc, lập tự do”. Trong Di chúc, Người nhấn mạnh đến mục tiêu của Đảng ta là: “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh…”
|
Chủ tịch Hồ Chí Minh. (Ảnh tư liệu: TTXVN).
|
Thứ hai, đó là tư tưởng về con đường phát triển của dân tộc Việt Nam trong thời đại ngày nay. Con đường đó phải phù hợp với quy luật, đồng thời hướng theo trào lưu cách mạng và tiến bộ của nhân loại. Tư tưởng gắn độc lập dân tộc với tôn trọng, bảo vệ quyền công dân và quyền con người được thể hiện trong Tuyên ngôn độc lập - 1945. Trong văn kiện này, Người đã trích dẫn “Tuyên ngôn độc lập của Mỹ”, 1776; “Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Pháp”, 1789 và khẳng định: Đó là những “lời bất hủ”, là “lẽ phải không ai chối cãi được”. Có thể nói, Tuyên ngôn độc lập, 1945 là Tuyên ngôn “kép”: Tuyên ngôn về độc lập dân tộc và tuyên ngôn về quyền công dân và quyền con người của Việt Nam.
Với Hồ Chí Minh, mục tiêu, thước đo đối với một cuộc cách mạng là: “Cách mạng rồi quyền phải giao cho dân chúng số nhiều”. Tuy nhiên, Người không theo chủ nghĩa đa nguyên, mà trước sau luôn khẳng định Chủ nghĩa Mác-Lênin là nền tảng tư tưởng của Đảng và xã hội ta. Người nói: “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lê-nin”. Năm 1969, không lâu trước khi qua đời, trong bài trả lời phỏng vấn của đồng chí Sác-lơ Phuốc-ni-ô, Người một lần nữa khẳng định: “Việt Nam có được những thắng lợi như ngày nay là do “chúng tôi đã cố gắng vận dụng một cách sáng tạo lời dạy của Lê-nin” và rằng, Chủ nghĩa Mác-Lênin đối với cách mạng Việt Nam là “ vũ khí không gì thay thế được”[1]
Thứ ba, đó là tư tưởng lấy dân làm “gốc”; cán bộ, Đảng viên, công chức phải tôn trọng quyền của người dân, phải chăm lo mọi mặt đời sống của nhân dân. Điều này đã được Hồ Chí Minh nói đến nhiều lần và Người đã nhắc lại trong Di chúc: “Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.
Là người nhìn xa, thấy rộng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm và đặt niềm tin ở thế hệ trẻ. Vào đầu năm học đầu tiên dưới chế độ mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho học sinh, còn trong Di chúc, Người viết: “Đoàn viên thanh niên ta nói chung là tốt... Đảng cần phải chǎm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa "hồng" vừa "chuyên".
Thứ tư, đó là tư tưởng về đại đoàn kết. Tư tưởng này vốn là một giá trị lớn của dân tộc ta. Đoàn kết là nhân tố quan trọng nhất tạo nên sức mạnh của dân tộc ta chiến thắng các kẻ thù xâm lược, cho dù chúng hùng mạnh đến đâu. Đoàn kết tạo ra sức mạnh tinh thần và vật chất của dân tộc. Điều này không chỉ được thể hiện trong đường lối, chính sách, mà còn trong văn hóa ứng xử, tinh thần khoan dung của mỗi người.
Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt nhấn mạnh đến đoàn kết trong Đảng, vì đó là cơ sở của đoàn kết xã hội và toàn dân. Người viết: “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”.
Thứ năm, đó là chủ nghĩa quốc tế trong sáng. Chủ nghĩa quốc tế vô sản ra đời trong bối cảnh chủ nghĩa tư bản chuyển sang thời kỳ đế quốc chủ nghĩa. Bối cảnh này đòi hỏi các Đảng cộng sản, các nhà nước XHCN cần phải liên minh giữa các đảng, giữa các nước XHCN với nhau để bảo vệ thành quả của cách mạng. Đây là một giá trị đặc sắc của dân tộc ta, là nguồn sức mạnh mang tính thời đại mà dân tộc ta có thể huy động trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia. Điều này đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập đến trong Di chúc. Người viết: “Tôi mong rằng Đảng ta sẽ ra sức hoạt động, góp phần đắc lực vào việc khôi phục lại khối đoàn kết giữa các đảng anh em trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản, có lý, có tình”.
Cuối cùng, đó là triết lý sống. Triết lý sống của Chủ tịch Hồ Chí Minh là kết tinh triết lý sống của dân tộc thể hiện sinh động và sâu sắc trong chính cuộc đời của Người. Trong tài liệu “Đường Kách mệnh”, năm 1927 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt lên hàng đầu việc giáo dục đạo đức cách mạng. Trong chương “ Tư cách một người cách mệnh”, Người đòi hỏi người cách mạng:“ Tự mình phải” “ giữ chủ nghĩa cho vững”, đặc biệt là “ít lòng tham muốn về vật chất”[2].
Đầu năm 1946, sau thắng lợi của cuộc tổng tuyển cử đầu tiên, Chủ tịch Hồ Chí Minh được bầu làm Chủ tịch nước. Trong bài trả lời các nhà báo, Người nói: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành. Riêng phần tôi thì làm một cái nhà nho nhỏ, nơi có non xanh nước biếc để câu cá, trồng hoa, sớm chiều làm bạn với các cụ già hái củi, em trẻ chăn trâu, không dính líu gì với vòng danh lợi”[3]. Còn trong Di chúc, Người viết: “ Suốt đời tôi hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”.
Nội dung tư tưởng, chính trị, văn hóa, đạo đức…trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là những chủ đề nghiên cứu rộng lớn. Sự tương tác giữa tư tưởng của một vĩ nhân với những giá trị của dân tộc cần có những công trình nghiên cứu thấu đáo, công phu.
---------------
[1] -Hồ Chí Minh Tuyể tập, TII, NXB ST,HN, 1980, Tr 526
[2] - Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, HN. Năm 1980, TI. tr 231
[3] -Hồ Chí Minh Tuyển tập, TI, Nxb ST, HN. Năm 1980, tr 381
Nguồn: Qđnd/TS CAO ĐỨC THÁI
|